Cho tới tận bây giờ, khi đã rời quần đảo Trường Sa vào đất liền ngót hơn 25 năm, tôi vẫn đinh ninh một điều, một trong những thứ quý giá nhất, gợi sự thân thương da diết trong tâm khảm mình nhất chính là Đất.
Trường Sa là quần đảo không có đất nếu hiểu theo định nghĩa: Đất là được sinh ra thông qua quá trình phong hóa các loại đá và sự phân hủy hàng triệu năm của các chất hữu cơ. Ở Trường Sa chỉ có trời, biển và đá núi lửa, đá san hô. Vậy, trong điều kiện đó, người lính đảo Trường Sa trồng rau xanh bằng cách nào, nhất là ở các đảo chìm vốn là những miệng núi lửa tắt nguội triệu năm, thủy triều lên mênh mông màu biển...?
Nhớ vị rau quê nhà
Không rõ tôi nhìn trân trân, chằm chằm vào cái lá rau muống trong bao lâu… Chợt giật mình bởi giọng anh Phương - y sĩ của đảo với dáng người gầy gò nhưng săn chắc:
- Có chuyện gì không? Nhớ nhà à?
- Nhìn lá rau muống đang độ "tuổi ăn tuổi lớn", tự dưng em lại nhớ nhà. Nhà em có một khu vườn rộng, mẹ em cũng chuyên trồng rau, đủ thứ rau, mùa nào thức nấy. Em cũng thích trồng rau.
Mùa khô trên quần đảo Trường Sa là mùa trồng rau thuận lợi nhất trong năm, mùa rau cho năng suất cao nhất trong năm. Nhưng dù năng suất rau có cao nhất trong năm thì lính đảo chúng tôi vẫn phải ăn dè với những nồi canh "đại dương" và chưa bao giờ chúng tôi dám ăn một bữa rau luộc.
Cuộc hội thoại ngắn ngủi của tôi và anh Phương trong một buổi chiều mùa nắng Trường Sa, khi mặt trời màu hung đỏ to lớn đang chìm dần về phía chân trời phía tây.
Tất cả có 8 khay gỗ và có 7 cái đều trồng một thứ rau, đó là rau muống. Tôi nhớ, vào một buổi sáng tinh mơ, ánh bình minh như những rẻ quạt khổng lồ tung lên bầu trời phía đông, anh Phương "lệnh" cho cả đảo đi trồng vụ rau mới. Chúng tôi, mỗi người một tay, mỗi người một phần việc tuân theo sự điều động, hướng dẫn của anh y sĩ Phương.
Tất cả những gốc rau muống được đào lên, rũ sạch đất, để ngăn nắp. Đất cũ trong khay được đổ ra hành lang ngoài trời tầng 1, đập nhỏ. Đất mới lấy lấy từ trong kho ra cũng được đập nhỏ. Hai phần đất mới và một phần đất cũ được trộn đều rồi cho lại vào 7 chiếc khay.
Những gốc rau muống cổ thụ được trồng trở lại trong các khay đất mới. Khối lượng công việc chẳng nhiều nhặn gì, mà sao chúng tôi lại cứ làm từ từ, chầm chậm như đang thực hiện một công trình đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn trọng? Tất cả như là một niềm vui, như là một trải nghiệm nho nhỏ gợi nhớ lại công việc nặng nhọc của nhà nông mà ít hay nhiều ai ở trên đảo đều đã từng làm.
Anh Phương nói, việc nhổ những cây rau muống cổ thụ già cỗi lên, rũ sạch đất cũ, trồng lại trên nền đất mới là quá trình "trẻ hóa" cây rau muống. Như các cụ ở quê gọi là đôn cây. Có lần tôi hỏi anh: Trong kho có túi hạt rau muống giống, sao anh không lấy ra gieo lứa mới mà cứ phải trồng lại những cây rau muống già?
Anh Phương giải thích: Mấy bụi rau muống cổ thụ này là giống rau muống cạn mang từ đất liền ra, ăn đậm vị và đã thích nghi với mưa nắng, hơi nước mặn đại dương. Bất đắc dĩ lắm mới phải dùng đến rau muống hạt.
Có đất mới trộn vào, lại được "trẻ hóa" qua bàn tay của lính đảo, mỗi ngày 2 lần tưới nước vo gạo vào sáng sớm và chiều muộn, những cây rau muống nảy mầm mới, lộc mới, cái nào cũng mập mạp hẳn ra. Chúng cường tráng và sung mãn trong những đôi mắt hau háu, chăm chú quan sát, theo dõi của chúng tôi mỗi ngày.
Độc đáo tạo đất trồng rau
Một bữa, anh mở cái rương cá nhân đóng bằng gỗ tốt của mình, cẩn thận lôi ra một cái hộp thuốc tây. Trong cái hộp đó lại có một cái túi nylon loại dày. Anh cẩn thận mở ra, trong đó là một thứ hạt rau cải nhỏ li ti màu nâu đỏ. Nhúm 3 nhúm nhỏ, anh bỏ vào cái tô bằng inox. Anh nói: Hạt cải bẹ này anh mang từ quê ở Thanh Hóa ra. Mỗi lứa ra chỉ gieo 3 nhúm.
Khay rau cải nảy mầm, ra lá mơn mởn trong những ánh mắt háo hức, dõi theo, mong chờ của mọi người trên đảo. Có lần, cậu Tuyển chiến sỹ hậu cần ngắt 2 cây cải non đưa lên miệng nhai, xuýt xoa "thơm, cay nồng..." liền bị anh Phương "mắng té mắng tát" như một bà bị mất cắp.
Quả thật, có lần tôi xin anh Phương cho "ăn vụng" một cái lá rau cải bẹ còn non. Mới bỏ vô mồm, mùi rau cải thơm, cay, nồng đã xộc vào mũi và có cảm giác nó len lỏi lên tận các ngóc ngách trong các tế bào thần kinh. Một nỗi nhớ nhà, nhớ mảnh vườn quê với hình bóng mẹ tôi tảo tần sớm tối lại hiện về. Mãi một lúc lâu tôi mới thoát được tình trạng ngơ ngẩn khi anh Phương liên tục hỏi: Mày làm sao thế? Mày có làm sao không?
Khay rau cải bẹ đó, cả đảo chúng tôi nấu được 2 "nồi canh đại dương". Canh cải loãng quá trời loãng nhưng là thứ canh thơm mùi quê hương, ruộng vườn, mùi đất liền mà tôi và những người ăn bữa đó ai cũng cảm nhận được.
Lại nói về chuyện đất ở Trường Sa. Một hôm, sau buổi đi biển, nhóm chúng tôi lặc lè, mệt phờ kéo cả mấy trăm con cá bò về mép đảo. Trước khi đi tắm nước ngọt, anh Phương hì hục mò cát san hô bỏ vào đầy hơn phân nửa cái bao tải. Xong anh vứt cái bao tải ấy lên taluy trên cao trong sự theo dõi đầy tò mò của tôi. "Để đấy để làm đất trồng rau" - anh nói.
Ở bán đảo Cam Ranh những ngày huấn luyện, tôi đã từng nhìn say mê những cành san hô, những cục san hô trôi dạt vào bờ biển. Lâu ngày, rong rêu và một thứ tựa như cây dại mọc li ti bám kín. Thế nhưng, thứ cát san hô anh Phương vớt lên để qua những ngày mưa nắng tuyệt không có thứ rong rêu, cỏ dại nào mọc. Chúng càng ngày càng trắng bóc khó mà tả nổi. Thứ cát ấy thì anh Phương trồng rau xanh kiểu gì, tôi đã nhiều lần hỏi.
Rồi có một ngày, anh huy động tốp lính chiến chúng tôi tham gia một buổi lao động. Đó là dùng các chày gỗ tự tạo đập nhỏ đá san hô, đập nhỏ những đầu cá bò gù anh đã phơi khô rang trên nóc nhà bếp. Đá, cát san hô đập nhỏ, trộn với đầu cá bò gù đập nhỏ, anh Phương trộn lại rồi rải đều lên các khay rau.
Thật tuyệt vời, chỉ tầm một tuần sau là các cây rau muống như tiếp thêm được năng lượng, trổ thêm mầm mới, lá mới. Lá rau muống to hơn, dài hơn, nhẵn hơn, xanh hơn một màu xanh khỏe mạnh. Lần đầu tiên trong "vườn rau muống", tôi thấy có mấy ngọn rau muống bật vươn thành vòi.