Nhiều hộ gia đình tại Hà Nội "bất ngờ" khi nhận được hóa đơn tiền điện tháng 2/2024. Lý do, giá tiền điện tăng gấp đôi so với những tháng trước. Nhiều người nghi ngờ EVN tính sai tiền điện, thậm chí đặt nghi vấn "gian lận".
Trao đổi với PV Dân Việt, chị M tại Cầu Giấy Hà Nội cho biết, gia đình chị mới nhận được hóa đơn tiền điện tháng 2/2024. Điều khiến chị ngạc nhiên và lo lắng đó là, hóa đơn điện tăng gấp đôi so với tháng 1/2024. Chị cũng nhận phản ánh tương tự từ bạn bè và trên mạng xã hội. Nhiều người nghi ngờ EVN tính sai tiền điện, thậm chí đặt nghi vấn "gian lận".
Tuy nhiên, thực tế ngày 3/3, ông Lê Ánh Dương - Phó Tổng Giám đốc Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã khẳng định, EVNHANOI triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công-tơ về ngày cuối tháng thay vì đầu tháng như trước đây. Các hộ dân ghi chỉ số công tơ ngày mùng 3 hàng tháng nhưng với quy tắc mới, sẽ chốt công tơ ngày 29/2. Đồng nghĩa, số ngày thực tế của kỳ hóa đơn này tăng lên 57 ngày.
Theo giải thích như trên của EVN Hà Nội, không có chuyện giá điện dồn tháng 1 và tháng 2 để tính giá lũy tiến như nhiều người đang hiểu lầm. Tiền điện được cộng hai tháng và vẫn tính theo các bậc thang cũ với các định mức điện năng tiêu thụ cụ thể, EVN giải thích cách tính tiền điện theo bậc thang như sau.
Cụ thể, theo cách tính hiện hành (30 ngày), đơn giá điện bậc 1 vẫn 1.806 đồng/ kWh, được tính cho 50kWh đầu tiên (từ 0kWh đến 50kWh). Số tiền tương đương 90.300 đồng.
Nhưng với hóa đơn tiền điện từ ngày 4/1-29/2 (hóa đơn phát hành tháng 2/2024), ngoài 50kWh theo cách tính hiện hành, sẽ được tính thêm tối đa 42kWh điện cộng dồn, đơn giá vẫn là 1.806 đồng/ kWh.
Vì vậy, tiền điện bậc 1 trong hóa đơn tháng 2 sẽ được cộng thêm khoảng 76.000 đồng, hóa đơn điện bậc 1 tăng thêm khoảng 166.300 đồng.
Đối với tiền điện bậc 2, đơn giá 1.866 đồng/ kWh, tại sẽ chỉ tính cho 50 kWh (từ kWh thứ 51đến kWh thứ 100). Tiền điện bậc 2 cho kỳ 30 ngày là 93.300 đồng.
Hóa đơn tiền điện mới tháng 2, tiền điện thực tế tính 92kWh, giá tiền tương đương khoảng 78.300 đồng, tiền điện bậc 2 hóa đơn mới tháng 2, tổng số tiền điện là khoảng 171.672 đồng.
Đối với tiền điện bậc 3, giá điện 2.167 đồng/kWh tính cho 100 kWh từ 101-200kWh, số tiền điện bậc 3 hóa đơn cũ là 216.700 đồng.
Nhưng hóa đơn mới tháng 2, đơn giá điện bậc 3 sẽ được tính cho tối đa 184 kWh, định mức tăng 84kWh, giá điện bậc 3 trên hóa đơn tháng 2 sẽ được cộng thêm hơn 183.000 đồng, tiền điện bậc 3 thực tế là 399.700 đồng.
Đối với tiền điện bậc 4, giá điện 2.729 đồng/kWh cho 100 kWh từ 201-300 kWh, hộ sử dụng điện bậc 4 sẽ trả 273.000 đồng trong kỳ 30 ngày.
Đối với hóa đơn tiền điện mới tháng 2, điện bậc 4 tính cho tối đa 184kWh, số tiền điện bậc 4 hóa đơn mới tháng 2 sẽ cộng thêm 229.236 đồng, số tiền điện bậc 4 sẽ là khoảng 502.236 đồng.
Tương tự, điện bậc 5, giá điện là 3.050 đồng/kWh, cách tính hiện hành chỉ tính 100 kWh, giá điện là 305.000 đồng, nhưng hóa đơn mới tháng 2, bậc điện 5 sẽ tính cho tối đa 184kWh, tiền điện bậc 5 là 561.200 đồng.
Thực tế, số tiền điện trong tháng 2/2024 sẽ căn cứ vào ngày chốt hóa đơn để điện lực tính số ngày 50 ngày hoặc 57 ngày sử dụng thực tế sẽ có số đơn vị tính khác nhau, có thể khoảng cách tính các bậc giá điện sẽ tăng thêm 84 kWh, 87 kWh, 89 kWh và tối đa 92 kWh/ bậc giá điện.
Cụ thể, với hóa đơn tiền điện của hộ gia đình có số ghi công tơ từ ngày 6/1 đến ngày 29/2 được tính các bậc giá điện giãn rộng bậc 1 và 2 đến 89 kWh, bậc 3, 4 lên 177 kWh và bậc 5 là 63 kWh.
Tổng tiền điện hộ gia đình này sử dụng là 595 kWh/tháng 2/2024, trong đó có 363 kWh được tính theo số kWh thực tính, 232 kWh được tính giãn rộng, bậc 1, số kWh điện của hộ gia đình này 89 kWh, tương đương 50kWh và 39 kWh tính theo giá điện bậc 1, bậc 2 cũng tương tự và các bậc giá điện 3, 4 đều được tính theo cách giãn rộng kWh điện tiêu thụ thực tế.
Tổng số tiền điện hộ gia đình này phải trả trước VAT là 1,38 triệu đồng, sau thuế là gần 1,5 triệu đồng.
Theo lý giải của chuyên gia, việc tăng tiền điện trả thực trên hóa đơn điện tháng 2 không đồng nghĩa với việc tăng tiền điện sử dụng/ bậc giá điện mà do cộng gộp số điện gần 2 tháng sử dụng với nhau khiến tiền điện tăng vọt. Các bậc giá điện từ 1-6 vẫn có giá tương tự, không đánh lũy tiến người sử dụng.
Việc người dân thắc mắc tại sao tỷ lệ có hộ gia đình sử dụng điện được EVN Hà Nội áp dụng nới khoảng cách tính điện bậc 1, 2 từ 50kWh lên 84 kWh, nhưng có hộ gia đình lại được tăng lên 87kWh, 89 kWh và 92 kWh… Hoặc có hộ dùng điện bị áp dụng điện bậc 3, 4 là 168 kWh, có hộ lại được áp dụng lên 177 kWh, có hộ được hưởng 184 kWh… Công thức tính này EVN cần giải thích cặn kẽ cho khách hàng.