Là nguồn nước dồi dào nhưng nước từ hồ Tuyền Lâm chưa thể cung cấp cho người dân tại TP.Đà Lạt sử dụng để sinh hoạt trong khi hồ cung cấp nước chính là hồ Đan Kia đang dần bị bồi lắng, ô nhiễm.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, hiện nay nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân TP.Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương (thị trấn Lạc Dương) chủ yếu khai thác từ hồ Đan Kia (chiếm khoảng 78% nguồn nước cấp).
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán 2024, nhiều khu vực trên địa bàn TP.Đà Lạt như đường Huỳnh Tấn Phát, khu vực Xuân Trường - Trạm Hành, các tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Khe Sanh, Khởi Nghĩa Bắc Sơn, An Bình, Lữ Gia... và thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) đã xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Theo đó, nguyên nhân chính được đánh giá là do thiếu nguồn cấp, hệ thống cấp nước hiện hữu không đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên các khu vực có địa hình cao, xa thì nước không thể cung cấp đến. Trong khi đó, vào các thời điểm trên, lượng khách du lịch tăng cao nên lưu lượng chưa đảm bảo, phải ưu tiên cấp cho khu vực trung tâm nên cắt giảm, cấp luân phiên cho một số khu vực.
Mặc dù hồ Đan Kia là nơi cung cấp nước chính cho TP.Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương nhưng trữ lượng và chất lượng nước hồ hiện nay là khó đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai. Hiện nay, tổng lưu lượng nước được cấp giấy phép khai thác, sử dụng cho cấp nước sinh hoạt tại TP.Đà Lạt và huyện Lạc Dương là 77.000 m3 /ngày đêm do Công ty Cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng (Lawaco) quản lý, vận hành. Tuy nhiên, lượng nước này chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân trong những ngày bình thường, chưa đáp ứng được nhu cầu trong các ngày lễ, tết và định hướng phát triển đô thị trong tương lai.
Thực tế hiện nay, tìm hiểu của phóng viên, Công ty cổ phần cấp nước Tuyền Lâm đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép đầu tư dự án Nhà máy cấp nước Tuyền Lâm với mục tiêu cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền lâm và cấp bổ sung cho mạng lưới cấp nước TP.Đà Lạt.
Hiện nay, khu vực nhà máy xử lý nước sạch của Công ty cổ phần cấp nước Tuyền Lâm đã được xây dựng các hạng mục cơ bản và được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, chấp thuận cho phép chủ đầu tư được nghiệm thu, đưa vào hoạt động. Trước đó, Công ty cổ phần cấp nước Tuyền Lâm đã ký kết hợp đồng với Lawaco để cung cấp nước sạch cho TP.Đà Lạt với lưu lượng 4.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện thỏa thuận này đang bị tạm ngưng.
Công ty cổ phần cấp nước Tuyền Lâm cho biết, hiện nay, TP.Đà Lạt đang thiếu nước, trong khi nguồn nước của công ty này đang dôi dư, vì vậy công ty kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp kết nối, điều hòa, mở rộng mạng lưới cấp nước giữa các nhà máy. Đồng thời, Công ty cổ phần cấp nước Tuyền Lâm cũng kiến nghị Sở Tài chính tỉnh Lâm đồng tổ chức việc hiệp thương với Lawaco để công ty này tiếp tục cung cấp nước sạch cho TP.Đà Lạt với lưu lượng như cũ.
Trong khi đó, Lawaco cho rằng: "Do bị ngưng hợp đồng mua bán nước sạch với Công ty cổ phần cấp nước Tuyền Lâm nên công ty đã chủ động xin phép nâng công suất khai thác nước thêm 6.000 m3 /ngày đêm (Nhà máy nước Đan Kia tăng 5.000 m3 /ngày đêm, Nhà máy nước Đa Thiện tăng 1.000 m3 /ngày đêm) để đảm bảo cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương.
Nhu cầu sử dụng nước hiện tại của khách hàng trên địa bàn TP.Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương (thị trấn Lạc Dương) so với tổng lượng nước sản xuất của Công ty và nước mua của Công ty cổ phần cấp nước Sài Gòn Đan Kia là còn thừa khoảng 8.700 m3/ngày đêm. Do vậy, nếu mua thêm nước của Công ty cổ phần cấp nước Tuyền Lâm nữa thì lượng nước mua sẽ bị dư...ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư".
Chính vì vậy, Lawaco cho biết chưa thể ký hợp đồng mua bán nước sạch với Công ty cổ phần cấp nước Tuyền Lâm, việc thỏa thuận, mua bán nước sạch sẽ được xem xét khi Lawaco có nhu cầu. Công ty này cũng cam kết cung cấp nước đầy đủ cho khách hàng trên địa bàn TP.Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương trong buổi làm việc với các đơn vị liên quan.
Hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu Lawaco cần có các nguồn nước dự phòng, bổ sung từ các nguồn như hồ Tuyền Lâm để có thể cấp ngay cho hệ thống trong trường hợp có sự cố về cấp nước, đảm bảo tuyệt đối về trữ lượng và chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho người dân nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho TP.Đà Lạt và huyện Lạc Dương.
Đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần cấp nước Tuyền Lâm tiếp tục hiệp thương với Công ty cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng để thỏa thuận về giá và ký hợp hợp đồng mua bán nước. Trong trường hợp chưa đạt được thỏa thuận về giá thì báo cáo Sở Tài chính tổ chức hiệp thương.