Hai hộ dân tại phường Tân Thiện, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước tranh chấp hẻm cụt. Câu chuyện không lớn nhưng trong quá trình hòa giải từ UBND phường Tân Thiện lại xảy ra nhiều sai sót, khiến vụ tranh chấp kéo dài hơn một năm; các hộ dân liên quan vô cùng mệt mỏi.
Không dự họp, vẫn ký vào biên bản hòa giải
Ngày 30/12/2022, bà Nguyễn Thị Xanh (sinh 1958, trú số 1052 Phú Riềng Đỏ, phường Tân Thiện, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) gửi đơn lên UBND phường Tân Thiện phản ánh: Thửa đất của bà Xanh và bản đồ địa chính, thể hiện "phía sau giáp đường công cộng và tôi có mở một cổng ra vào". Nay, hộ vợ chồng ông bà Hán Duy Cán - Vũ Thị Tố Tâm rào chắn, không cho nhà bà Xanh trổ cửa ra "đường công cộng".
Trong khi đó, theo ông Cán - bà Tâm, khoảnh đất trống sau thửa đất bà Xanh không phải "đường công cộng". Thực chất, chỉ là "đường nội bộ" (hẻm cụt) từ cách đây khoảng 30 năm, nằm trong diện tích đất của gia đình bà Lê Thị Thế. Bà Thế chia đất cho 2 người con gái Lê Thị Thủy và Lê Thị Thảo; đồng thời, mở hẻm nội bộ này để người trong nhà đi lại cho tiện.
Sau này, bà Lê Thị Thủy chuyển nhượng đất (trong đó có một phần "đường nội bộ") cho vợ chồng ông bà Nguyễn Danh Khoa - Nguyễn Thị Hải Linh. Vài năm sau, vợ chồng ông Khoa - bà Linh chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Cán - bà Tâm (trong đó có một phần "đường nội bộ"). Đồng thời, vợ chồng ông Cán - bà Tâm mua luôn diện tích "đường nội bộ" phía đầu ngõ còn lại của bà Lê Thị Thảo.
Theo bà Tâm, trên thực tế, "đường nội bộ" không còn nữa, từ khi toàn bộ thửa đất của gia đình bà Lê Thị Thế trước đây đã được ông Cán - bà Tâm mua lại. Vì vậy, bà Tâm rào đất, không cho nhà bà Xanh trổ cổng ra.
Bà Xanh gửi đơn đề nghị UBND phường Tân Thiện kiểm tra, nếu trong sổ đất của ông Cán - bà Tâm có (tức "đường nội bộ" - PV) thì thôi; "còn không có, mà lấn ra đất công thì yêu cầu (bà Tâm) trả lại lối đi công cộng cho cộng đồng dân cư" - trên thực tế "cộng đồng dân cư" chỉ có 2 gia đình bà Tâm và bà Xanh.
Sau khi nhận đơn, thay vì phải thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai theo đúng quy định, UBND phường Tân Thiện lại thực hiện thủ tục, quy trình hòa giải, với quá nhiều sai sót.
Cụ thể: Biên bản xác minh lập ngày 4/1/2023, cán bộ phường chỉ gặp có một phía khiếu nại là bà Nguyễn Thị Xanh, mà không gặp phía ông Cán - bà Tâm. Mặt khác, biên bản cho biết mới xác minh tại hiện trường mà chưa thu thập, xác minh các chứng cứ, nguồn thông tin khác về vụ việc trên…
Ngày 31/3/2023, lẽ ra khi tổ chức cuộc họp hòa giải tranh chấp đất đai, phải có mặt đầy đủ các thành phần trong Hội đồng hòa giải. Đằng này, cuộc họp chỉ có đại diện UBND phường (ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Chủ tịch và 2 cán bộ phường phụ trách địa chính và xây dựng), vợ chồng bà Xanh (bên kiện) và vợ chồng bà Tâm (bên bị kiện).
Ngày 27/4/2023, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thiện - ban hành công văn số 105/CV-UBND, khẳng định khoảnh đất trống phía sau thửa đất nhà bà Xanh (do bà Lê Thị Thế cho bà Lê Thị Thảo làm đường đi riêng trong gia đình và sau này, bà Thảo đã chuyển nhượng cho bà Tâm) là "đường công cộng". Bà Tâm phải tháo rào chắn để "bà Xanh mở lối ra đường công cộng".
Ngày 4/1/2024, UBND phường Tân Thiện tiếp tục họp hòa giải, nhằm yêu cầu bà Xanh và ông Cán - bà Tâm thực hiện công văn 105. Biên bản cuộc họp ghi rõ danh sách Hội đồng hòa giải phường Tân Thiện tham dự cuộc họp, gồm 9 thành viên đại diện cho các thành phần: UBND phường, địa chính, tư pháp, hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh…
Và, trong cuộc họp còn có tên bà Phùng Thị Chuyển - Trưởng khu phố. Tại biên bản cuộc họp thể hiện 9 thành viên trong Hội đồng hòa giải và Trưởng khu phố đều ký tên và đóng dấu UBND phường.
Tuy nhiên, trên thực tế, có 3 người không dự họp vẫn ký tên vào biên bản cuộc họp hòa giải, gồm các ông bà: Trịnh Đình Đào (Chủ tịch Hội cựu chiến binh), Đào Việt Thắng (Bí thư đoàn thanh niên) và Phùng Thị Chuyển (Trưởng khu phố).
Chưa hết, ngày 12/1/2024, UBND phường Tân Thiện tiếp tục tổ chức cuộc họp hòa giải. Lần họp này, Biên bản cuộc họp thể hiện danh sách Hội đồng hòa giải phường Tân Thiện gồm 10 thành viên và 1 Trưởng khu phố, với đầy đủ chữ ký và họ tên 11 người.
Nhưng trên thực tế tham dự cuộc họp hòa giải, có 4 người không dự họp mà vẫn ký tên vào biên bản, gồm các ông bà: Lê Hoàng Anh (chủ tịch Ủy ban MTTQ phường), Trịnh Đình Đào (chủ tịch Hội cựu chiến binh), Đào Việt Thắng (Bí thư đoàn thanh niên) và Phùng Thị Chuyển (Trưởng khu phố).
Hủy 2 biên bản ngụy tạo, tranh chấp tiếp tục kéo dài
Ngày 22/2/2024 vừa qua, ông Phạm Văn Thắng - Chủ tịch UBND phường Tân Thiện - đã thừa nhận với PV báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt:
"Hai biên bản lập ngày 4/1 và 12/1/2024 không đúng quy định. Lý do: Có một số thành viên không dự họp mà vẫn ký vào biên bản dự họp. Vì vậy, chúng tôi thống nhất hủy bỏ 2 biên bản ngày 4/1 và 12/1/2024. Thời gian tới, trước khi tiến hành hòa giải, UBND phường sẽ xác minh toàn bộ hồ sơ đất của 2 gia đình bà Tâm và bà Xanh để làm cơ sở giải quyết hòa giải".
Ngày 3/4/2024, PV báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó chủ tịch UBND phường Tân Thiện. Ông Hưng thừa nhận 2 biên bản được lập tại 2 cuộc họp hòa giải tranh chấp "đường nội bộ" giữa hộ bà Tâm và hộ bà Xanh là "chưa đúng quy định, nếu không nói là sai".
Nhưng ông Hưng lại cho rằng, việc làm "chưa đúng quy định" trên chưa gây ra hậu quả. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, theo đúng thủ tục, đúng quy trình. Đây là bài học để cán bộ ghi biên bản rút kinh nghiệm. Ai tham gia Hội đồng hòa giải, có mặt dự họp thì ký tên, không dự họp thì ghi vắng có lý do hoặc không có lý do" - ông Hưng nói.
Ông Hưng không thừa nhận quá trình hòa giải vừa qua giữa 2 hộ dân là "hòa giải tranh chấp đất đai" (mặc dù tại các biên bản ghi nhận rất rõ các thủ tục là "hòa giải tranh chấp đất đai"), mà chỉ là giải quyết theo "đơn đề nghị" của bà Nguyễn Thị Xanh.
Trong khi đó, về phía bà Vũ Thị Tố Tâm đã vô cùng bức xúc: "Biên bản lập ra phải được ghi trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ; phải được hình thành ngay khi sự việc, vụ việc đã hoặc đang diễn ra mới đảm bảo được tính chân thực.
Đằng này, biên bản lập ra, những người không họp, không biết đúng - sai gì trong vụ việc lại ký tá, ghi tên như đúng rồi vào biên bản. Chưa nói, biên bản lập tại cuộc họp, nhưng gần 20 ngày sau, phía bị đơn mới nhận được biên bản. Vụ lùm xùm kéo dài suốt 1 năm qua vẫn chưa hòa giải xong, vì 2 biên bản ngụy tạo sai trái. Đằng sau hành vi ngụy tạo biên bản ấy là gì ?
Nay, phải hòa giải lại từ đầu, chúng tôi quá mệt mỏi. Ai bù đắp cho chúng tôi những thiệt hại về tinh thần, thời gian đi lại, họp hành suốt 1 năm qua, để rồi vụ việc vẫn chưa giải quyết tới đâu ?".