Biên kịch Phạm Thanh Hà - người viết kịch bản của "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên" - 2 phim hoạt hình được Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đã chia sẻ với Dân Việt câu chuyện hậu trường thực hiện bộ phim này.
Cả 2 bộ phim hoạt hình Lời hứa Điện Biên và Chiếc xe thồ Điện Biên đều do biên kịch Phạm Thanh Hà, biên tập Nguyễn Thu Trang đảm trách, đạo diễn - họa sĩ Bùi Mạnh Quang thực hiện. Các phim có thời lượng 10 phút với thể loại cắt giấy.
Lời hứa Điện Biên xoay quanh cuộc gặp gỡ giữa ông lão và cậu bé nơi chiến trường Điện Biên năm xưa. Qua câu chuyện của người cựu chiến binh, cậu bé đã hiểu thêm về cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu của cha, ông năm xưa.
Chiếc xe thồ Điện Biên kể về hành trình của một cậu bé cùng chiếc xe thồ hàng trong Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ. Được xe thồ đưa đi thăm lại chiến trường xưa của cha, ông năm xưa, cậu bé được chứng kiến toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ với những điều phi thường, những kỳ tích mà quân dân ta đã tạo nên trong chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu.
Biên kịch Phạm Thanh Hà đã có cuộc trò chuyện với PV Dân Việt về quá trình thực hiện 2 bộ phim hoạt hình lịch sử này.
Biên kịch Phạm Thanh Hà xác định Chiếc xe thồ Điện Biên và Lời hứa Điện Biên là phim lịch sử cho thiếu nhi hay là phim dành cho cả người lớn?
- Hai bộ phim Chiếc xe thồ Điện Biên và Lời hứa Điện Biên là những bộ phim của Hãng phim hoạt hình Việt Nam được đặt hàng sản xuất từ các nguồn khác nhau để phục vụ nhiệm vụ chính trị, được xác định là các bộ phim hoạt hình dành cho thiếu nhi về đề tài lịch sử.
Bởi vậy, khi xây dựng kịch bản chúng tôi hướng tới việc làm các bộ phim về đề tài Điện Biên dành cho khán giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên, cũng như các bộ phim khác, là biên kịch, tôi mong muốn, ngoài thông điệp, nội dung dành cho các các khán giả nhỏ tuổi, mỗi hình ảnh, biểu tượng trong phim sẽ ẩn giấu những giá trị sâu sắc mà nếu quan tâm thì người lớn cũng sẽ đồng cảm, chia sẻ.
Làm phim hoạt hình lịch sử cho thiếu nhi với chị có điều gì khó khăn?
- Trước đây, trong một số bài viết, tôi từng chia sẻ, viết về lịch sử, về chiến tranh luôn là một thử thách, đặc biệt với thể loại phim hoạt hình dành cho thiếu nhi. Chúng ta có câu chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử song khai thác thế nào để phù hợp với đặc trưng của ngôn ngữ hoạt hình, chứa đựng nhiều yếu tố hư cấu, tưởng tượng mà vẫn giữ được tính chính xác, tôn trọng lịch sử, giữ được tinh thần lịch sử là không dễ. Vừa tránh lối làm phim khô khan, minh họa lịch sử; vừa tạo được sự hấp dẫn, cuốn hút của bộ phim hoạt hình là nhiệm vụ khiến các nhà làm phim hoạt hình về đề tài lịch sử luôn trăn trở.
Bên cạnh đó, trong điều kiện hiện tại, việc đầu tư thời gian, nhân lực, tài chính cho phim lịch sử tốn kém hơn nhiều so với các bộ phim thông thường. Điều này cũng gây nên những khó khăn khi triển khai đề tài phim lịch sử cho thiếu nhi.
Ý tưởng của 2 câu chuyện phim đến với chị như thế nào?
- Khi Hãng phim hoạt hình Việt Nam có kế hoạch sản xuất các phim về đề tài chiến thắng Điện Biên, các biên kịch của Hãng liền bắt tay tìm hiểu các nguồn tư liệu để lựa chọn câu chuyện. Phải mất một thời gian khá dài tôi mới hoàn thành xong kịch bản Lời hứa Điện Biên về cuộc gặp gỡ giữa một cậu bé và người cựu chiến binh thăm lại chiến trường Điện Biên.
Kịch bản Chiếc xe thồ Điện Biên triển khai sau đó gần 1 năm. Và vì đã tích lũy đủ chất liệu và tìm ra cách thể hiện phù hợp với hoạt hình nên Chiếc xe thồ Điện Biên hoàn thành khá nhanh. Cả hai kịch bản tôi đều viết với sự đồng hành của biên tập Nguyễn Thu Trang.
Lựa chọn những chi tiết trước rất nhiều điều có trong thực tế để phù hợp với phim hoạt hình. Với chị có những trở ngại, áp thực thế nào?
- Xác định đây là bộ phim hoạt hình dành cho thiếu nhi nên mặc dù đọc và xem rất nhiều tư liệu về Điện Biên, nhưng tôi phải mất nhiều thời gian chọn lọc, bàn bạc với biên tập, đạo diễn một cách kỹ lưỡng. Cần phải chọn được những sự kiện, tình huống và nhân vật phù hợp với đặc trưng thể loại hoạt hình, phù hợp đối tượng khán giả là các em thiếu nhi.
Bởi vậy, nhiều chi tiết "đắt", hình ảnh khái quát mang tính biểu tượng, khơi dậy trí tưởng tượng của trẻ em được thể hiện trong hai bộ phim như: hình ảnh chiếc xe thồ, trận địa kéo pháo, những cánh ban trắng nhuộm hồng bởi sự hy sinh của các chiến sĩ… hay những câu chuyện xúc động về tình đồng chí, đồng đội… được thể hiện trong kịch bản, hướng tới việc tạo cảm xúc, chạm tới tâm hồn của người xem.
Chị và đạo diễn đã xây dựng hình tượng, tạo hình các nhân vật thế nào? Chị có tự tin những bộ phim hoạt hình này sẽ phù hợp với thị hiếu, thẩm mỹ của khán giả hiện nay?
- Với cá nhân tôi, khi xây dựng hình tượng hay tạo hình, nhân vật hoạt hình luôn phải "đẹp theo cách riêng của hoạt hình". Trong khi viết kịch bản hay khi trao đổi với đạo diễn, họa sĩ, tôi luôn tự đặt mình như là một khán giả nghĩ theo cách mà một người xem mong muốn.
Tôi tin, mình đã rút ngắn khoảng cách thế hệ, có sự gần gũi, đồng cảm với các bạn nhỏ để có thể viết nên những điều mà các bạn mong muốn.
Tuy nhiên, là một nhà biên kịch chuyên nghiệp, cần có tiết chế cần thiết để những sáng tạo của mình đạt được chủ ý nghệ thuật đã đặt ra, đồng thời đáp ứng được thẩm mỹ và thị hiếu của khán giả trẻ.
Với mục tiêu làm ra phim hoạt hình lịch sử nhưng phải không khô khan, dễ cảm và dễ hiểu. Vậy chị và đạo diễn đã có cách xây dựng hình ảnh, tình huống phim như thế nào?
- Phim hoạt hình là thể loại phim có đặc trưng riêng biệt, kể chuyện bằng hình ảnh, cụ thể là hình vẽ với nhiều thủ pháp khoa trương ước lệ, sử dụng trí tưởng tượng, hư cấu, gợi liên tưởng vượt ra khỏi ranh giới của hiện thực.
Bởi vậy, cần có sự dung hòa để đảm bảo được yếu tố chân thực, không làm trẻ nhỏ hiểu sai lệch về lịch sử, về nhân vật lịch sử, đồng thời vẫn tạo nên được tính truyện, sự hấp dẫn của câu chuyện.
Trong các bộ phim lịch sử, chúng tôi đã phát huy cao việc sử dụng các hình ảnh biểu tượng, mang tính nghệ thuật cao, những tình huống phim ấn tượng, gây xúc động để chạm được vào cảm xúc của khán giả, để các em cuốn theo câu chuyện, được dẫn dắt bằng chính cảm xúc chân thật của mình.
Chị có thấy áp lực khi phải truyền tải một vấn đề rất lớn, đề tài lịch sử vào phim hoạt hình?
- Bản thân tôi là một người yêu thích lịch sử và gắn bó với đề tài lịch sử trong thời gian dài, tôi không thấy áp lực với đề tài phim hoạt hình lịch sử. Tôi cảm nhận được sự khó khăn khi làm các phim lịch sử nhưng tôi nghĩ đó là một thử thách cho mình. Chinh phục các thử thách luôn là điều mà những người làm công việc sáng tạo luôn hướng tới.
So với phim hoạt hình thông thường chắc hẳn đề tài phim lịch sử tốn công sức, thời gian, suy nghĩ rất nhiều?
- Đây là một nhận định chính xác. Viết về đề tài lịch sử là một thử thách với các nhà biên kịch nhưng thể hiện kịch bản thành một bộ phim chất lượng càng là thử thách cao hơn với đạo diễn, họa sĩ và các thành phần sáng tác khác.
Các nhà làm phim về đề tài lịch sử, ngoài khả năng chuyên môn thông thường còn phải là những người rất am hiểu về lịch sử để có thể thể hiện được chính xác các yếu tố lịch sử thông qua tạo hình, phục trang, đạo cụ, vũ khí, phong tục tập quán, ngôn ngữ, xưng hô đúng với giai đoạn lịch sử.
Chưa kể, với thời lượng dài, nhiều nhân vật, bối cảnh thì thời gian, công sức và tâm huyết để dành cho phim lịch sử là vô cùng lớn, không phải bất cứ người làm nghề nào cũng có thể đảm nhận.
Chị kỳ vọng và đưa đến thông điệp gì qua 2 bộ phim "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên"?
- Hoàn thành kịch bản của 2 bộ phim khiến tôi rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, cùng Hãng phim hoạt hình Việt Nam góp thêm vào đợt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ những bộ phim tốt thể hiện sự tri ân với các thế hệ cha anh đã chiến đấu trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Với khán giả nhỏ tuổi, qua thông điệp của 2 bộ phim, chúng tôi mong các em có thêm những hiểu biết về một thời kỳ lịch sử oai hùng chiến đấu chống ngoại xâm và thực dân đô hộ, truyền cho các em tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào và ý thức trách nhiệm tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Xin cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin!