TTVH Online

Bảo đảm quyền tác nghiệp của báo chí tại tòa - Bài cuối: Không nên để xảy ra tình trạng "luật đè luật"!

Phong Cầm 13/04/2024 11:52 GMT+7

Theo một số nguyên Đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) nếu đưa vào thực thi sẽ xảy ra xung đột pháp luật, có thể dẫn tới tình trạng "luật đè luật".

Như Dân Việt đã thông tin, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa tổ chức xin ý kiến Đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là quy định về việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.

Theo đó, khoản 3, Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp".

Tại hội nghị này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng lý giải việc "thắt chặt ghi âm, ghi hình" tại phiên tòa. Theo ông Bình, luật chỉ điều chỉnh trong phiên tòa xét xử, còn "ra ngoài hành lang phỏng vấn ai, đưa tin như thế nào, đó là việc của truyền thông, chúng tôi không ngăn cản, không điều chỉnh". 

Đồng thời Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, việc tổ chức phiên tòa do tòa thực hiện, phải đảm bảo 3 yêu cầu: Đúng luật; bảo đảm chất lượng; bảo đảm trang nghiêm, nghiêm túc.

Bảo đảm quyền tác nghiệp của báo chí tại tòa - Bài cuối: Không nên để xảy ra tình trạng "luật đè luật"!- Ảnh 1.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Q.H

Báo chí ghi âm, ghi hình phản ánh phiên tòa cũng chính là giáo dục, tuyên truyền cho người dân

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến bày tỏ quan điểm rằng ngoại trừ những phiên tòa xử kín, những phiên tòa liên quan đến vấn đề như bí mật quốc gia, bí mật về an ninh quốc phòng thì quy định đấy là phù hợp. 

Với những phiên xử công khai, những phiên tòa ấy toàn dân cần được biết thì nên tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp một cách bình thường. 

Bảo đảm quyền tác nghiệp của báo chí tại tòa - Bài cuối: Không nên để xảy ra tình trạng "luật đè luật"!- Ảnh 2.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến. Ảnh: Q.H

"Quá trình ghi âm, ghi hình, phản ánh của báo chí cũng chính là giáo dục về pháp luật, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, đồng thời tuyên truyền cho người dân", nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nói.

Ông Tiến cho rằng nếu dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được đưa vào thực thi, sẽ xảy ra việc xung đột pháp luật giữa luật này với luật khác. 

"Quốc hội khóa 12, 13, chúng tôi đã xây dựng, thẩm tra Luật Báo chí và cũng rất cởi mở về việc báo chí được tham dự, tác nghiệp ở các sự kiện, không chỉ các phiên tòa, trừ những vấn đề liên quan đến bí mật quốc gia và các trường hợp khác theo luật định. 

Báo chí ghi âm, ghi hình để phản ánh phiên tòa ngoài tác dụng tốt là giáo dục, tuyên truyền để người dân hiểu được pháp luật. Qua báo chí, người dân cũng hiểu hơn vai trò của tòa án đối với việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật, như vậy là đề cao thêm vai trò của tòa án, viện kiểm sát", ông Lê Như Tiến bày tỏ cần cởi mở hơn với báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai.

Bảo đảm quyền tác nghiệp của báo chí tại tòa - Bài cuối: Không nên để xảy ra tình trạng "luật đè luật"!- Ảnh 3.

Nhà báo tác nghiệp tại một phiên tòa công khai. Ảnh: X.H

Dẫn chứng một số phiên tòa gần đây như các vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, ông Tiến cho biết những vụ án này người dân rất quan tâm, báo chí cũng đưa thông tin rất đầy đủ. 

"Nếu không có sự phản ánh đầy đủ của báo chí thì rõ ràng người dân không thể biết diễn biến như nào, tình tiết vụ án ra sao, vì sao họ phạm tội, tòa xét xử như nào, kiểm sát viên giữ quyền công tố, luật sư bào chữa cho thân chủ ra sao".

"Những thiết bị như máy ghi âm, máy ghi hình là những công cụ tác nghiệp của phóng viên, nếu không cho họ sử dụng thì còn xảy ra trường hợp tam sao thất bản, phản ánh không đúng bản chất và đầy đủ", ông Tiến nói.

"Thu hẹp" quyền tác nghiệp của báo chí làm mất đi ý nghĩa của phiên tòa công khai

Nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường cũng cho rằng những vụ án thuộc diện không thuộc xét xử công khai thì phải xét xử kín. Những vụ xử công khai thì không nên đặt ra quy định "thắt chặt" ghi âm, ghi hình của phòng viên.

"Thu hẹp việc tác nghiệp của báo chí rõ ràng làm mất đi ý nghĩa của chữ công khai. Công khai là để cho toàn xã hội, toàn dân biết việc xét xử đấy. Điều này không chỉ có tác dụng xử lý với người phạm tội, mà còn lấy hình ảnh của người này để nhắc nhở, giáo dục, răn đe người khác", ông Trường bày tỏ.

Theo ông, Luật Báo chí quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai, nếu dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được đưa vào thực thi sẽ xảy ra tình trạng "luật đè trên luật". 

Bảo đảm quyền tác nghiệp của báo chí tại tòa - Bài cuối: Không nên để xảy ra tình trạng "luật đè luật"!- Ảnh 4.

Nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường. Ảnh: Q.H

"Tòa án không cho phóng viên mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào thì coi như Luật Báo chí vô hiệu. Nên cởi mở việc này, cứ đường đường chính chính thì mình lo sợ gì", ông Trường nói.

Ông Trường đánh giá dự thảo này có sự xung đột về mặt pháp lý, không bảo đảm được tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ông cho rằng một trong những yếu tố quan trọng nhất là bảo đảm sự đúng đắn về đường lối của Đảng, đảm bảo tính thống nhất của hiến pháp và hệ thống pháp luật, việc ra "luật đè trên luật" như vậy sẽ để lại rất nhiều vấn đề.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường cũng chia sẻ khi các luật trước đây đã thông qua về việc vấn đề nào cần xét xử kín, vấn đề nào xét xử công khai đã quy định rõ. Có chăng, chỉ cần bổ sung, làm rõ nữa xử kín ở mức độ cao hơn, còn ở các phiên tòa xét xử công khai, báo chí hoạt động một cách bình thường.

Cùng nêu quan điểm về vấn đề trên, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng phiên tòa đã công khai, thì báo chí được phép tác nghiệp bình thường và họ sẽ phải tuân thủ theo Luật Báo chí. 

"Báo chí sử dụng thông tin như nào, cách thức sử dụng ra sao thì sẽ áp dụng vào Luật Báo chí và đều có sự ràng buộc chứ không thể lấy luật nọ đè lên luật kia", ông Xuyền nói.

Cân nhắc để "Luật không đề Luật"

Nhà báo Trần Mạnh Kha – nguyên PV Báo Đại Đoàn Kết cho biết: "Trong đời làm báo của tôi đã có một số lần bị cản trở khi tác nghiệp tại phiên tòa, thậm chí là bị cản trở tác nghiệp vô nguyên tắc. Họ yêu cầu phải có Giấy giới thiệu và Thẻ nhà báo mới được vào dự phiên toà. Nhưng vào dự phiên toà rồi thì lại có phiên tòa Chủ toạ yêu cầu không được phép ghi âm, ghi hình". 

Nhà báo Trần Mạnh Kha dẫn chứng,  tại điểm C, Khoản 2, Điều 25 của Luật Báo chí quy định: Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại phiên toà, thường Chủ toạ phiên toà lại viện dẫn các lý do quyền nhân thân để hạn chế tác nghiệp. 

"Tôi có đề xuất là nếu xây dựng, ban hành hay sửa đổi các Luật chuyên ngành khác cũng phải xem xét, đối chiếu với Luật Báo chí xem có bị vướng, bị trùng lặp và bị trái với các quy định của Luật Báo chí không. Nếu trái với quy định của Luật Báo chí phải tôn trọng Luật Báo chí khi sửa đổi cho phù hợp", ông Kha đề nghị.

Trong khi đó, bà Hồ Thị Hồng – Học viên Lớp Chất lượng cao K5, Học viện Tư pháp chia sẻ: Báo chí có quyền tác nghiệp của báo chí theo quy định của Luật Báo chí những phải tôn trong quyền nhân thân của công dân. Khi người làm báo tác nghiệp ghi âm, ghi hình cũng phải tôn trọng quyền của người khác và phải được sự đồng ý cho ghi âm, ghi hình hay không. 

Theo bà Hồng, hoạt động xét xử của Toà án nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác… Để Tòa án thực hiện tốt mục đích thông qua hoạt động xét xử đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thì cơ quan báo chí tham gia tác nghiệp tại Tòa án đóng góp hiệu quả cho việc thực hiện mục đích tuyên truyền này đạt hiệu quả cao.

"Để tạo thuận lợi cho hoạt động tác nghiệp tại phiên toà của báo chí, theo tôi cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định một cách rõ ràng như cần xin phép ai? Quy trình xin phép như thế nào? Bằng văn bản hay tại phiên toà đối với việc tác nghiệp của nhà báo. Đối với các phiên toà xử kín như liên quan đến trẻ em hay các phiên toà đặc biệt khác đã có quy định riêng. Điều đó cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của HĐXX và góp phần đẩy mạnh giáo dục tuyên truyền phổ biến pháp luật tới người dân. Thời đại công nghệ phát triển như vũ bão mà vẫn còn hình ảnh nhà báo chép tay hàng chục trang giấy tại toà rất lạc hậu, không phù hợp", bà Hồng nêu ý kiến.



Xuân Huy - Thanh Xuân
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN