Theo giới chuyên gia, việc Iran tấn công trực diện Israel bằng 100 UAV vào lãnh thổ đáp trả hành động tấn công toà lãnh sự quán của Iran tại Syria cho thấy leo thang xung đột có thể tác động trực tiếp đến giá dầu và giá vàng thế giới.
Trao đổi nhanh với Phóng viên Dân Việt, GS Hà Tôn Vinh, Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar University (Hoa Kỳ), chuyên gia Chính trị - Kinh tế Quốc tế nhận định: Dù việc tấn công của Iran vào Israel chỉ là động thái trả đũa nhất thời sau đó nước này tuyên bố kết thúc, tránh xung đột leo thang. Nhưng chỉ dấu này cũng cho thấy, tình hình chính trị tại Trung Đông đang rất phức tạp, có thể thổi bùng xung đột diện rộng bất cứ lúc nào nếu các bên thiếu kiểm soát.
GS Vinh cho rằng, việc Iran tấn công Israel đã được dự đoán từ trước, có thể hành động này kéo theo việc khu vực leo thang lên cao và khiến tác động lớn đến giá nhiên liệu trên thế giới đặc biệt là dầu mỏ. Bên cạnh đó, nó cũng kéo theo giá vàng tăng trở lại do bối cảnh khủng hoảng khu vực Trung Đông chưa hạ nhiệt và có nguy cơ lan rộng.
Tác động trực tiếp của diễn biến mới khi Iran tấn công Israel là hàng hoá xuất khẩu của nhiều nước châu Á đến cùng Trung Đông sẽ ảnh hưởng, bị gián đoạn do xung đột, nhất là bối cảnh diễn biến này phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán hoà bình của khu vực, nhất là giữa Israel và các nước trong vùng
Tuy nhiên, theo GS Vinh, động thái tấn công 100 UAV của Iran có thể chỉ dừng lại ở việc trả đũa Israel sau vụ tập kích toà lãnh sự của Iran ở Syria.
"Ngay sau vụ bắn hơn 100 UAV vào Israel, phái đoàn của Iran tại Liên Hợp Quốc đã tuyên bố việc bắn hơn 100 UAV vào lãnh thổ Israel là sự đáp trả vụ tấn công của Israel vào cơ sở ngoại giao của chúng tôi ở Damascus. Vấn đề có thể coi như đã kết thúc. Đồng thời, cũng yêu cầu Mỹ tránh xa xung đột này. Rõ ràng đây là hành động Iran muốn cho Israel và thế giới thấy Iran sẵn sàng trả đũa, tuy không có động thái tiếp diễn leo thang xung đột giữa hai quốc gia thù địch", GS Hà Tôn Vinh nói.
Về những diễn biến mới đây khi Iran đã bắt một tàu container liên quan đến Israel, GS Hà Tôn Vinh cho biết xung đột giữa Iran có thể khiến một số vấn đề có tính chất nguy hại đối với kinh tế toàn cầu, trong đó căng thẳng sẽ khiến luồng hàng hải Strait of Hormuz từ vùng Vịnh ra thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Rất may mọi hành động đang có tính chất kiềm chế, giao tranh mới chỉ ở dạng thử phản ứng và đáp trả nhau. Tuy nhiên, động thái này cũng có thể gây lo ngại cho kinh tế khu vực và toàn cầu.
"Iran bắn 100 UAV vào đâu? bắn vào sa mạc hay bắn vào căn cứ quân sự của Israel? Hiện nay chưa thấy thống kê có thiệt hại. Nếu bắn vào khu dân cư hay vùng trọng điểm kinh tế của Israel thì nước này sẽ phản ứng rất mạnh. Iran thừa hiểu tấn công UAV vào Israel theo hình thức trả đũa và tránh leo thang là phù hợp với họ vì đứng sau Israel còn có Mỹ, Đức, Anh, Pháp." GS Vinh nói.
Với lo ngại xung đột quân sự giữa Iran và Israel có thể khiến tình hình eo biển Hormuz trở nên phức tạp, GS Vinh cho rằng: "Eo biển Hormuz nằm gần Iran và tiếp giáp với các nước Trung Đông như Saudi Arabia, Dubai và không liên quan gì đến Israel, chính vì vậy khó có thể có cảnh Iran bắt giữ thêm các tàu của Israel ở hải phận quốc tế, điều này không gây nên lo ngại."
GS Hà Tôn Vinh cho rằng, việc Iran tấn công trả đũa Israel có thể khiến căng thẳng Trung Đông gia tăng bởi khu vực vốn đã nóng lên khi Israel đưa quân sang đánh tổ chức khủng bố Hamas, tấn công Palestine thời gian qua. Đồng thời, các lực lượng cực đoan khác như Houthi, Hezbollah tuyên bố chống lại Israel, bắt giữ nhiều tàu hàng của các quốc gia đi qua các eo biển lớn, các vịnh trong khu vực Trung Đông đặc biệt là Aden có thể khiến giá dầu và giá vận chuyển hàng hoá từ Tây sang Đông bán cầu và ngược lại tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, nấc thang căng thẳng này tại Trung Đông giữa Israel và Iran làm tăng nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới trong 1 tháng qua đã biến động mạnh do tình hình lãi suất của Mỹ, nay với động thái leo thang xung đột của hai nước thù địch, chắc chắn giá vàng sẽ tăng mạnh.
GS Hà Tôn Vinh cho rằng: "Hiện nay, các nước đang có xu hướng tích trữ vàng, trong đó có Nga và Trung Quốc. Với những diễn biến mới của khu vực Trung Đông, người ta có quyền lo ngại giá vàng sẽ tăng cao hơn".
Trả lời PV Dân Việt, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chính trị và Kinh tế Thế giới cho rằng: "Mối xung đột của một nước hồi giáo (Iran) và một nước do thái (Israel) từ lâu, nhen nhóm trong lòng chính trị và xã hội Trung Đông, tuy nhiên luôn được kiểm soát và các quốc gia này thường sử dụng lực lượng thứ 2, cái gọi là "uỷ nhiệm" để thực hiện các đợt tấn công uỷ nhiệm, xung đột uỷ nhiệm vào nhau chứ chưa bao giờ xung đột trực tiếp.
Lo ngại của thế giới về xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran đã nổ ra khi Iran tấn công 100 UAV vào lãnh thổ Israel, dù sao đó cũng là nấc neo thang xung đột (dù có kiểm soát) nhưng gây lo ngại cho khu vực và toàn cầu.
"Chắc chắn giá nguyên liệu và các thị trường tài sản lớn của thế giới trong ngày 15/4 sẽ xáo trộn lớn sau hành động trả đũa nhau hiện nay. Giá dầu sẽ tăng, vàng cũng vậy, thị trường chứng khoán thế giới sẽ phản ứng trước thông tin này sớm. Dù vậy, tín hiệu Iran "kết thúc" trả đũa và đưa thông điệp không leo thang lên cao cho thấy, tác động của xung đột chỉ trong giới hạn chừng mực, các bên đã kiểm soát được tình hình", vị chuyên gia nói.
Đối với Việt Nam, tác động của xung đột ở Trung Đông ảnh hưởng trực tiếp đến giá các mặt hàng xăng dầu, giá vàng và nhất là cước vận chuyển hàng hoá đi thế giới. Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, cước vận tải đi thế giới qua Trung Đông đã tăng, việc các phần tử khủng bố, các bên xung đột tấn công tàu hàng, đòi tiền chuộc khiến hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU đắt đỏ, khó khăn hơn.
"Những diễn biến tại Trung Đông được kiểm soát sẽ giúp nhiều nhà xuất nhập khẩu thở phào nhẹ nhõm. Trong khi đó, viễn cảnh tương lai bất động, giá vàng, giá dầu thô có thể sẽ tăng thời gian tới, nhiều dự đoán có thể lên đến 2.500 USD hoặc 2.700 USD/ ounce", vị chuyên gia cho hay.