TTVH Online

Nóng tuần qua: Từ 10/10 sẽ mua được vé máy bay nội địa?

Phong Cầm 10/10/2021 16:09 GMT+7

Các hãng hàng không trong nước rục rịch chuẩn bị, ngay khi được phép sẽ mở bán vé máy bay.

Các hãng hàng không rục rịch bán vé bay nội địa từ 10/10

Vietnam Airlines và Pacific Airlines vừa thông báo về việc khôi phục hoạt động vận tải hành khách và chuẩn bị mở bán vé trên 7 đường bay nội địa từ ngày 10/10.

Hiện hai hãng vẫn đợi được các cơ quan chức năng cho phép trước khi mở bán vé trên toàn hệ thống bao gồm website, ứng dụng di động, các đại lý chính thức và phòng vé.

Các hãng hàng không rục rịch bán vé bay nội địa từ 10/10.

Vietnam Airlines và Pacific Airlines dự kiến khôi phục các đường bay hai chiều giữa TP.HCM và Thanh Hóa, Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Phú Quốc với tần suất mỗi hãng 1 chuyến/ngày.

Tính đến hết ngày 6/10, Cục Hàng không đã tiếp nhận ý kiến trả lời bằng văn bản của 16 tỉnh, thành phố. Trong số này, có 7 địa phương thống nhất toàn bộ với kế hoạch gồm Điện Biên, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Thanh Hóa, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Cà Mau.

Có 6 địa phương thống nhất từng phần kế hoạch gồm TP.HCM, Đắk Lắk, Nghệ An và Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng. Chỉ có 3 địa phương đề nghị chưa thực hiện kế hoạch bao gồm Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai.

Có tiền mà không tiêu được, 9 bộ, ngành xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư công

Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 6/10, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành mới đạt 19,03%, tương đương 3.166 tỷ đồng trên tổng số 16.637 tỷ kế hoạch vốn được giao.

Đáng chú ý, đến ngày 6/10, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng giao.

9 bộ, ngành xin trả lại hơn 8.000 tỷ đồng vốn đầu tư công.

Dù các bộ, ngành đã nỗ lực rất nhiều nhưng từ nay đến hết năm, việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm đạt trên 95% là không khả thi.

Trong đó, nguyên nhân đầu tiên là tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của phần lớn các dự án ODA trong nước.

Bên cạnh đó, một số dự án ghi nhận chậm tiến độ hoặc không có khối lượng giải ngân do vướng mắc trong quá trình triển khai như chậm giải phóng mặt bằng, chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng. Một số dự án thì đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay…

Cuối cùng, việc chậm giải ngân nguồn vốn nói trên cũng do công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều, bộ ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

Nhu cầu gửi tiền ngân hàng giảm mạnh

Theo Vụ dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước), trong quý III vừa qua, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp và đã giảm so với quý trước. Trong đó, nhu cầu gửi tiền ngân hàng đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, các nhà băng kỳ vọng nhu cầu này sẽ phục hồi trở lại trong 3 tháng cuối năm nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Theo đại diện các ngân hàng, huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng khoảng 4,6% trong quý cuối năm nay và tăng 10,4% trong cả năm. Mức dự báo này cũng đã giảm so với mức 11,9% mà các ngân hàng đưa ra tại kỳ điều tra trước.

Tuy nhu cầu gửi tiền của người dân và các tổ chức kinh tế giảm mạnh trong giai đoạn tháng 7-9, thanh khoản hệ thống ngân hàng giai đoạn này vẫn duy trì trạng thái tốt và dồi dào hơn quý II đối với cả tiền Đồng và ngoại tệ.

Dự báo trong quý cuối năm và cả năm 2022, thanh khoản hệ thống vẫn sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tốt, hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho vay.

Thủ tướng ban hành chỉ thị khôi phục sản xuất công nghiệp

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 3/10/2021 của Thủ tướng về phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Chỉ thị nêu rõ dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Với sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội, dịch bệnh từng bước được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp với nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, Thủ tướng yêu các doanh nghiệp với vai trò là chủ thể của qúa trình phục hồi sản xuất kinh doanh phải phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động, phương án phải bảo đảm an toàn tuyệt đối phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Doanh thu phí bảo hiểm vượt mốc 150.000 tỷ đồng

Theo Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (thuộc Bộ Tài chính), hiện trên thị trường có khoảng 2.894 sản phẩm bảo hiểm, thuộc 73 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Đến nay, thị trường bảo hiểm đã và đang bảo vệ cho hầu hết loại hình tài sản của mọi thành phần kinh tế từ Nhà nước, tư nhân đến đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn 2000-2020, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường và chi trả quyền lợi bảo hiểm lên đến 340.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành phần, tuy nhiên, lĩnh vực bảo hiểm vẫn ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số.

Các chỉ số kể trên cho thấy quy mô của nhóm doanh nghiệp ngành bảo hiểm vẫn tăng trưởng tích cực trong bối cảnh nhiều nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng bởi dịch.

Theo Thiên Lý
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN