Dịch vụ cho vay tiêu dùng là giải pháp hữu hiệu để kích thích tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, qua nhiều vụ việc vẫn đang có sự lầm tưởng với “tín dụng đen".
Cuộc vận động “Viết và tìm hiểu tài chính 4.0” được Tạp chí Đời sống và Pháp luật, cơ quan Trung ương của Hội Luật gia Việt Nam và Công ty Tài chính VPBank SMBC (FE CREDIT) phối hợp tổ chức ngày 25/11.
Sự kiện diễn ra với sự đóng góp ý kiến, nhận định từ đông đảo đại diện từ Hiệp hội Ngân hàng, Cục An ninh mạng, Hội Luật gia Việt Nam, cùng các tổ chức báo chí truyền thông…
Cuộc vận động sẽ kéo dài từ tháng 25/11/2021 đến hết tháng 20/7/2022.
Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 70 triệu người. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới.
Với tốc độ phát triển mạnh mẽ đó, đi kèm là những hiểm hoạ tới đời sống con người, đặc biệt là vấn đề về tài chính ảo. Phải kể đến đó là “tín dụng đen”, gây nhức nhối trong dư luận trong thời gian gần đây.
Về vấn đề này, Đại tá Hoàng Ngọc Bách (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) cho biết, những nhóm tội phạm thường cấu kết với nhau qua các hình thức công nghệ cao để cho vay. Những ổ nhóm này thường xuyên và đặc biệt tiếp cận với những dân cư thuộc khu công nghiệp, những người ở nông thôn, có thu nhập thấp chưa có nhiều hiểu biết về tín dụng đen, hơn nữa họ có nhiều nhu cầu vay những khoản tiền nhỏ để trang trải.
Đại tá Hoàng Ngọc Bách (Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an)
Với hình thức này, người vay và người cho vay không gặp nhau, không có sự tiếp xúc, chủ yếu chỉ dựa vào thông tin trên app (ứng dụng). Đồng thời, người vay bắt buộc phải cho phép truy cập kho dữ liệu hình ảnh, video, danh bạ trên điện thoại.
Do vậy, khi người vay chậm trả, các đối tượng sẽ có cơ hội gọi điện đến những người trong danh bạ để gây sức ép buộc người vay phải trả nợ với lãi suất cao. Ví dụ điển hình như sự việc một sinh viên nữ vô ý đánh mất 10 triệu đồng tiền học phí mà phải tìm đến các app vay trên mạng, gánh lãi mẹ đẻ lãi con lên tới gần 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tiến Thanh - Tổng biên tập Tạp chí Đời sống & Pháp luật
Mặt khác, ông Nguyễn Tiến Thanh - Tổng biên tập Tạp chí Đời sống & Pháp luật cho rằng: “Hiện nay, những thành tựu của công nghệ 4.0 đang bị hiểu lệch lạc, biến tướng, đến mức nhiều khi dư luận đánh đồng khái niệm này với những vụ việc tiêu cực, liên quan tới các sản giao dịch tiền ảo, tài sản ảo, gây thiệt hại tài sản cho người tham gia”.
Do vậy, từ vụ việc trên, cần được xem như hồi chuông cảnh tỉnh, cả trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan tới các hoạt động tín dụng tiêu dùng, cả trong việc nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng các dịch vụ này, tránh xảy ra tình trạng rơi vào bẫy nợ từ những hình thức cho vay chưa được cho phép tồn tại.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cần đi đôi với tuyên truyền
Ông Trần Đức Long - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam chỉ ra: “Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng đầu tư tiêu dùng, tài chính của người dân theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0, mở ra cơ hội cho các định chế tài chính, công ty tiêu dùng…”.
Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ về hành lang pháp lý đối với hoạt động tài chính tiêu dùng được cấp phép, được giám sát, quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan hữu quan nên sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Trần Đức Long - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam
Qua đó, để nâng cao sự tin tưởng đối với hình thức vay này, cần có sự đứng ra bảo trợ từ những cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc những ngân hàng uy tín, đồng thời, cùng cần có sự nâng cao nhận thức của nhân dân qua các phương thức truyền thông, báo chí.
Do đó, cuộc vận động “Viết và tìm hiểu Tài chính 4.0” do Tạp chí Đời Sống và Pháp Luật - Cơ quan Trung ương của Hội Luật gia Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của đơn vị tài trợ - Công ty Tài chính VPBank SMBC (FE CREDIT) nhằm tạo ra một diễn đàn cho tất cả người dân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp quan điểm, ý kiến về các vấn đề tài chính, tiêu dùng, vay nợ - đòi nợ.
Về thông điệp của sự kiện, ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng giám đốc FE CREDIT chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực cung cấp ứng dụng tài chính chính thống, qua đó phục vụ cho người dân tốt hơn và tạo ra nền kinh tế lành mạnh. Do vậy, thông qua chương trình này, chúng tôi muốn người dân hiểu được sự khác nhau giữa một công ty tài chính chính thống, được cơ quan Nhà nước cấp phép với các tổ chức cho vay khác”.
Ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng Giám đốc FE CREDIT
Mặt khác, sự kiện cũng là cầu nối, tăng cường sự gắn kết, thấu hiểu giữa các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng với khách hàng, giảm thiểu và xử lý triệt để những bất cập trong thực tiễn cung cấp dịch vụ.
Qua đó, đồng thời tăng cường hiểu biết, tạo dựng những cái nhìn cởi mở và chính xác của xã hội về hoạt động tài chính tiêu dùng, giúp khách hàng tránh xa tín dụng bất hợp pháp và tìm đến các tổ chức tín dụng uy tín, được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép.
Cuộc vận động “Viết và tìm hiểu tài chính 4.0” được Tạp chí Đời sống và Pháp luật, cơ quan Trung ương của Hội Luật gia Việt Nam và Công ty Tài chính VPBank SMBC (FE CREDIT) phối hợp tổ chức. Mọi công dân có quốc tịch Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, đang sinh sống tại Việt Nam cũng như tại nước ngoài đều có thể tham gia gửi bài viết và sản phẩm tham dự cuộc vận động bao gồm: tác phẩm báo chí và sản phẩm media (video) gử qua email của chương trình timhieutaichinh4.0@gmail.com từ 25/11/2021 đến 20/07/2022. Thể lệ chi tiết của Cuộc vận động xin tham khảo trên tạp chí điện tử www.nguoiduatin.vn và website của Tạp chí Đời sống và Pháp luật www.doisongphapluat.com. |