Mặc dù cố gắng giữ thái độ trung lập, nhưng trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, châu Phi có thể phải chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất.
Cố gắng né tránh, nhưng châu Phi vẫn chịu tác động tiêu cực bởi xung đột Nga – Ukraine (ảnh: RT)
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24.2, bất chấp các lời kêu gọi trừng phạt Moscow từ phương Tây, nhiều nước châu Phi vẫn giữ thái độ trung lập.
26 trong tổng số 54 nước châu Phi bỏ phiếu trắng, phiếu chống hoặc từ chối bỏ phiếu khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức thông qua một nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Nga.
Trong số các nước châu Phi, chỉ có Ai Cập lên tiếng ủng hộ nghị quyết lên án Nga. Tuy nhiên, nước này vẫn đang duy trì quan hệ hợp tác với Moscow. Đến nay, chưa có quốc gia châu Phi nào ủng hộ trừng phạt hoặc tham gia trừng phạt Nga.
“Xung đột Nga – Ukraine đã có thể tránh được nếu NATO chú ý tới các lời cảnh báo từ nhiều năm trước rằng việc họ mở rộng về phía đông sẽ gây ra nhiều bất ổn”, Cyril Ramaphosa – Tổng thống Nam Phi – chỉ trích NATO hôm 17.3.
Kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với 3 nhà lãnh đạo châu Phi: Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el- Sisi, và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Cuối năm nay, hội nghị thượng đỉnh Nga – châu Phi sẽ được tổ chức nếu lịch trình không có gì thay đổi.
Theo RT, giữa xung đột ở Ukraine, quan hệ Nga – châu Phi vẫn ổn định. Tuy nhiên, về lâu về dài, châu Phi sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi bất ổn an ninh tại châu Âu.
Trước hết là về nguồn cung lương thực. Từ năm 2015 – 2020, Nga và Ukraine chiếm tới 25% tổng lượng lúa mì nhập khẩu vào châu Phi. Giữa xung đột Nga – Ukraine, nhiều nước châu Phi đang bị đe dọa an ninh lương thực nghiêm trọng khi nguồn cung gián đoạn, ví dụ như Ai Cập, Algeria, Sudan và Tanzania.
Nhiều người dân ở châu Phi rơi vào nạn đói do thiếu lương thực nhập khẩu (ảnh: RT)
Ở vùng Sừng châu Phi, hàng triệu người đang phải đối mặt với nạn đói do hậu quả của đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua. Ở Somalia, cứ 4 người thì 1 người bị thiếu lương thực.
Hiện tại, do các lệnh cấm từ phương Tây, Nga không thể cung cấp lương thực và phân bón qua Biển Caspi tới châu Phi.
Cuộc đối đầu kéo dài với Nga cũng có thể khiến kinh tế Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại và dòng vốn đầu tư chảy tới châu Phi bị cắt đứt. Do tác động của giá nhiên liệu thế giới, giá xăng, dầu ở châu Phi tăng cao càng khiến đời sống của người dân nhiều nước gặp khó khăn.
“Mặc dù không liên quan trực tiếp, nhưng những bất ổn an ninh trên thế giới lại đang tác động tiêu cực tới châu Phi. Nguy cơ này chỉ có thể hóa giải cho tới khi châu lục này tìm được cách tự chủ được nguồn cung của 3 mặt hàng: Lương thực, phân bón và nhiên liệu”, Andrey Maslov – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi tại Trường Đại học Kinh tế (Moscow) – nhận xét.