Tỉnh Lào Cai có khoảng 4.000ha rừng cây bồ đề. Trước đây, người dân chưa biết giá trị của nhựa cây bồ đề (cánh kiến trắng) nên phần đông bà con sống ở gần rừng mà không có nguồn thu nhập từ rừng, hệ quả là nhiều người lén lút vào rừng chặt cây bán lấy gỗ. Nhưng từ năm 2017 đến nay, người dân đã bắt đầu khai thác nhựa cây bồ đề bán cho doanh nghiệp để xuất khẩu, có khoản thu nhập khá.
Nguồn thu nhập mới
Đến huyện Văn Bàn, chúng tôi được theo chân những người dân tộc Dao lên rừng khai thác nhựa cây bồ đề (còn gọi là cánh kiến trắng). Từ 2 năm trở lại đây, gần 100 hộ người dân tộc Dao tại 2 xã Nậm Tha và Chiềng Ken đã có nguồn thu nhập mới từ “lộc rừng”, đó là nhựa cây bồ đề.
Đồng bào dân tộc Dao ở xã Nậm Tha (huyện Văn Bàn, Lào Cai) có thêm thu nhập từ nhựa cây bồ đề (cánh kiến trắng). Ảnh: C.K
Năm 2019, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt tại Quyết định số 626/QĐ-UBND về thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng, cải tạo rừng bồ đề lấy nhựa sản xuất cánh kiến trắng, kết hợp trồng xen cây gừng dưới tán rừng tăng thu nhập từ rừng trồng”. Sở NNPTNT Lào Cai đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty Đức Phú về việc lập quy hoạch trồng - sản xuất nhựa cây bồ đề tại Lào Cai với vùng quy hoạch được xác định bước đầu tại Bảo Yên, Bảo Thắng và Văn Bàn. |
Tại khu rừng bồ đề ở xã Nậm Tha, những cây bồ đề mọc thẳng đứng cao vút. Ông Triệu Tài Lâm (51 tuổi) phải đeo loại guốc chuyên dụng vào chân, có 2 khoeo kim loại ngoắc vào thân cây để trèo lên. Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 6, người dân địa phương đã trèo lên từng cây bồ đề, dùng dao cắt vỏ thành hình bao diêm trên thân, mỗi điểm cách nhau khoảng 90cm.
Sau 2-4 tháng, nhựa bồ đề chảy ra đọng lại ở vị trí bị cắt thì người dân sẽ tiến hành thu hoạch. Nay đã là tháng 8, bà con lại rủ nhau lên rừng, trèo lên từng cây bồ đề cẩn thận gỡ những cục nhựa khô.
Ông Triệu Tài Lâm cho biết: “Tôi gắn bó với cây bồ đề đã hơn 20 năm qua, từ khi chính quyền địa phương thuê người dân trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng. Tiền công bảo vệ rừng quá thấp nên người dân chán nản, cuộc sống khó khăn. Ngày trước chưa biết giá trị của nhựa cây bồ đề cánh kiến trắng, tôi không có nguồn thu nhập nên thỉnh thoảng lén vào rừng chặt cây bán gỗ. Từ 3 năm trở lại đây, chúng tôi bắt đầu chuyển qua lấy nhựa cây bồ đề, vừa không phá rừng lại vừa có nguồn thu nhập".
Theo ông Lâm, mỗi cây bồ đề 10 năm tuổi trở lên sẽ cho khoảng 0,7kg nhựa/năm và được Công ty Nông lâm nghiệp Đức Phú thu mua với giá 350.000 đồng/kg. Vào mùa khai thác, mỗi ngày ông thu được khoảng 12-15kg nhựa, có gần 4 triệu đồng. Mỗi năm, chỉ khai thác trong 1 tháng, ông Lâm có 70-80 triệu đồng.
Ông Trần Văn Đính - Phó Giám đốc kỹ thuật của Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Đức Phú (Hà Nội) cho hay, năm 2017, công ty được Tổ chức Helvetas Việt Nam chọn và mời tham gia làm đối tác xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nhựa bồ đề cánh kiến. Công ty đã tổ chức, liên kết với các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hòa Bình và Lào Cai để thu mua sản phẩm nhựa cây bồ đề.
Những cây bồ đề mọc thẳng đứng cao vút ở xã Nậm Tha.
Ông Triệu Tài Lâm trèo cây bồ đề để khai thác nhựa. Ảnh: C.K
“Sản phẩm nhựa bồ đề sau khi sơ chế sẽ được xuất khẩu sang Pháp, bán cho tập đoàn dược phẩm với sản lượng khoảng 5-8 tấn mỗi năm để họ sản xuất thuốc chữa bệnh và nước hoa. Nhựa cây bồ đề khai thác tại Lào Cai hiện nay chất lượng rất tốt, nhưng còn lẫn nhiều tạp chất (đất, vỏ cây...) do việc khai thác của bà con chưa đúng quy trình và khai thác thủ công. Vì thế chúng tôi phải sàng lọc lại, loại bỏ đi tỷ lệ khá lớn sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn” - ông Đính nói.
Thiết lập chuỗi giá trị nhựa cây bồ đề
Bà Nguyễn Diệu Chi - đại diện Tổ chức Helvetas cho hay, Helvetas đang thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó có Dự án Thương mại đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á (Biotrade SECO) và dự án Nhân rộng các sáng kiến thương mại gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và giá trị đạo đức trong lĩnh vực thảo dược ở Việt Nam (Biotrade EU).
Trong quá trình thực hiện các dự án này, các chuyên gia quốc tế khảo sát đa dạng sinh học tại nhiều nơi ở Việt Nam và phát hiện thấy nhiều khu rừng cây bồ đề cánh kiến, nhưng người dân ở đó lại chưa bao giờ khai thác nhựa. Trong khi trên thế giới, nhựa cây bồ đề để khô gọi là cánh kiến trắng hoặc an tức hương, là sản phẩm được dùng trong y học, mỹ phẩm.
Vì vậy, các chuyên gia của Dự án Biotrade SECO và Biotrade EU đã thuyết phục chính quyền một số địa phương thiết lập chuỗi giá trị sản phẩm nhựa bồ đề, kết nối doanh nghiệp thu mua, sơ chế và xuất khẩu sản phẩm này.
Ông Đỗ Ngọc Minh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 4.000ha rừng cây bồ đề. “Khi Helvetas đặt vấn đề để cho người dân được khai thác nhựa cây bồ đề, chúng tôi rất ngạc nhiên, vì chưa từng biết loài cây này cho thứ sản phẩm ngoài gỗ giá trị cao như vậy. Nhận thấy đây là sinh kế đem lại thu nhập cho người dân, đồng thời muốn ngăn chặn việc người dân vào rừng tự nhiên lấy gỗ thì phải tìm sinh kế cho họ, nên Sở NNPTNT Lào Cai rất đồng tình” - ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, thực tế triển khai và qua tính toán cho thấy, năng suất nhựa của 1 cây bồ đề 7 - 10 năm tuổi là khoảng 0,3kg/năm; giá trị thu nhập từ 1 cây ước khoảng 90.000 đồng/năm. Đối với cây trên 15 năm tuổi, có thể thu hoạch được khoảng 1kg/cây/năm. Tính sơ bộ, mỗi ha chỉ cần có 1.000 cây cho thu hoạch nhựa thì bà con có thể thu nhập 90 triệu đồng/năm.
“Đó là chưa kể sau khi thu hoạch nhựa khoảng 10 năm thì gỗ bồ đề lại được bán với giá gỗ lớn (khoảng 2 triệu đồng/m3), ước đạt 80m3/ha thì sẽ có thu nhập thêm khoảng 160 triệu đồng” - ông Minh nói.