Không phải là cây củ cải trắng phục vụ cho bữa ăn hàng ngày, nông dân Ðà Lạt (Lâm Đồng) đang trồng thương phẩm củ cải trắng giống mới khổng lồ, vừa đem lại thu nhập ổn định, vừa cung cấp cho thị trường nguyên liệu để chế biến kim chi chất lượng cao, được khách hàng Hàn Quốc ưa thích.
Ông Chế Văn Đông, thôn Cầu Đất, xã Xuân Trường vừa thu hoạch cả chục tấn củ cải trắng khổng lồ. Ông Đông cho biết, củ cải trắng thì không lạ với nông dân Đà Lạt nhưng củ cải trắng khổng lồ này thì lần đầu tiên ông biết đến và trồng theo hợp đồng với một công ty rau sạch.
Ông chia sẻ, giống cây do công ty cung cấp, kỹ thuật cũng do công ty chuyển giao. Theo ông Đông, trồng củ cải trắng khổng lồ cũng giống với củ cải trắng bình thường, bản thân ông không gặp khó khăn gì, quan trọng khâu làm đất, lên luống, cần đất tơi xốp, luống phù hợp vì củ cải rất to đạt tới 3-4 kg/củ. Vì vậy, chỉ trồng xấp xỉ 1 sào nhưng ông thu được cả chục tấn củ.
Giá công ty đã cho trước, 3 ngàn đồng/kg nên có thể nói, trồng củ cải giống mới này vừa dễ về chăm sóc, vừa cho thu nhập tốt đối với nông dân. Chỉ có điều, người trồng cần chú ý tới một số bệnh hại như chuột cắn hoặc đốm đen, thối củ. Do trồng để sản xuất trong nhà máy, có quy chuẩn cao nên chỉ cần củ xây xát hoặc có vết là hàng sẽ bị loại.
Hợp đồng trồng củ cải Song Jeong. Ảnh: D.Q
Chị Trần Thị Đăng Khoa, đại diện của công ty liên kết với nông dân cho biết, đây là giống củ cải khổng lồ Song Jeong của Hàn Quốc, chuyên trồng để sản xuất kim chi. Với những củ cải lớn tới 3-4 kg, không thể dùng để ăn tươi như thói quen nấu nướng của người Việt. Tuy nhiên, trồng để làm kim chi lại rất thích hợp vì củ hầu như không có xơ, thịt củ mịn, năng suất cao, phù hợp với món kim chi Hàn Quốc.
Công ty đặt nông dân Đà Lạt trồng với mục tiêu thu mua để cung cấp cho nhà máy sản xuất kim chi. Chính vì vậy, yêu cầu của công ty với nông dân khá cao, củ không được sứt sẹo, không thâm nám, không bị côn trùng gặm phá.
Chị Khoa cho hay, năng suất chung của củ cải Song Jeong khoảng 80 tấn/ha nhưng với nông dân Đà Lạt, do thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên hầu hết các nông hộ hợp tác đều đạt năng suất xấp xỉ 90-100 tấn/ha. Công ty giao giống, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và thu về củ thành phẩm với giá rất tốt. Chỉ sau 3 tháng canh tác, 1 sào củ cải bà con có thể thu về 30-50 triệu đồng, lại không cần nhà kính cũng như công chăm bón, thuốc men không phức tạp.
Tuy nhiên, nông dân phải rất chú trọng khâu bảo vệ củ, không để củ bị thối hỏng hoặc bị côn trùng tấn công vì khâu giám sát nông sản của công ty rất chặt chẽ, củ hư hỏng bị trả lại ngay. Nhiều nông hộ cân cho công ty cả chục tấn củ nhưng bị trả lại tới 30-40% do củ sâu, thối, xây xát. Đây cũng là điều khoản công ty ký kết với nông dân nên bà con cần rất cẩn thận khi canh tác củ cải trắng Song Jeong.
Không chỉ ông Chế Văn Đông, thôn Cầu Đất trồng củ cải theo hợp đồng với công ty, nhiều nông hộ ở Phường 11, xã Trạm Hành cũng đang hợp tác để trồng giống củ cải trắng Song Jeong này. Theo chị Trần Thị Đăng Khoa, nhà máy kim chi Hàn Quốc nhập hàng từ Đà Lạt rất nhiều loại gồm: cải thảo, hành tây, củ cải, ớt sừng… và nhu cầu ngày càng tăng lên.
Cũng theo đó, chị lên kế hoạch cung cấp hàng cho nhà máy để nông dân xuống giống phù hợp với kế hoạch sản xuất, thu hoạch đúng vụ. Chị đang tìm kiếm thêm nhiều nông hộ hợp tác để mở rộng diện tích củ cải trắng Song Jeong, vừa mang lại thu nhập cho nông dân, vừa cung cấp cho thị trường loại củ cải chất lượng cao, giữ vững ưu thế cung cấp rau xứ lạnh, đặc biệt đón đầu cho nhà máy kim chi mở rộng sản lượng.