Sau nhiều tháng thấp thỏm lo lũ không về, người dân đầu nguồn ĐBSCL vui mừng khi nước từ thượng nguồn tràn đến, mang theo phù sa và cá, tôm.
Dù mùa nước nổi đến hơi muộn so với mọi năm nhưng con nước cũng kịp thời mang đến nhiều sản vật giúp người dân đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mưu sinh trong những tháng nông nhàn.
Ông Nguyễn Hoàng Nhung – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cho biết huyện có 1.1042 ha đất nông nghiệp. Năm nay, Hồng Ngự chỉ giữ 2640 ha đất trong đê bao khép kín để sản xuất lúa vụ ba. Các khu vực còn lại được xả lũ để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng.
Đi dọc các tuyến đường của xã Thường Thới Hậu A và xã Thường Thới Hậu B, đâu đâu cũng thấy tất bật các hoạt động mưu sinh nhờ con nước mùa lũ. Dù lượng cá, tôm bắt được không nhiều như năm ngoái nhưng ai cũng vui hẳn lên.
Anh Trương Văn Hùng (46 tuổi) cho biết: “Tháng trước không thấy lũ về, ai cũng sốt ruột. Người dân ở đây trồng lúa 2 vụ nên mùa này trông chờ lũ về để khai thác thủy sản, kiếm thêm thu nhập. Giờ lũ về, ai cũng phấn khởi hết”.
Ông Đặng Văn Đoàn (52 tuổi) cho biết, đa phần người dân khai thác thủy sản bằng phương pháp đặt dớn (dụng cụ dùng để đón bắt luồng cá, tôm) nên phải thức từ 1h- 2h để đi thăm dớn. Người nào đặt dớn nhiều thì phải ra đồng từ 20h. Dù công việc vất vả nhưng ai cũng vui vì có thu nhập tốt.
“Cá khai thác được mang về là có thương lái đến thu mua tận nhà. Tôi có 25 công ruộng, thu hoạch lúa thời điểm có giá thì lời lắm cũng tầm 25 triệu. So với đặt dớn mùa này thì không bằng vì mỗi ngày có thể kiếm 400 đến 500 ngàn”, ông Đoàn chia sẻ.
Thời điểm này, những cánh đồng “rốn lũ” các xã Nhơn Hội, Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng tràn đầy nước.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ một vựa thu mua cua đồng (một trong những đặc sản mùa nước nổi) cho biết, kể từ khi nước lũ về, mỗi ngày tổng cộng bà thu mua hàng tấn cua.
Số cua đồng này được thương lái đến thu gom và phân phối các chợ trong vùng và tận Bình Dương, TP.HCM.
Theo ghi nhân, đặc sản cá linh năm này không còn dồi dào như trước. Tuy nhiên, nhờ được giá nên người dân cũng có thu nhập khá từ việc khai thác loài cá này.
Công việc sơ chế cá linh giúp cho nhiều phụ nữ có thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Theo những phụ nữ làm cá thuê, mỗi kg cá linh chị làm sẵn được trả công 25.000 đồng. Mỗi ngày một người có thể làm được khoảng 10kg cá trở lên.
Ngoài cá linh, cua đồng thì chuột đồng, bông điên điển cũng là một trong những sản vật mang lại thu nhập cho người dân miền Tây trong mùa nước nổi.