Sau khi phân tích các yếu tố về tài chính, sự điều hành của nhà nước, an ninh – quốc phòng, Chính phủ đề xuất Quốc hội chọn phương án giao ACV thực hiện, đối với việc huy động vốn để thực hiện thì ACV sẽ tự huy động vốn và không sử dụng tiền ngân sách.
Chính phủ vừa đề xuất Quốc hội giao cho Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) giai đoạn 1 với mức đầu tư lên tới hơn 4 tỷ USD.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về 3 phương án đầu tư nhằm đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 đưa sân bay Long Thành vào sử dụng.
Bộ GTVT đưa ra 3 phương án cụ thể: Phương án thứ nhất là đầu tư theo định hướng tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nhà đầu tư, khai thác cảng đầu tư, có sử dụng vốn vay ODA (cấp phát hoặc cho vay lại).
Phương án hai là giao ACV làm nhà đầu tư, khai thác cảng không sử dụng vốn ODA. Trong phương án này có 2 đề xuất, gồm: Giao ACV trực tiếp đầu tư khai thác bằng vốn của ACV, không sử dụng vốn ODA hoặc giao ACV chủ trì thành lập doanh nghiệp mới (pháp nhân mới) với tỷ lệ vốn chi phối của ACV để đầu tư, khai thác cảng.
Phương án thứ 3 sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng, dùng vốn của doanh nghiệp dự án, không sử dụng vốn vay ODA theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Không dùng ngân sách xây sân bay Long Thành ACV sẽ tự huy động vốn.
Tại báo cáo tiền khả thi Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, giai đoạn 1 cần tổng cộng hơn 4,7 tỷ USD. Qua đó, Chính phủ đưa ra 3 phương án về nguồn vốn đầu tư, là sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ; hoặc đấu thầu tìm nhà đầu tư; hoặc giao ACV đầu tư, khai thác bằng vốn doanh nghiệp.
Sau khi phân tích các yếu tố về tài chính, sự điều hành của nhà nước, an ninh – quốc phòng, Chính phủ đề xuất Quốc hội chọn phương án giao ACV thực hiện, đối với việc huy động vốn để thực hiện thì ACV sẽ tự huy động vốn và không sử dụng tiền ngân sách.
Để thực hiện được dự án trong giai đoạn 1 ACV phải huy động với tổng tổng vốn cần huy động hơn 4,19 tỷ USD. Đối với hạng mục kiểm soát không lưu được giao Tổng Cty Quản lý bay thực hiện.
Theo lãnh đạo ACV từng chia sẻ, dự kiến hết năm 2019, doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ hơn 95% cổ phần này có lượng tiền mặt tích lũy hơn 25.200 tỷ đồng; giai đoạn 2019 - 2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy thêm 12.339 tỷ đồng.
Nếu ACV tích luỹ thêm được 12.339 tỷ động thì đồng nghĩa ACV có vốn chủ sở hữu hơn 36.600 tỷ đồng (tương đương hơn 1,56 tỷ USD), chiếm 37% tổng vốn đầu tư cho 3 hạng mục sân bay Long Thành. Số còn lại khoảng 2,62 tỷ USD, ACV phải đi vay.
Tại phiên họp lần thứ 13, đánh giá báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét giao ACV là đơn vị chủ lực đầu tư và dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 38 trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp tới. Đánh giá về phương án đầu tư và lựa chọn nhà đầu Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, việc Chính phủ đề nghị giao giai đoạn 1 của dự án với tổng mức đầu tư gần 4,8 tỷ USD cho ACV đầu tư các hạng mục chính là hình thức chỉ định thầu. Theo Luật Đấu thầu, thì dự án phải tiến hành đấu thầu. Chưa bao giờ Quốc hội chỉ định giao cho một đơn vị cái gì cả. Vậy có cần trình ra Quốc hội hay không? Bày tỏ lo ngại việc giao ACV làm nhà đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng AVC đang đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sắp tới là sân bay Điện Biện thì liệu khả năng tài chính có làm được không. "Chúng ta giao cho AVC giai đoạn 1 thì giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án có giao nữa không?", ông Thanh nói. |