TTVH Online

Diều sáo - thú chơi trăm năm ở Song Vân

Phong Cầm 27/08/2013 09:09 GMT+7

“Diều lên mỏi cổ, diều đổ mỏi chân”. Câu ca nói lên nỗi vất vả của người chơi diều, khi diều lên thì mỏi cổ để ngắm nghía chúng, lúc diều đổ (còn gọi là rơi) thì mỏi chân đi tìm diều, thu dây.

Từ xưa đến nay, chẳng ai ở xã Song Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) thấy chán và bỏ cái thú chơi diều. Với họ, sáo diều như một sợi dây gắn kết giữa đất trời và con người từ bao đời nay, cũng chính niềm đam mê ấy đã tạo lên vẻ đẹp bình dị mà thanh cao của những người nông dân đích thực nơi đây.

Những ngày rong ruổi

Cuối tháng 7, khi những cơn gió Đông Nam mang theo hơi nước dịu mát thổi ào ạt về những cánh đồng quê của huyện Tân Yên, cũng là khi người dân trong xã Song Vân rủ nhau đi “đọ” diều sáo. Đó chính là thời điểm thích hợp nhất để họ thể hiện những ước mơ và thú đam mê thanh cao này. Đối với những người chơi diều chuyên nghiệp ở Song Vân thì họ ngóng gió từ trước đó cả tháng và chỉ cần nghe tiếng gió gợn về thì không thể bỏ lỡ cơ hội quý báu ấy, cả làng gọi nhau í ới ra đồng thả diều.

Đến Song Vân mùa này, từ xa chúng tôi đã thấy trên lưng trời những cánh diều no gió bay lơ lửng với đủ sắc màu, kích cỡ cùng những âm thanh lảnh lót bổng trầm, khi vo ve, lúc lại ồ ồ bên tai như đàn ong vỡ tổ. Phía dưới cánh đồng, những đàn trâu đang miệt mài gặm cỏ, lũ trẻ thơ đang nô đùa ngoài bãi - một không gian yên ả, thanh bình rất quê, rất bình dị như làm vơi bớt biết bao nhọc nhằn của những bác nông dân quanh năm chân lấm tay bùn.
Ở Song Vân, từ người già đến trẻ nhỏ đều đam mê thả diều, họ thả diều quanh năm và đã từng tham dự nhiều cuộc thi thả diều lớn được tổ chức trong toàn quốc. Tuy nhiên theo ông Ngô Văn Bội, Chủ nhiệm CLB diều xã Song Vân thì vào mùa xuân và mùa hè là lúc phong trào thả diều lên cao nhất, bởi lúc này mùa nông vụ đã xong, hơn nữa cũng là khi gió đẹp kéo về nên thích hợp với thả diều.

Theo kinh nghiệm, không phải cứ có gió là thả được diều mà phải nghe ngóng xem nếu đó là gió xoáy hay gió hiền hòa, nếu gió xoáy thì phải tuyệt đối tránh, vì như vậy không những diều không thể lên mà còn có nguy gió làm cho nó bị…tan xác.

Hiện CLB diều của xã quy tụ được gần 20 thành viên tham gia gồm cả thanh niên và người già. Ông Bội được xem là tay chơi diều có tiếng tăm tại Tân Yên, từ hồi còn để chỏm ông đã theo người lớn đi thả diều, những buổi chăn trâu, cắt cỏ ngoài đồng lũ trẻ con trong xóm rủ nhau mang diều đi thả, nay ông đã ngoài 60 tuổi nhưng niềm đam mê ấy vẫn chưa hề nguôi ngoai, nhiều lúc dù bận rộn lắm nhưng thấy có gió mạnh về là lập tức ông và vợ ôm diều ra đồng.

Vào những khi gió đẹp người chơi diều ở Song Vân để những cánh diều đứng vững tới vài ngày, vài đêm mà chưa đổ, những đêm trăng thanh, gió mát nghe tiếng sáo diều vi vu, ù ù lùa vào thôn xóm thật thú vị.

Trăm năm còn nhớ một nghề

“Không biết chơi sáo diều thì không phải con trai Song Vân”, đó là câu nói vui của người dân nơi đây. Bởi thế từ ông lão tóc bạc cho đến em nhỏ trong làng cũng thuộc lòng câu thơ: “Làm diều đeo sáo hai bên cánh/ Nối đất với trời một sợi dây/ Tiếng sáo vi vu như bản nhạc/ Vang vọng gần xa, thật đắm say”. Theo kinh nghiệm của ông Bội, để có những cánh diều tốt, người chơi diều phải chọn những cây tre 10 năm tuổi, phơi liền ba tháng cho kiệt nước, nếu cong thì phải đốt lửa uốn cho thẳng, cung trên phải to hơn cung dưới.

Sáo diều làm bằng ống nứa và nếu đã chơi sáo diều vui nhất là tự tay mình làm cho sáo, chứ đi mua thì không còn gì thú vị nữa. Ống được gắn chắc chắn với mặt sáo tròn bầu khoét khe ở giữa. Gió sẽ luồn vào khe và phát ra tiếng khi diều chao lượn trên không trung. Mặt sáo thường làm bằng gỗ mít, nhẹ và bền. Tùy theo kích thước của diều mà gắn sáo nào vào cho phù hợp. Có diều khung rộng tới 4,18m thì sẽ được gắn ống sáo to bằng cái phích, dài hơn 80cm. Trọng lượng diều này nặng hơn 1kg, kéo được cuộn dây bằng tre dài 2000m, nặng 1kg”.
Diều sáo Song Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
Diều sáo Song Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
Ở Song Vân, người dân chỉ chơi một loại diều sáo đó là sáo đôi. Để phân biệt diều to nhỏ, người chơi diều chỉ cần nghe tiếng sáo là biết. Diều nhỏ nhất còn gọi là re re vì sáo kêu re re, lớn hơn một chút là diều ro ro, vô vô, vu vu, đu đu… loại to là diều sáo đi đi, khủng hơn là diều đì đì. Làm sáo là công đoạn khó nhất, vì thế trong hàng trăm chiếc diều ông Bội làm ra, nhưng để có chiếc sáo để đời thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Diều bay mang theo những ước mơ, khát vọng của con người lên lưng trời, mọi gánh nặng đời sống thường nhật cũng bay hết, người chơi diều chỉ còn cảm giác thư thái, thanh bình. Với người dân Song Vân, chơi diều không chỉ để thư giãn những lúc nông nhàn, mà đó còn là thú vui và niềm đam mê không thể thiếu. Mỗi con diều khi no gió bay cao ngút giữa trời như muốn nói rằng, ở đó không gian riêng để người chơi thể hiện khát vọng tự do và những niềm vui bất tận...

Rời Song Vân trong âm vang ù ù của tiếng sáo diều buổi chiều tà thanh vắng, chúng tôi còn vương vấn câu thơ và nhớ về tuổi thơ một thời cũng đã từng chăn trâu, thả diều, hóng gió chiều: “Vươn tới cao xanh khát vọng của đời/ Diều no gió gửi niềm vui về mặt đất/ Chỉ là giấy thôi mà trở thành ngọn nguồn hạnh phúc/ Khi diều bay tóc trắng cũng thành xanh…”
Làng Việt
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN