Một văn bản "lạ" ấn định giá nước mua buôn từ nhà máy nước sông Đuống cao gấp đôi so với giá bán lẻ nước bậc 1 hiện nay đẩy Hà Nội vào một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" hoặc tăng giá nước bán lẻ sinh hoạt, hoặc sẽ phải bù lỗ 3 tỷ/ngày. Trong bối cảnh vậy, quyết định điều chỉnh giá nước của Hà Nội là quyết định của thị trường hay hành chính? Người dân liệu có quyền lựa chọn?
Như Dân Việt đã đưa tin, cuối tháng 10/2019, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn thủ đô.
Việc Hà Nội gấp rút tăng giá nước sạch do áp lực bù lỗ lớn đến từ việc giá mua buôn chênh lệch từ các đơn vị cung cấp. Hai đơn vị bán buôn nước sạch lớn nhất của Hà Nội hiện nay là Nhà máy nước mặt Sông Đuống và Nhà máy nước mặt Sông Đà. Hai đơn vị đều xử lý nước mặt của các con sông Đuống - sông Đà để cung cấp nước sạch sinh hoạt, sản xuất cho dân Hà Nội. Tuy nhiên, mức giá mua buôn nước của Hà Nội với hai đơn vị lại có sự phân biệt lớn.
Cụ thể, trong văn bản 3310 của UBND TP Hà Nội ngày 6/7/2017 đã chấp thuận chấp thuận giá nước sạch tối đa của nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Trong khi đó, tại Quyết định phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của công ty Công ty Nước sạch Vinaconex (nhà máy nước sạch sông Đà) được UBND TP Hà Nội đưa ra ở các mức: năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng.
Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến + gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014-2016 cụ thể ở các mức từ 3.600-4.658,90-5.069,76 đồng/m3.
So sánh mức giá bán được phê duyệt, giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đà chưa bằng 1/2 so với giá bán của nước sạch sông Đuống.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Tiến Lập, Luật sư cấp cao của Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự, cho rằng trong hoàn cảnh người dân không được tự do lựa chọn nhà cung cấp nước, việc điều chỉnh giá nước không hoàn toàn dựa trên cơ sở quan hệ cung – cầu, nhu cầu của thị trường.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập (phải) trao đổi tại buổi tọa đàm "Thị trường hoá dịch vụ công nhìn từ khủng hoảng nước sạch sông Đà"
“Ở đây phải đặt ra câu hỏi, việc tăng giá nước là quyết định của thị trường hay quyết định hành chính? Quyết định thị trường là quan hệ cung cầu quyết định tới giá bán. Tôi cho rằng ở đây chỉ có một nửa là quan hệ cung cầu. Bởi lẽ, nếu chỉ đơn thuần là quan hệ cung cầu, khách hàng phải có quyền lựa chọn, nếu nhà cung cấp này tăng giá có quyền sử dụng dịch vụ của đơn vị khác.
Hiện nay, hàng triệu người dân có quyền lựa chọn không? Rõ ràng là không. Trong tình trạng như vậy, quyết định tăng giá rõ ràng không sòng phẳng và công bằng của thị trường mà là một quyết định mang tính độc quyền của doanh nghiệp.” Luật sư Nguyễn Tiến Lập bình luận.
Bên cạnh đó, Luật sư Lập cho biết thêm, cung cấp nước sạch là một loại hình dịch vụ công đặc thù, có liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người. Do đó, chính quyền thành phố Hà Nội phải có trách nhiệm trong việc kiểm soát, chi phối mọi hoạt động trong đó có giá bán, nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân.
“Cần phải đặt câu hỏi quyết định này (đề xuất tăng giá nước – PV) UBND thành phố có chi phối được không? Vì đây là vấn đề liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người. Nếu thành phố chi phối được phải có căn cứ pháp lý, khi phê duyệt các dự án có điều kiện kiểm soát được giá nước hay không?
Nếu thành phố Hà Nội có sự kiểm soát thì giống như mặt hàng xăng dầu, một phần giá sẽ được kiểm soát bằng quyết định hành chính. Trong trường hợp không có điều kiện đó, có nghĩa là thành phố buông hoàn toàn lĩnh vực dịch vụ công này cho doanh nghiệp tự tung tự tác.” Luật sư Nguyễn Tiến Lập bình luận.
Ngoài ra, Luật sư Lập thông tin thêm, hiện nay, thị trường nước sạch đang không có sự phân định rõ ràng giữa trách nhiệm cung cấp dịch vụ công của cơ quan nhà nước và hoạt động kinh doanh của đơn vị tư nhân.
“Theo đánh giá của tôi, thị trường nước sạch hiện nay đang bị lẫn lộn giữa sự điều tiết của cơ quan nhà nước thông qua trách nhiệm cung cấp dịch vụ công và thị trường tự do. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây có phải độc quyền tư nhân không?
Nếu là độc quyền nhà nước thì còn vì lợi ích của dân. Còn nếu độc quyền tư nhân thì chỉ phục vụ mục đích lợi nhuận thôi. Câu hỏi này cần được thành phố trả lời xem giấy phép của những dự án nước này có sự ràng buộc gì hay không?” Luật sư Lập chia sẻ.
Được biết, hiện giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của Thành phố, ban hành năm 2013. Thời điểm đó, TP Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013-2015. Mỗi năm Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.
Cụ thể, giá nước sinh hoạt (10 m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 có giá là 5.973 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 có giá là 7.052 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 có giá là 8.669 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 có giá là 15.929 đồng/m3. Theo phương án tính lũy kế theo mức sử dụng nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội chênh nhau tới 10.000 đồng/m3.
Nhà máy nước Sông Đuống vừa dính nghi án bán sản phẩm cho người dân khi chưa được nghiệm thu.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc Hà Nội gấp rút tăng giá nước sạch do áp lực bù lỗ lớn đến từ việc giá mua buôn chênh lệch từ các đơn vị cung cấp. Hai đơn vị bán buôn nước sạch lớn nhất của Hà Nội hiện nay là Nhà máy nước mặt Sông Đuống và Nhà máy nước mặt Sông Đà.
Đặc biệt, với giá mua buôn cao của Nhà máy nước sông Đuống (gấp gần 2 lần nước sông Đà), khi đi vào vận hành đã vô hình chung tạo áp lực tài chính lớn cho Hà Nội khi giá bán lẻ nước sinh hoạt đang thấp hơn.
Nếu tình trạng này kéo dài, Công ty CP nước sạch Sông Đuống được hưởng lợi nhưng người dân Hà Nội cũng thêm gánh nặng giải quyết vấn đề kinh phí bù giá, ngân sách thành phố đứng trước nguy cơ bị “thâm hụt”.
Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô lớn nhất miền Bắc (300.000 m3 ngày/đêm), tuyến ống truyền dẫn 81km tổng vốn đầu tư 4.998 tỉ đồng. Đây là dự án của Tập đoàn Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm chủ tịch HĐQT. Điểm đáng chú ý là dù được biết đến không nhiều, gần như kín tiếng, song Tập đoàn AquaOne đã và đang đầu tư nhiều dự án lớn với tổng rót vốn "khủng", như: BOT Quốc lộ 14, BOT Quốc lộ 2222B (hơn 4.000 tỷ đồng), nhà máy nước mặt Sông Hậu (2.000 tỷ đồng), nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình (mỗi dự án có vốn đầu tư lên tới 5.000 tỷ đồng). |