TTVH Online

Từng bước tự chủ tài chính trong quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ

Phong Cầm 21/12/2019 13:31 GMT+7

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), các khu rừng đặc dụng, phòng hộ sẽ phải từng bước tự chủ được về tài chính, thông qua tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và phát triển du lịch sinh thái.

Hiện cả nước có 14,45 triệu ha rừng; trong đó, rừng đặc dụng là 2,15 triệu ha; rừng phòng hộ 4,6 triệu ha. Đến nay, cả nước đã thiết lập 164 Ban quản lý rừng đặc dụng; 231 Ban quản lý rừng phòng hộ. Mục tiêu đến năm 2025, 50% các khu rừng đặc dụng phòng hộ có hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đạt hiệu quả; hàng năm thu hút 15-20% lượng khách du lịch tại Việt Nam.

Khung cảnh hệ sinh thái rừng khộp "đẹp như mơ" tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Ảnh: K. Lực

Các Ban quản lý đang quản lý khoảng 46,7% diện tích đất lâm nghiệp, đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng trên cạn, trên biển, đất ngập nước; trong đó phần lớn là rừng nguyên sinh và là nơi sinh sống của hầu hết các loài động, thực vật có nguy cơ đe dọa cần được bảo tồn phát triển bền vững.

Mỗi năm các Ban quản lý rừng đã giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, cá nhân, hộ gia đình trên 402.000 ha, trồng rừng mới gần 11.000 ha. Việc giao khoán này đã góp phần tăng thêm diện tích có rừng, nâng độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương sống trong vùng lõi và vùng đệm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Nhà nước sẽ ngày càng cởi mở, tạo tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công, trong đó có các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Hiện nay, chúng ta đã có 228 Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng có nguồn thu từ chính sách dịch vụ môi trường rừng. Năm 2018, 228 khu này đã thu được 1.258 tỷ đồng trong tổng số 3.000 tỷ của cả nước. Cùng với đó, có 60 khu báo cáo nguồn thu từ tổ chức du lịch sinh thái được 155 tỷ đồng.

Vấn đề được ông Tuấn gợi mở và đặt ra đối với các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là việc quản lý, sử dụng này cho cân đối tài chính từ chính sạch dịch vụ môi trường rừng cho hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên ra sao? Tiềm năng tới đây như thế nào? Cùng với đó, quan điểm về phát triển dịch vụ du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như thế nào trên trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc bảo tồn theo các các phân khu theo quy định của pháp luật.

Hoạt động cứu hộ rùa biển tại Vườn quốc gia Núi Chúa. Ảnh: K. Lực

Theo ông Tuấn, giải quyết được những vấn đề trên thì chúng ta mới nâng tầm các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lên. Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Hoàng Liên cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, thi hành Luật Lâm nghiệp, đơn vị đã chủ động tích cực phối hợp với sở, ngành xây dựng quản lý rừng bền vững. Vườn sẽ xây dựng và trình Bộ NN&PTNT, tỉnh Lào Cai đề án phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng.

Trước vấn đề sẽ phải hướng đến tự chủ về tài chính, ông Thịnh cho biết, hiện Vườn chủ yếu quản lý 2 tuyến du dịch và có thu phí. Khoản phí thu được, Vườn được giữa lại 20% chủ yếu phục vụ chi trả cho việc  thu phí, còn 80% nộp lại ngân sách Nhà nước.

Do đó, Vườn hầu như không có vốn để đầu tư trong khi nhu cầu khách du lịch càng cao. Nếu không đầu tư, quy hoạch thì việc phát triển du lịch sẽ rất yếu. “Đề nghị Trung ương, Bộ xem xét Vườn có cơ chế được như vườn quốc gia để được giữ lại 90% khoản thu cho tái đầu tư để phát triển du lịch” – ông Thịnh kiến nghị.

Hiện nay, Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn Luật cơ bản đồng bộ với các bộ luật liên quan đảm bảo cho phát triển lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp và phù hợp về phân hạng, phân loại để bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Luật cũng quy định chi tiết hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Cụ thể như: không được chuyển mục đích sử dụng rừng, chỉ được xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi đất trống, không có rừng, chiều cao công trình xây dựng dưới 12m; thời hạn cho thuê môi trường rừng là 30 năm (trước đây là 50 năm).

Khương Lực
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN