Hoạt động môi giới nhà đất thời gian qua không được quản lý, chưa có chế tài để quy trách nhiệm. Vì thế, nhiều người sẵn sàng nói sai sự thật, tìm mọi cách để chiêu dụ, lừa đảo khách hàng... làm xấu hình ảnh về nghề này.
Bị tra tấn bởi hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày từ các nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) đang trở thành nỗi bức xúc của rất nhiều người. Tuy nhiên, với những người môi giới, mặc dù biết rằng chẳng thích thú gì nhưng phải làm vì áp lực công việc, doanh số...
“Tám” hàng chục cuộc mỗi ngày
Anh Nguyễn Văn Cường, nhân viên môi giới mới tại một sàn giao dịch thuộc hệ thống của Hưng Thịnh Land, cho biết việc hàng ngày gọi cả mấy chục cuộc điện thoại để chào mời và giới thiệu dự án kết quả cũng hên xui, nhiều khi bị khách chửi cho không kịp nói. Nhưng anh vẫn phải làm vì nó giống như cái cần cầu cơm. Đặc biệt, với một người mới vào nghề như anh không có nhiều quan hệ thì chỉ biết hy vọng tìm thấy người mua qua điện thoại.
Mỗi tháng, Cường chỉ được công ty hỗ trợ từ 2-3 triệu đồng. Và để được ký hợp đồng chính thức, trong 2 tháng đầu tiên chỉ tiêu đặt ra là phải bán được 2 sản phẩm. Đây là áp lực không nhỏ trong bối cảnh thị trường hết sức khó khăn và thậm chí sự cạnh tranh còn đến từ phía chính nhân viên trong nội bộ.
Còn chị Ánh Hồng, nhân viên môi giới thuộc Công ty DKRS tại TP.HCM cho biết, chị đảm nhận công việc “salephone”, mỗi ngày phải thực hiện gần cả trăm cuộc gọi, nhắn tin giới thiệu sản phẩm. Người tốt họ từ chối nhẹ nhàng nhưng cũng có người chửi mắng. Tuy nhiên, hầu như nhân viên môi giới hiện nay phải bỏ tiền mua data và thuê telesales (bán hàng qua điện thoại) để “săn” khách hàng tiềm năng. Bởi dẫu sao thì con đường này là cách nhanh nhất tiếp cận “con mồi”.
Nghề môi giới BĐS.
Để mua được các dữ liệu này thì các nhân viên môi giới đã phải chi một số tiền kha khá. Đây là các dữ liệu thông tin về khách hàng từ các ngân hàng, các dự án cũ đã bàn giao, đã đi vào sử dụng. Phí mua data cũng tùy mức độ hot của các dự án. Thông thường, dao động trong khoảng từ 5 - 20 triệu đồng/bộ.
Theo chị Hồng, áp lực công việc thực sự lớn với nhân viên môi giới khi đến thời hạn tổng kết doanh số. Do đó, hiện nay thậm chí tình trạng “cắt máu” đang diễn ra khá phổ biến trong giới sale bất động sản. “Đối với người mới, hoặc nhân viên nhiều tháng liền không có khách thường chấp nhận phải bỏ tiền túi đặt giữ chỗ sản phẩm nhằm lấy chỉ tiêu và họ hy vọng tìm kiếm được khách hàng qua hàng trăm cuộc điện thoại hàng ngày”, chị Hồng chia sẻ thêm.
Một số môi giới cho biết, so với thời điểm cuối năm 2017, thu nhập hiện tại giảm khoảng 60 - 70%, thậm chí có nhiều người không đủ định mức để hưởng lương cứng. Khoảng 3 năm trước, nghề môi giới BĐS là một trong những nghề “hot” được nhiều người lựa chọn. Khi đó, thị trường sôi động, hoa hồng cao, nên thu nhập của một nhân viên giỏi có tháng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 tới nay, do thị trường chững lại, nên những người này cũng chẳng sống dễ với nghề. Trong vòng 5 - 6 tháng qua, khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp ngành địa ốc. Ngoại lệ vài công ty chủ đầu tư có đội sale và có sản phẩm gây đột biến, nhưng số lượng này chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần còn lại đều gặp khó khăn về doanh số và lợi nhuận. Trong xu thế đó, nhiều môi giới đã phải chuyển nghề vì không đủ nguồn thu đảm bảo cuộc sống.
Bỏ quên đạo đức của nghề
Trong khi tình trạng loạn rao bán BĐS ở TP.HCM thời gian qua vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm thì gần đây, lại nổi lên chuyện môi giới “làm loạn” thị trường. Hàng loạt tin rao bán đất nền với giá rất rẻ ở những vị trí “nhạy cảm” như Học viện Cán bộ TP.HCM (quận Bình Thạnh), hay khu quân đội ở đường Thành Thái (quận 10), mới đây là tin rao bán đất khu vực đang triển khai dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (quận 3). Thực chất, tất cả những tin rao bán này đều là giả, mục đích chính của các đối tượng là để thu hút khách hàng và chiêu dụ họ mua đất nền ở tỉnh, thậm chí là đất ở các dự án ma.
Đáng nói hơn, mặc dù biết rõ dự án chưa đầy đủ về pháp lý, chưa được quyền huy động vốn nhưng nhiều môi giới BĐS vẫn vô tư quảng cáo đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. Chỉ trong vài tháng qua, khách hàng vô cùng hoang mang khi hàng loạt dự án “ma” tương tự Alibaba, đã bị chính quyền vào cuộc xử lý. Hàng loạt công ty BĐS bị phanh phui những chiêu trò câu kéo khách hàng trái luật, hàng nghìn nhà đầu tư, khách hàng bị lừa mua phải dự án chưa được cấp phép. Nhiều môi giới không hề nắm rõ luật, không biết về pháp lý dự án, không tìm hiểu xem dự án có thật hay không nhưng vẫn thản nhiên rao bán cho khách hàng để lấy hoa hồng. Mong muốn có lợi nhuận khủng, nhiều môi giới sẵn sàng chèo kéo, thổi phồng dự án để bán được hàng rồi đẩy nhà đầu tư xuống hố sâu.
TS Trần Minh Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cho biết hiện nay môi giới BĐS trở thành kênh phân phối, đối tác quan trọng không thể thiếu của các nhà phát triển BĐS, nhà ở trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, nghề môi giới vẫn còn không ít những hạn chế.
“Thực trạng thị trường cho thấy, người hành nghề môi giới BĐS chân chính chưa được bảo vệ, trong khi kinh doanh chụp giật, vi phạm luật pháp diễn ra khá phổ biến. Môi giới yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, coi thường các quy định quản lý”, ông Hoàng nhận xét.
Cũng theo đại diện VARS, một số lượng lớn các sản phẩm được môi giới BĐS chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh. Trên 90% tin rao bán nhà ở riêng lẻ thiếu chính xác, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý dự án, quy hoạch... Gần như 100% giao dịch BĐS riêng lẻ, giao dịch trên thị trường thứ cấp không đóng thuế thu nhập. Bên cạnh đó, hiện tượng thông tin ảo, đồn thổi, thổi phồng giá, giấu giếm, thậm chí đưa thông tin sai lệch về quy hoạch, pháp lý diễn ra phổ biến tại nhiều nơi.
Theo ông Hoàng, nhiều người dân gặp phải rủi ro khi giao dịch thông qua môi giới không chuyên nghiệp, như bị thiệt hại tài sản, thậm chí bị lừa đảo, chiếm dụng vốn. Hình ảnh nghề môi giới BĐS vì thế không tạo được thiện cảm mà phải chịu ấn tượng xấu trong xã hội.
(Theo Thế Giới Tiếp Thị)