Bị bỏ rơi bởi chính những đứa con trai của mình, bị hàng xóm xa lánh, hắt hủi và gán mác phù thủy. Tội của Mosammat Rashida - một góa phụ là gì? Chỉ là chồng bà bị giết bởi một con hổ Bengal.
Gương mặt khắc khổ của "góa phụ hổ" Mosammat Rashida
Tại nhiều ngôi làng nông thôn ở Bangladesh, những góa phụ như bà Rashida bị tẩy chay, hắt hủi vì họ bị xem là người mang đến xui xẻo, bất hạnh cho chồng con, gia đình.
"Các con trai của tôi nói rằng tôi là một phù thủy xui xẻo", "góa phụ hổ" Rashida chia sẻ trong ngôi nhà lụp xụp của bà tại Gabura - ngôi làng của các thợ săn mật ong ở rìa Sundarbans - một khu vực rừng ngập mặn rộng 10.000km2 nằm giữa Bangladesh và Ấn Độ. Chồng bà Rashida chết vì bị hổ ăn thịt trong khi đang đi lấy mật ong trong khu rừng rậm ở đây.
"Những thợ săn mật ong chủ yếu lấy mật ở vùng tây nam Sundarbans, nơi nhiều hổ dữ, ăn thịt người sinh sống", chuyên gia hổ hàng đầu tại Đại học Jahangirnagar, Monirul Khan chia sẻ..
Cũng theo chuyên gia này, hổ là một loài có nguy cơ tuyệt chủng nhưng biến đổi khí hậu cùng sự phát triển của loài người đang làm giảm môi trường sống hoang dã của chúng, vì thế chúng thường buộc phải đi đến các ngôi làng để tìm kiếm thức ăn.
Các tổ chức từ thiện bảo vệ động vật hoang dã ước tính có khoảng 100 con hổ ở Sundarbans phía Bangladesh..
Chồng chết vì bị hổ vồ khiến cuộc sống của bà Mosammat Rashida trở nên túng quẫn.
Ít nhất 519 người đàn ông ở 50 ngôi làng trong cùng một huyện đã chết vì bị hổ tấn công từ năm 2001 đến 2011, theo Ledars Bangladesh, một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ các góa phụ tái hòa nhập cho biết.
Cái chết của những người đàn ông đã giáng một cú đánh kép lên những người vợ của họ.
Đang đau buồn vì mất đi bạn đời, chỉ sau 1 đêm, họ trở thành những "góa phụ hổ" rồi bị hắt hủi, xa lánh vào thời điểm mà họ cần được giúp đỡ nhất. Những "góa phụ hổ" này thường không có nhiều phương tiện để nuôi sống bản thân hoặc con cái.
Góa phụ Rashida rất đau lòng nhưng không ngạc nhiên khi những đứa con trai đã trưởng thành lần lượt 24 và 27 tuổi của mình lại bỏ rơi mẹ và những đứa em gái còn quá nhỏ của họ.
"Rốt cuộc, chúng cũng là một phần của xã hội này", góa phụ 45 tuổi nói và lau nước mắt.
Căn nhà nhỏ bé của Rashida không có mái - vì mái đã bị thổi bay bởi một cơn lốc chết người - nhưng không ai, từ hàng xóm cho đến các quan chức địa phương, chịu giúp bà sửa lại nó. Rashida phải sử dụng một tấm bạt cũ căng lên để che chắn mưa gió.
Nhà bên cạnh, anh Mohammad Hossain đang sửa mái tôn bị hỏng thú nhận rằng, anh đã được vợ dặn kỹ là không được nói chuyện với bà Rashida.
"ĐIều đó sẽ phá vỡ hạnh phúc gia đình tôi và có thể mang lại xui xẻo", thợ săn mật ong 31 tuổi nói.
Một quan chức địa phương ở Bangladesh tên là Mohon Kumar Mondal thừa nhận, sự ngược đãi đối với các "góa phụ hổ" vẫn còn gay gắt trong các cộng đồng bảo thủ vốn có định kiến với họ "hàng thế kỷ" qua.
Một góa phụ hổ khác tên là Rijia Khatun cho biết bà đã học được cách chịu đựng việc bị dân làng tẩy chay sau cái chết của chồng - một thợ săn mật ong 15 năm trước. May mắn hơn, bà vẫn được cháu trai và gia đình chồng bí mật giúp đỡ.
"Các con trai tôi còn nhỏ. Nhưng không ai giúp tôi. Lúc đầu tôi cảm thấy tồi tệ khi họ cứ đổ lỗi cho tôi về cái chết của chồng tôi. Nhưng giờ tôi đã học được sống với nghịch cảnh này", bà Khatun nói.
Cháu trai của bà tên là Yaad Ali cho biết dù muốn giúp đỡ mẹ con bà Khatun, anh cũng không thể làm điều đó một cách công khai.
"Chúng tôi phải làm điều đó (giúp bà Khatun) một cách bí mật nếu không cả làng sẽ tẩy chay cả chúng tôi", anh thú nhận.