Nghĩ từ vụ án “bầu” Kiên
Phong Cầm
17/04/2014 11:18 GMT+7
Phiên tòa xử “bầu” Kiên và đồng phạm hôm qua đã hoãn, một mặt do sự vắng mặt của ông Trần Xuân Giá còn có nhiều lý do cho thấy sự phức tạp của nó. Đằng sau phiên toà “điểm” này còn nhiều khía cạnh rất đáng suy nghĩ...
Hai cán bộ của Công ty Đầu tư ACB Hà Nội và “bầu” Kiên bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 7 cán bộ cấp cao của Ngân hàng ACB (có cả ông Kiên) bị truy tố về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Riêng bầu Kiên, người được cho là chủ mưu, ngoài 2 tội danh trên còn bị truy tố thêm 2 tội nữa: “kinh doanh trái phép”; và “trốn thuế”.
Lưu ý rằng Công ty Đầu tư ACB Hà Nội không phải là công ty con của Ngân hàng ACB, mà chủ yếu là của ông Kiên. Công ty này đã phát hành trái phiếu (tức là vay tiền của người mua trái phiếu, chính là Ngân hàng ACB) để có tiền mua cổ phần của công ty khác (Thép Hòa Phát).
Ông Kiên và 2 cán bộ bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì đã mang bán 20 triệu cổ phiếu của Hòa Phát trong số 22 triệu cổ phiếu đã được thế chấp ở Ngân hàng ACB nhằm chiếm đoạt 264 tỷ đồng. Nếu ông Kiên không xù nợ và ACB không khiếu nại, thì việc này khó có thể coi là lừa đảo.
Hậu quả của những việc kinh doanh lòng vòng, nhất là mua cổ phần của các ngân hàng, đã tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng liên quan đến sở hữu chéo, nợ xấu và đạo đức hành nghề ngân hàng. Những hậu quả là có thực và hệ thống ngân hàng đang phải khắc phục. Tuy nhiên, việc đánh giá các hành vi kinh doanh như vậy có cấu thành tội hình sự hay không, thì lại là chuyện khác.
Tại Việt Nam người ta thường hay lên án những người “lách luật,” tức là tận dụng những kẽ hở của luật để kiếm lợi cho mình.
Chúng ta có thể lên án những người đó về mặt đạo đức, nhưng tuyệt nhiên họ không phạm bất cứ tội nào vì họ đã làm đúng theo quy định của luật, thậm chí họ còn giúp Nhà nước phát hiện ra những lỗ hổng pháp lý để sửa và hoàn thiện luật (tức là có công phản ánh sự yếu kém của luật). Trong trường hợp như vậy lỗi là ở những người làm luật, làm chính sách, chứ không phải những người bị cho là “lách luật”.
Tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” của bầu Kiên cũng đáng bàn. Nếu quy định của Nhà nước là cấm mà làm trái, thì rõ ràng có tội. Nếu quy định của Nhà nước không cấm, nhưng cũng chẳng cho phép, thì họ cũng chẳng phạm tội. Nếu họ làm trước và sau đó Nhà nước mới cấm thì họ cũng vô tội.
Cái tội ở đây là ở sự mập mờ của luật pháp. Tội “kinh doanh trái phép” cũng có thể bị tranh cãi nếu pháp luật không cấm một cách tường minh.
Như thế, vụ án này không phức tạp như người ta nghĩ và cũng đã chẳng gây ra hậu quả lớn đến vậy giá như luật pháp tốt hơn.
Nguyễn Quang A
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN