TTVH Online

Để tránh vết xe đổ

Phong Cầm 03/03/2014 14:34 GMT+7

Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày 28.2.2014, Thống đốc NHNN đã đề xuất chương trình tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) và được Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh

Để tránh vết xe đổ của gói cứu trợ bất động sản 30.000 tỷ, chương trình này sẽ không gọi là gói này gói nọ, nhưng nếu không tính kỹ thì cũng vẫn chết yểu như gói cứu bất động sản.

Có lẽ nên thống nhất những định hướng chung, chẳng hạn như vài điểm gợi ý sau đây.

Thứ nhất, chương trình tín dụng không phải là “gói cứu trợ” mà phải là chương trình thúc đẩy, kích thích phát triển. Và như thế phải lấy hiệu quả tổng thể của sự phát triển tam nông làm thước đo.

Thứ hai, nó phải là một bộ phận cấu thành của việc sắp xếp lại toàn bộ ngành nông nghiệp chứ không nên như các khoản ưu đãi để các tổ chức hay bà con nông dân hoặc địa phương chạy chọt và xin (và chi phí chạy, xin có thể cao hơn phần ưu đãi - một nguyên nhân gây thất bại).

Thứ ba, trong khi thiết kế chính sách, Nhà nước (với sự chủ trì của NHNN, sự phối hợp của Bộ NNPTNT và các cơ quan khác) phải xác định rõ sơ đồ, nguồn lực và cơ chế vận hành, sự hiệu chỉnh của chương trình.

Thứ tư, các tổ chức cấp tín dụng hẳn phải là các ngân hàng thương mại cho nên việc để họ (kể cả các tổ chức bảo hiểm) tham gia ngay từ đầu là hết sức quan trọng. Tín dụng nên trên cơ sở thị trường hoàn toàn. Nhà nước có thể bỏ ra một khoản không lớn (thí dụ vài ngàn tỷ đồng chẳng hạn để bù lãi suất ưu đãi: Với 2 ngàn tỷ để bù 2% lãi suất thì có thể có tổng cộng 100 ngàn tỷ tín dụng cho tam nông). Tất cả các ngân hàng thương mại đều có thể tham gia một cách bình đẳng chứ không nên để riêng một ngân hàng nào đó độc quyền.

Cuối cùng, vấn đề chính là xác định những lĩnh vực nào được hưởng chương trình tín dụng này. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào ý đồ sắp xếp lại nông nghiệp, nông thôn. Thậm chí việc khuyến khích xây dựng công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn cũng rất nên được tham gia, vì một cách gián tiếp nó hỗ trợ việc sắp xếp một cách hữu hiệu nhất.

Không khó để xác định các lĩnh vực lớn cần thúc đẩy: Hạ tầng ở vùng nông thôn (kể cả dạy nghề, cơ sở thú y, cơ sở khuyến nông, cơ sở xay xát, kho chứa, cơ sở dịch vụ sau thu hoạch, vân vân); các ngành nghề mà Việt Nam muốn phát triển (do có sức cạnh tranh quốc tế) chẳng hạn như thủy sản, cà phê, tiêu, cao su, gạo; những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng (xóa bỏ độc quyền xuất khẩu gạo chẳng hạn).

Chỉ trên cơ sở nghiên cứu và thảo luận kỹ thì Nhà nước mới có thể đưa ra chính sách khả thi về lĩnh vực này, tránh vết xe đổ của bao nhiêu “gói,” “chương trình” nghe rất hoành tráng nhưng chắc hẳn thất bại như gói cứu bất động sản 30.000 tỷ đồng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo ngay từ đầu vì nó mang nặng dấu ấn của các nhóm lợi ích chứ không phải phục vụ nhu cầu thực của xã hội.

Đấy là điều nên tránh với chương trình tín dụng tam nông.
Nguyễn Quang A
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN