TTVH Online

Gặp người cứu nạn dưới chân đèo Ngang

Phong Cầm 18/03/2011 08:21 GMT+7

Khi hầm đường bộ đèo Ngang chưa được thông tuyến, trên đỉnh đèo thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn thương tâm, anh luôn có mặt kịp thời để đưa người bị nạn đi cấp cứu, dù là đêm đông giá rét hay lúc mưa gió bão bùng.

Từ nhiều năm nay, anh Phạm Xuân Thời, 34 tuổi ở thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình.được biết đến là người tự nguyện cứu nạn dưới chân đèo Ngang. 

Anh Thời hạnh phúc bên ba đứa con ngoan của mình 

Nghe tin có người gặp nạn là anh lại cấp tập lên đường. Với anh, cứu người là mệnh lệnh duy nhất, anh làm vậy không vì mục đích nào khác, cũng không mong người khác trả ơn mình.

Anh Thời lớn lên trong cái thôn Minh Sơn nghèo khó, từ nhỏ đến lớn lại không ít lần được chứng kiến những cái chết thương tâm từ tai nạn trên đỉnh đèo do không được cứu giúp kịp thời nên anh đã sớm tâm niệm là phải cứu giúp người đời trong cơn khốn khó.

Anh đã chia sẻ rất nhiều nỗi niềm xoay quanh những lần cứu nạn, cái việc mà trong con mắt của không ít người là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng anh mặc kệ, cứ hành động theo mệnh lệnh cứu người, theo ý niệm mách bảo của trái tim.

Cơ duyên với chốn đèo ngang

Anh thời kể, không phải bây giờ, khi đã bước qua nửa đời người rồi anh mới cứu người mà tự lâu lắm, ngày còn mặc quần xà lỏn chạy loăng quăng theo chúng bạn chăn trâu, kiếm củi trên đỉnh đèo, anh đã nhiều lần cõng người bị nạn chạy băng băng hàng cây số đến trạm y tế xã Quảng Đông để sơ cứu.

Có những bữa, máu thấm ướt sũng chiếc áo mình đang mặc, chạy ù về nhà bố mẹ được một phen chết khiếp, dọa đánh và bắt từ bỏ nhưng rồi chứng nào lại tật nấy, và cái máu “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha” đã ngấm vào con người anh từ đấy.

Một nguyên nhân khác, khiến anh không từ bỏ được việc làm “khác người” của mình, ấy là trong những lần chạy lon ton cứu người hoặc kêu người giúp đỡ, anh đã gặp người bạn đời của mình, đó là cô thôn nữ xinh đẹp Hà Thị Lan ở bên kia đèo Ngang.

Chị Lan quê ở xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong một lần đi học từ Huế về, đến đỉnh đèo thì xe phải dừng lại vì phía trước xảy ra vụ tai nạn giao thông. Vốn dễ xúc động, cô sinh viên xinh xắn cũng xúm vào giúp đỡ và thấy người thanh niên trẻ hăng hái với việc cứu nạn, cảm phục trước tấm lòng nghĩa hiệp của Thời, Lan đã đem lòng yêu mến.

Năm 1998, hai người nên nghĩa vợ chồng. Hai tâm hồn đồng điệu và hai trái tim nhân ái gặp nhau, họ từ bỏ tất cả đến dựng nhà sát dưới chân đèo để mưu sinh, cũng là phòng nhỡ khi người đi đường gặp nạn, tiện bề cứu giúp.

Một quán cà phê nho nhỏ đã được mở ra, ngày ngày vợ chồng họ chí thú làm ăn nuôi ba đứa con đang tuổi cắp sách đến trường. Đồng thời, âm thầm làm việc thiện, cứu người lúc hoạn nạn, khó khăn.

Theo Người Đưa tin

 

(Dân Việt)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN