TTVH Online

Từ vụ nổ kinh hoàng ở TP.HCM: Siết chặt kiểm tra việc sản xuất phân bón

Phong Cầm 21/10/2014 10:18 GMT+7

“Các cơ sở sản xuất phân bón tới đây sẽ phải đạt 14 tiêu chí như năng lực sản xuất, điều kiện sản xuất phải đạt tiêu chuẩn quốc gia, chủ các cơ sở phải công bố hợp quy… mới được cấp phép cho sản xuất”. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương).

Bạ đâu cũng... sản xuất phân bón

Như NTNN đã thông tin, chiều 17.10, một vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại xưởng sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đặng Huỳnh trên đường Lê Thị Riêng, quận 12, TP.HCM, làm 3 người chết, 5 người bị thương. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng tìm thấy nhiều bình phân vi sinh dạng nhỏ, nhiều thùng chứa hóa chất và một số tang vật nghi là để nhân viên công ty này sản xuất phân bón tại đây.


Các hộp phân bón vi sinh tại hiện trường vụ nổ. 

Theo UBND quận 12, Công ty Đặng Huỳnh được Sở KHĐT TP.HCM cấp phép kinh doanh vào năm 2003 với các chức năng sản xuất và mua bán giống cây trồng, mua bán vật tư nông nghiệp (trừ thuốc bảo vệ thực vật), tư vấn kỹ thuật về cây trồng, sơ chế biến và mua bán nông sản (trừ chế biến thực phẩm tươi sống tại trụ sở) và sản xuất phân bón nhưng không được sản xuất tại trụ sở. Đúng 10 năm trước, Công ty Đặng Huỳnh bị phát hiện sản xuất trái phép phân bón và bị phạt gần 12 triệu đồng...

Trao đổi với NTNN sau vụ việc Công ty Đặng Huỳnh, bà Nguyễn Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, việc sản xuất, kinh doanh phân bón tùm lum, bạ đâu cũng làm đang trong tình trạng báo động, mà nguyên nhân chủ yếu là do ai cũng có thể sản xuất, kinh doanh phân bón mà không cần điều kiện gì.

Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng đã phải lên tiếng rằng: Có mặt hàng phân bón đã được đưa vào danh mục, nhưng khi kiểm tra cơ sở sản xuất ở đâu thì chỉ thấy còn mỗi cái tên cơ sở là tồn tại, còn lại không có nhà xưởng, máy móc gì, ngay bản thân ông An cũng không biết phân bón ấy được sản xuất như thế nào, chất lượng ra sao?! “Đây là hậu quả của việc không quy định điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phân bón và không cấp giấy chứng nhận hay giấy phép cho ngành đặc thù này” - ông An cho biết.

Ông Trương Hợp Tác- Trưởng phòng Phân bón (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cũng cho biết, hiện cả nước có trên 500 đơn vị sản xuất phân bón, chưa kể hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh phân bón lớn nhỏ. Song do không có điều kiện ràng buộc với ngành phân bón nên cơ quan nhà nước cũng “bó tay” trong việc quản lý chất lượng phân bón, an toàn trong sản xuất phân bón ngay từ đầu nguồn khiến thị trường phân bón hết sức bát nháo, gây nhiều thiệt hại cho nông dân.

Tăng cường kiểm soát…

Để khắc phục tình trạng nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 202 về quản lý phân bón. Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 29 (ngày 30.9.2014) hướng dẫn thi hành Nghị định 202. Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, không chỉ chúng tôi mà nhiều người kỳ vọng đây sẽ là hành lang pháp lý góp phần giải quyết triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng và bát nháo đang diễn ra rất phức tạp. Theo ông Thanh, thông tư này sẽ tập trung kiểm soát cả 3 khâu: Sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu. Cụ thể, các cơ sở sản xuất phân bón phải đạt 14 tiêu chí như năng lực sản xuất, điều kiện sản xuất phải đạt tiêu chuẩn quốc gia, chủ các cơ sở phải công bố hợp quy…

Ông Thanh khẳng định, để quyết liệt giảm nạn phân bón giả, kém chất lượng, phân bón sản xuất “chui” cần làm tốt công tác kiểm soát, hậu kiểm chất lượng phân bón, cơ sở sản xuất phân bón. Chúng ta phải khắc phục tình trạng lâu nay là việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón chỉ tập trung vào điều kiện kinh doanh của các cơ sở sản xuất phân bón, nguồn gốc của phân bón nhập khẩu mà chưa đi sâu vào kiểm tra chất lượng, an toàn trong sản xuất phân bón.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nay, một số doanh nghiệp cố tình gian lận trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón: Trực tiếp in bao bì, sử dụng bao bì (sang bao) của các hãng chính hiệu có uy tín để sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng.

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam ước tính, phân bón giả, kém chất lượng có thể gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD/năm. Nguy cơ và thiệt hại do phân bón kém chất lượng đã rõ, nhưng nguy cơ mất an toàn trong sản xuất - như vụ nổ tại cơ sở ở TP.HCM cũng khó tránh khỏi, nên cần sớm siết chặt việc áp dụng quy chuẩn và kiểm tra các cơ sở sản xuất.

Cục trưởng Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Thông tư số 29 của Bộ Công Thương có hiệu lực từ ngày 27.11.2014 sẽ góp phần hạn chế tình trạng sản xuất phân bón bát nháo như hiện nay, các doanh nghiệp làm ăn chính đáng và người nông dân sẽ tránh được các thiệt hại trong thời gian tới.

Mai Hương
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN