Ngày 14.11, thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành, đại đa số ý kiến của các đại biểu tán thành chủ trương này.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) bày tỏ sự nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và nhấn mạnh: “Việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành vừa cần thiết vừa cấp thiết. Nước ta có 90 triệu dân, trong quá trình hội nhập không thể không có một sân bay tầm cỡ. Sân bay Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu đặt ra và sẽ quá tải, nếu mở rộng sân bay này thì phải di dời khoảng nửa triệu người dân và đó là điều rất khó. Còn nếu lo lãng phí trong đầu tư mà không đầu tư thì sẽ không thể phát triển về mọi mặt”.
Đồng quan điểm, song đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) tỏ ý băn khoăn khi cho rằng: “Chủ trương này là cần thiết, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ là đã cấp thiết hay chưa vì hiện ta, nước ta còn nhiều việc cấp thiết khác”.
Tiếp ý đại biểu Lịch, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) khẳng định: “Dự án này vừa cần thiết vừa cấp thiết. Đây là cơ hội thực hiện chiến lược phát triển kinh tế -xã hội. “Những lo lắng của dư luận và của nhiều đại biểu Quốc hội về dự án này là đúng. Có rất nhiều câu hỏi khó nhưng chúng ta có thể giải được. Mặc dù vậy, dự án tiền khả thi phải làm rõ được tác động của dự án, khả năng cạnh tranh với các sân bay khu vực. Về nguồn lực, ngoài vốn ngân sách, cần huy động cả vốn quốc tế và vốn tư nhân bởi các quốc gia khác cũng thực hiện theo cách này”. Đề nghị xác định kỹ việc lựa chọn nhà đầu tư, công bố rõ lộ trình bồi thường, tái định cư, coi đây là thời điểm biến thách thức thành cơ hội, đại biểu Vở thẳng thắn: “Đừng sợ vì nợ mà không dám làm”.
Đặt ra giả thiết “liệu ai dám khẳng định thực hiện dự án chắc chắn sẽ có lãi và đạt được mục tiêu đề ra trong mấy chục năm tới?”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng: “Mong muốn này phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Du khách đến Việt Nam không phải vì sân bay to, đẹp, tiện nghi mà còn do nhiều yếu tố khác. Kinh doanh Cảng HKQT dù tốt đến mấy nhưng không có lãnh đạo tốt và tâm huyết thì cũng bằng không.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu quan điểm: “Băn khoăn với dự án này là chuyện thường. Nhưng từ chuyện gia đình đến chuyện quốc gia đại sự, không nên cần phải hội tụ đầy đủ mọi yếu tốt thì mới làm. Nếu chủ trương được thông qua sẽ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của Quốc hội. Về vốn và sự tác động của nguồn vốn đến nợ công hiện nay thì vốn từ ngân sách không lớn và vay ODA tác động đến nợ công cũng không lớn”. Còn đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) thì cho biết: “Ý kiến ủng hộ nhiều chưa chắc đã đúng, ủng hộ ít chưa hẳn là sai. Tôi chỉ phát biểu ý kiến theo quan điểm của tôi. Song tôi thấy đây là vấn đề vừa cần thiết vừa cấp thiết và ủng hộ chủ trương bởi về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nước ta”.