Năm 2014 được đánh giá sẽ là năm thắng lợi của ngành tôm. Giá trị xuất khẩu đến hết tháng 9 đã đạt hơn 5,3 tỷ USD, đóng góp 50% giá trị của ngành thuỷ sản, trong đó tôm thẻ chân trắng đóng góp 30%...Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng cục Thuỷ sản, hiện diện tích tôm chết trên cả nước lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013, khiến nhiều hộ nuôi tôm có cảm giác như đang trong một “canh bạc”.
Ông Nguyễn Văn Dương ở Giao Thuỷ, Nam Định có 4 ha chuyển đổi từ làm muối sang nuôi tôm từ 2 năm nay chia sẻ, “Nuôi tôm là nghề có thể làm cho nhiều người giàu lên rất nhanh, chú cứ nhìn những ngôi nhà 3-4 tầng đang mọc lên thì thấy, toàn là từ nuôi tôm mà ra hết. Tuy nhiên, cái nghề này cũng như “đánh bạc”, nếu tôm chết thì cũng làm cho nhiều hộ sạt nghiệp. Do số tiền đầu tư cho nuôi tôm quá lớn nên nếu tôm cứ chết từ 2- 3 vụ là nhiều hộ không thể trụ được do toàn vốn đi vay mượn” - ông Dương nói.
Chỉ cần nuôi tôm tới 45 ngày là có thể hòa vốn, từ 50 ngày là có lãi, nhưng nhiều hộ vẫn vấp phải hiện trạng tôm chết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để đầu tư cho nuôi tôm hiện nay rất tốn kém, từ chi phí xây dựng ao nuôi, mua tôm giống, mua thức ăn chăn nuôi… Nếu nuôi được 1ha tôm, tổng chi phí đầu tư cũng phải lên tới 5-700 triệu đồng. Nếu thành công thì người dân có thể gỡ được vốn ngay trong năm đầu tiên với 2 vụ tôm thành công nhưng nếu thất bại thì đúng là nhiều hộ sẽ sạt nghiệp. Trong khi, rủi ro của nuôi tôm có rất nhiều, trong đó phải kể tới thiệt hại từ dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Tiến Thể - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, một số nguyên nhân dẫn tới diện tích nuôi tôm của người dân năm 2014 bị thiệt hại tăng mạnh chủ yếu là liên quan tới “gói kỹ thuật”. Hiện nay hầu hết người nuôi tôm đều thiếu các kinh nghiệm, kiến thức về nuôi tôm nên trong quá trình nuôi không xây dựng khu ao nắng nước để xử lý nước, lọc nước, làm nắng cặn… trước khi thay nước vào ao nuôi. Trong khi, hệ thống thuỷ lợi dành cho nuôi tôm lại chủ yếu là sử dụng thuỷ lợi của ngành trồng trọt, thiếu quy hoạch dẫn tới đường dẫn nước sạch và nước thải lẫn lộn, gây ra lây lan dịch bệnh cho tôm.
Một nguyên nhân khác, hiện nay người nuôi đang sử dụng thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học một cách tuỳ tiện, có người trộn vào thức ăn hàng ngày, có người thậm chí lạm dụng tới mức đổ cả thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học xuống ao nuôi. Việc này dẫn tới tôm còi cọc, chậm lớn, mất khả năng tự kháng bệnh và đặc biệt là tình trạng xuất hiện các loại dịch bệnh tự kháng lại thuốc kháng sinh dẫn tới khó điều trị. Việc sử dụng nhiều thuốc và chế phẩm sinh học cũng gây ra ô nhiễm môi trường nuôi.
Thêm một nguyên nhân nữa là nhiều nơi nuôi tôm không tuân theo đúng thời vụ, dẫn tới xuất hiện nhiều dịch bệnh phát sinh; đặc biệt, có một nguyên nhân được cho là “thủ phạm” chính dẫn tới tôm chết hàng loạt là do thả tôm không đúng kích cỡ, theo quy định tại Thông tư 26, kích cỡ của tôm giống thẻ chân trắng là pos 12 và tôm sú là pot 15.
Tuy nhiên, do vùng sản xuất tôm giống tới vùng nuôi tôm thường phẩm thường cách xa nhau, từ đó dẫn tới chi phí vận chuyển tăng nên các doanh nghiệp sản xuất tôm giống thường lựa chọn phương án vận chuyển tôm giống có kích cỡ nhỏ (thường là pot 6 với tôm thẻ chân trắng và pot 8 với tôm sú). Do con giống nhỏ, chưa đủ kích cỡ nên khi vận chuyển xa thường bị yếu, hay mắc dịch bệnh làm tôm chết.