Năm 2014, Viện Khoa học lâm nghiệp (KHLN) Việt Nam được Bộ NNPTNT giao chủ trì thực hiện Dự án “Mô hình thâm canh rừng trồng một số giống keo tai tượng (xuất xứ Pongaki và Cardwell); keo lai BV33, BV75, TB1, TB11”. Dự án được triển khai tại 18 tỉnh nhằm đẩy nhanh việc chuyển giao các giống mới nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp.
Thâm canh rừng trồng với giống mới
Theo đánh giá của Viện KHLN Việt Nam, hiện nay sản lượng gỗ khai thác từ tự nhiên rất ít, trong khi đó nhu cầu sử dụng các sản phẩm gỗ không ngừng tăng lên. Vì vậy, việc chọn tạo, sản xuất giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao và chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu hiện nay là hết sức cần thiết. Keo tai tượng và keo lai là nhóm loài cây sinh trưởng, phát triển nhanh, phù hợp với nhiều điều kiện lập địa, đang được các nhà khoa học, doanh nghiệp và người trồng rừng quan tâm hướng tới.
Dự án triển khai mô hình thâm canh rừng kinh tế bằng một số giống keo tai tượng, keo lai BV33, BV75, TB1, TB11 được thực hiện từ tháng 4 năm nay với mục tiêu tổng quát là xây dựng mô hình thâm canh rừng từ các giống mới, có năng suất và giá trị kinh tế cao. Dự án do Viện KHLN Việt Nam chủ trì triển khai tại 18 tỉnh thuộc 3 vùng (miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên) với quy mô 1.860ha, 1.860 hộ gia đình tham gia.
Theo PGS-TS Triệu Văn Hùng - Chủ nhiệm dự án, Giám đốc Viện KHLN Việt Nam, việc sử dụng các giống keo lai như TB1, TB11, BV75, BV33, keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell hiện nay vào trồng rừng sản xuất ở các địa phương đang còn hạn chế. Người dân chưa tiếp cận được các nguồn giống mới đã được công nhận và các địa phương chưa có mô hình trình diễn giống mới. Đây cũng là các mô hình trình diễn về trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, làm cơ sở phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ.
Nâng cao năng suất và giá trị kinh tế rừng
Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của Bộ NNPTNT hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 4-6%, từng bước đáp ứng nhu cầu về gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Ngoài việc cải tạo hệ sinh thái rừng, cải thiện tiểu khí hậu, đất đai nơi trồng, hạn chế dòng chảy chống xói mòn, trả lại một lượng cành khô, lá rụng cho đất.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện KHLN Việt Nam, tùy theo các lập địa khác nhau, năng suất rừng trồng của các loài cây keo lai và keo tai tượng được tuyển chọn rất khác nhau. Với các giống keo lai, năng suất có thể đạt từ 15 – 35m3/ha/năm; các giống keo tai tượng, năng suất có thể đạt 20 - 36 m3/ha/năm.
Riêng các giống keo lai BV33, BV75, TB1, TB11, keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell cho năng suất có thể đạt từ 20-25m3/ha/năm trên các lập địa tốt ở vùng Đông Nam Bộ; trong khi đó năng suất của rừng trồng keo từ giống đại trà chỉ đạt 12-15m3/ha/năm. Ngoài việc cho năng suất gỗ cao, các giống keo còn có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại, ít cành nhánh, chất lượng gỗ đáp ứng được công nghiệp sản xuất đồ mộc và gỗ xẻ phục vụ xây dựng.