TTVH Online

Ai là người đầu tiên chế ra diều sáo?

Phong Cầm 24/03/2015 08:00 GMT+7

Nếu “múa rối nước” là trò chơi dân gian đặc sản của Việt Nam thì thả diều, chọi diều với các loại diều không thể không là một kiểu “múa rối trên không”, trong đó phải kể đến loại diều sáo vi vu vô cùng hấp dẫn. Nhưng, ai là người đầu tiên chế ra con diều sáo?

Thả diều, trước hết là trò chơi của trẻ em, thường do các em tự làm, nên đơn sơ, nhỏ, chỉ bay ở độ cao khoảng đôi ba chục mét. Tuy nhiên, năm nào gió bấc thổi mạnh ngọn tre, người lớn cũng tham gia với những con diều chẳng những rất to, đẹp mà còn làm cho cả làng, cả xóm đều hân hoan vui vẻ.

Thả diều, nghệ thuật múa rối trên không

Bán diều dạo. (Ảnh: NHH)

Chỉ cần nhìn cánh diều ẩn hiện tuốt trên trời mây là đã thấy tâm hồn mình lâng lâng bay bổng. Nhưng độc đáo là vào những ngày Tết, người ta còn có sáng kiến làm một con chim én (sau, có làm thêm hình máy bay), nó “tung cánh” theo “đường bay” chỉ định là sợi dây diều. Chim giấy bay cao thẳng lên, thẳng lên mây, cho đến khi đụng mối dây lèo gần sát diều thì rải giấy “chúc mừng năm mới” xuống, tủa ra đầy trời, trông rất đẹp mắt. Mãi mươi, mười lăm phút sau mới thấy giấy xuống tới đọt cây, lượn qua lượn lại như vui đùa giỡn hớt.

Người ta tranh nhau đón lấy, đem về treo lên cành mai, xem như ẵm gọn ba ông “Phước, Lộc, Thọ” vào nhà! Thật thú vị! Tiếc là sáng kiến độc đáo này của người An Giang chỉ được chơi có vài mùa rồi tự ý dẹp bỏ, vì thời ấy chiến sự đang diễn ra khá ác liệt, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho bầu trời!

Diều giấy truyền thống. (Nguồn: Internet)

 

Thay vì chơi loại diều thả giấy "phước, lộc, thọ", người ta quay sang chơi diều sáo, bằng cách gắn một loại “ống sáo” đặc biệt trên diều (hoặc con thuẫn, giống như diều, nhưng to hơn và không có đuôi). Gió thổi, phát ra âm thanh vi vu, gọi sáo diều. Cả một vùng quê được nghe tiếng sáo xuân vi vu từ trời cao với những âm thanh thánh thiện.
Diều sáo truyền thống. (Nguồn: Internet)
Nếu “múa rối nước” là trò chơi dân gian đặc sản của Việt Nam thì thả diều, chọi diều không thể không là một kiểu “múa rối trên không” vô cùng hấp dẫn, đến mức “chú Tễu”, nhân vật con rối tiêu biểu của sân khấu múa rối nước đã phi thân lên trời hòa mình với cả một “rừng diều” nào bướm, chim, rồng, ngựa, chuồn chuồn, bạch tuột… Có cả hình ảnh những nhân vật lịch sử, huyền thoại như Hai Bà Trưng, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh… Vui ơi là vui!
Bộ tem bưu chính Rối nước Việt Nam - Chú Tễu. (Ảnh: ST)

Những cánh diều quả thực là rất trí tuệ, vừa mỹ thuật, vừa nghệ thuật, đã sớm trở thành môn chơi mang tính văn hóa cao, hiện đang được phát triển rộng và giao lưu tại nhiều nước trên thế giới. Đầu thập niên 90 thế kỷ trước, thả diều đã trở thành môn chơi mang tính quốc tế: tháng 9/1992 một giải vô địch thả diều châu Âu được tổ chức tại Middelburg (Hòa Lan); giải vô địch thả diều quốc tế được tổ chức tại Nhật giữa tháng 3, rồi sau đó ở Montpellier Dieppe (Pháp), Ostende (Bỉ)… Việt Nam là một trong những thành viên tích cực trong những cuộc thả diều quốc tế, đặc biệt tại thành phố biển Dieppe (từ ngày 10 đến 18/9/1994), các cánh diều nghệ thuật của Câu lạc bộ thả diều Huế đã có dịp tung bay trên bầu trời nước Pháp.

Việt Nam cũng đã tổ chức thành công nhiều “Liên hoan diều” quốc tế, như Liên hoan Diều lần thứ 5 diễn ra tại Vũng Tàu năm 2014 vừa qua với chủ đề "Bay cùng Việt Nam", có khoảng 75 nghệ nhân diều đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Canada, Đức, Thụy Điển, Australia, New Zealand, Bỉ, Italy, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand... Riêng Việt Nam có 6 đoàn với 80 nghệ nhân diều đại diện cho ba miền tham dự, được xem là lớn nhất từ trước đến nay.

Festival Diều quốc tế - Vũng Tàu, 2014. (Nguồn: Internet)

 

Để chơi diều được sôi nổi, hào hứng, tại một số nơi người ta còn tổ chức cuộc thi “chọi diều”, có thể lệ, giải thưởng và tất nhiên cũng có Ban Giám khảo chấm thi đàng hoàng, nhưng không cần thiết phải có trọng tài.

Do diều dự thi cũng mang màu cờ sắc áo của địa phương nên ngoài thành phần khán giả hâm mộ, lực lượng cổ động viên cũng có mặt tại điểm tổ chức. Cách thi đấu, tùy quy định từng nơi, nhưng thường thì trước giờ giao đấu, từng cặp diều được thả bay sóng đôi, đồng thời tên những người điều khiển cũng được yết bảng để khán giả tiện theo dõi. Tuy điều lệ không bắt buộc “hạng cân”, nhưng để phô trương, “hớp hồn” đối phương, và tất nhiên “vận động viên” có thể lực thì sẽ giành được nhiều ưu thế hơn trong thi đấu, nên ít ai quan tâm chăm chút trang trí mỹ thuật như diều thả, mà chỉ cố làm cho diều mình to, lanh lẹ và nhất là phải “kiên cố”.

Diều chọi cũng khác hơn diều thả là phải tung hoành chao lượn, càng lăng xăng càng hay, càng nghinh ngang càng tốt, do đó, để “đi mây về gió”, người ta gắn cho 3 cái đuôi theo bí quyết riêng, cốt làm sao cho “cân bằng đường bay” mỗi khi cần vọt thẳng lên, chém vè hoặc đâm bổ xuống (miễn đừng xuống đất luôn).

Khi nắng vừa bớt gắt, lúc mà người ta có thể ngửa mặt lên theo dõi cuộc chơi không bị chói, thì Ban Tổ chức cho đánh “trống tựu” một hồi ba dùi để mọi người chuẩn bị, khởi động. Khoảng 15 phút sau, sáu tiếng trống lệnh nổi lên, hai người điều khiển bắt đầu nhổ cọc, phăng bớt dây cho diều hạ thấp xuống. Lúc này con nào cũng đảo lượn khá ngoạn mục.

Tuy xem chọi diều giữa trời cao lồng lộng, nhưng khán giả cũng phải cùng lúc xem cung cách của những người điều khiển trên sân. Các điệu bộ chạy, nhảy, phăng dây, xả dây… đều rất nghệ thuật, hấp dẫn và hào hứng.

Diều đẹp như vậy, vui và hấp dẫn như vậy, nhưng...

... ai là người đầu tiên chế ra sáo diều?

Theo sách “Tiềm xác thư”, có ghi lại trong “Vân đài loại ngữ” thì diều do ông Hàn Tín, người nước Sở làm ra (khoảng thế kỷ II Tr CN), tính đến nay, con diều giấy đã được trên 2.000 tuổi. Có người cho rằng ông Hàn Tín chỉ là người đưa con diều của dân gian vào mục đích quân sự. Sau này các nước Nga, Anh, Pháp cũng dùng vào mục đích ấy trong khoảng thời gian 1903 đến 1918. Khi ngành hàng không phát triển, con diều của dân gian trả về cho dân gian.

Ngay từ thời thượng cổ, người ta đã khẳng định chơi diều rất có ích. Như ông Lê Quí Đôn từng nói: “Xem đó, ta đủ thấy cổ nhân làm đồ chơi nhỏ mọn như thế cũng có ý nghĩa lắm”.

Đến giữa thế kỷ XV, đời Lê Nhân Tông (1443 – 1459), ông tổ toán học nước ta là Lương Thế Vinh đã có chế ra diều văng, tức là diều có phát ra âm thanh – thuỷ tổ của diều sáo – bằng cách dùng một sợi mép mỏng của bẹ cây chuối, căng thẳng giữa hai đầu cung, tức sườn tre của diều, tuỳ gió thổi mạnh hay nhẹ mà dây chuối rung, phát ra tiếng kêu to hay nhỏ. Như vậy phải chăng ông Lương Thế Vinh là tổ của môn chơi diều sáo ở nước ta (?).
Nguyễn Hữu Hiệp
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN