TTVH Online

Khi nông dân nhận cổ tức từ hợp tác xã

Phong Cầm 05/05/2015 08:23 GMT+7

Tham gia với tư cách là cổ đông, được hưởng cổ tức do hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, giúp đỡ nhau trong liên kết, nhưng vẫn tự chủ trong sản xuất kinh doanh… là các lợi ích của nông dân khi tham gia vào hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới.

Nông dân được nhận cổ tức

Những tưởng chỉ có những người đang làm việc trong các công ty hay các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán mới được hưởng cổ tức, nhưng với những nông dân ở Đồng Tháp lại khác, khi họ vẫn có cổ tức và ở mức rất cao. Là cổ đông HTX Tân Cường, có 9ha đất trồng lúa trong cánh đồng liên kết, ông Huỳnh Thanh Thao ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông cho biết: “Tham gia vào HTX, chúng tôi được cung cấp các loại vật tư nông nghiệp với giá gốc, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với cam kết được hỗ trợ thêm 200 đồng/kg. Vụ đông xuân và hè thu vừa qua, gia đình tôi lãi hơn trăm triệu đồng. Với mức cổ tức dự kiến là 70.000 đồng/cổ phần, tôi có thêm 14 triệu đồng nữa”.

 Dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên với giá rẻ của HTX Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Ảnh: T.X
Một cổ đông khác là ông Trần Văn Hướng (sở hữu 17ha đất lúa ở xã Phú Cường) cho hay: “Khi tham gia cánh đồng mẫu lớn của HTX Tân Cường, cứ mỗi ha đất trồng lúa, chi phí đầu vào sẽ giảm 1-2 triệu đồng/vụ. Trong khi năng suất lúa cũng đạt cao hơn, từ 7-8 tấn/ha, chất lượng lúa tốt, bán được giá nên lợi nhuận đầu ra cho sản phẩm cũng tăng 3-5 triệu đồng/ha/vụ”. Cộng chung hai khoản này, mỗi ha lúa gia đình ông Hướng lãi thêm từ 4-7 triệu đồng/vụ. Trừ chi phí, vụ hè thu vừa qua, ông Hướng lời được khoảng 25 triệu đồng/ha. Như vậy, với diện tích 17ha đất trồng lúa, ông đã bỏ túi 425 triệu đồng. Cũng giống như ông Thao, ngoài thu nhập từ lúa, ông Hướng còn có 500 cổ phần trong HTX với mức cổ tức 70.000 đồng, tức ông bỏ túi thêm 35 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Trãi - Giám đốc HTX Tân Cường cho biết, với cách làm ăn kiểu mới này, HTX có thể dễ dàng ký được hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào giá ưu đãi và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp xuất khẩu gạo. “Đến nay, chúng tôi đã liên kết với Công ty Võ Thị Thu Hà được 3 năm. Điểm nổi bật trong thực hiện mô hình liên kết là người nông dân không lo lắng đầu ra sản phẩm, giá bán lại cao hơn thị trường 200 - 300 đồng/kg, người sản xuất rất phấn khởi. Qua đó, người nông dân đã có thể quyết định được giá sản phẩm làm ra, không phải chịu cảnh trôi nổi như thời gian thiếu liên kết” - ông Trãi nói.

Nói về mối liên kết này, ông Đoàn Văn Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà cho biết, phương thức liên kết cần đảm bảo, từ khâu triển khai hợp đồng liên kết sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo phải được sự đồng ý từ HTX cho đến người nông dân để họ biết được yêu cầu của gạo xuất khẩu, tiêu chuẩn như thế nào và chất lượng ra sao. Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của doanh nghiệp, hai bên sẽ có tiếng nói chung, sẻ chia về mặt lợi ích và định hướng sản xuất để có hiệu quả nhất. “Việc liên kết với các HTX uy tín như HTX Tân Cường sẽ giúp cho doanh nghiệp yên tâm về chất lượng lúa, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và luôn đạt tiến độ kế hoạch xuất khẩu nên có đưa ra giá thu mua cao hơn giá thị trường cũng hoàn toàn hợp lý” - ông Hiền nói.

Khi hợp tác xã là cầu nối…

Theo ông Nguyễn Văn Trãi, nếu năm 2013 các xã viên được chia cổ tức 65.000 đồng/cổ phần, thì sang năm 2014, HTX Tân Cường chia cổ tức tăng lên 70.000 đồng/cổ phần (mệnh giá 120.000 đồng/cổ phần), tương đương hơn 58%/mệnh giá, cao hơn so với tỷ lệ cổ tức của nhiều công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của các thành viên HTX là 3 triệu đồng, xã viên được trả lãi theo cổ phần dao động từ 3,8 - 4,2%/tháng.

Ông Lê Quang Cường- Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, thống kê mới nhất cho thấy, ở Đồng Tháp có trên 1.000 tổ hợp tác (THT), 170 HTX nông nghiệp. Dù sản xuất ra nhiều nông sản có thương hiệu thật nhưng câu chuyện ám ảnh nhất với nông dân là được mùa mất giá và ngược lại, luôn là vấn đề trăn trở không chỉ của riêng nông dân mà còn là thách thức lớn của cả hệ thống chính quyền các cấp. Tuy nhiên, từ khi mô hình sản xuất gắn với doanh nghiệp tiêu thụ ra đời, mà HTX đứng ra làm cầu nối thì “bài toán” trên ở một số địa phương của Đồng Tháp cơ bản được giải quyết. “Từ những thành công ở các HTX này cho thấy, việc thay đổi được cách nghĩ, cách làm cho người nông dân là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại trong sản xuất nông nghiệp” - ông Cường nói.

Với thành công của một số mô hình HTX, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đúc kết kinh nghiệm để xây dựng nhân rộng, chọn 13 HTX, 3 THT tiên tiến gắn với vùng chuyên canh nông sản đặc thù của tỉnh. Các HTX này được đánh giá hoạt động có hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho thành viên HTX và các hộ nông dân. Trong đó nổi bật phải kể tới HTX sản xuất và tiêu thụ xoài Mỹ Xương liên kết tiêu thụ với các công ty tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội có giá cao hơn thị trường tại cùng thời điểm từ 3.500 – 5.000 đồng/kg và được cấp mã số vùng trồng để phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, còn có HTX ớt Thuận Phong, HTX quýt hồng Lai Vung… đều ký kết với nhiều doanh nghiệp lớn trong cả nước. Trước mắt, các mô hình HTX, THT, các hình thức liên kết sản xuất gắn với cây, con đặc sản đang cho thấy những thành công ban đầu và hiệu quả hơn nhiều so với không liên kết ở Đồng Tháp.

Theo ông Đoàn Trí Vững - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, HTX và THT đã phát huy vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hoá. Đồng thời, từng bước hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn. Những HTX này đã tự tìm cho mình những hướng mới, chủ động ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm.

 Ông Đoàn Trí Vững cho biết: “Để phát huy thế mạnh của HTX, THT, chúng tôi đang triển khai đề án đào tạo chính cán bộ ngành nông nghiệp về làm giám đốc hoặc phó giám đốc cho các HTX trong thời gian 3 năm. Họ có nhiệm vụ thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người nông dân khi tham gia vào HTX. Khi HTX đã hoạt động hiệu quả, các cán bộ này sẽ quay về với công việc cũ của họ. Ngoài ra, tỉnh cũng có chính sách thu hút các cử nhân về tham gia tổ chức của HTX để giúp HTX hoạt động hiệu quả. 

Rà soát, sắp xếp lại mô hình HTX

Tại nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2015 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ NNPTNT phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền mô hình HTX kiểu mới. Khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định về HTX nông nghiệp trong tháng 5 năm 2015. Bộ NNPTNT cũng phải phối hợp với các địa phương chỉ đạo rà soát, tổ chức, sắp xếp lại mô hình HTX phù hợp với Luật HTX năm 2012.

Lê Sơn
Tạo “động lực kép” trong nông nghiệp

 Phát biểu tại một buổi tọa đàm mới đây về HTX kiểu mới, GS -TS Nguyễn Thiện Nhân- Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho rằng, HTX kiểu mới sẽ tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp Việt Nam, vì nó tạo ra sự tương tác đồng hướng của 4 lợi ích: Lợi ích của hơn 10 triệu hộ nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích các nước giao thương với Việt Nam. 

GS -TS Nguyễn Thiện Nhân nêu ra những giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp Việt Nam, trong đó nhấn mạnh, HTX kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, phát triển nông nghiệp Việt Nam, vì nó vừa duy trì sự quan tâm, nỗ lực sáng tạo cao nhất của từng hộ nông dân (trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá...) và họ vẫn là người chủ đầy đủ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo ông, cần tổ chức khảo sát về HTX kiểu mới ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và phía Nam. Trên cơ sở mô hình của các HTX chăn nuôi hoạt động hiệu quả, tổ chức tổng kết và vận động thành lập các HTX chăn nuôi kiểu mới; phấn đấu cuối năm 2015 có một số HTX chăn nuôi kiểu mới ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam. 

Phi Long

Giải quyết dứt điểm tài sản thế chấp

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, cần phải có chính sách đột phá về tín dụng cho HTX. Theo Nghị định 193 thì có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX nhưng lại quy định ưu tiên theo cơ chế hiện hành. “Việc xác định theo cơ chế hiện hành là vô cùng khó nên các HTX không phải dễ để vay được vốn. Do đó, Bộ NNPTNT muốn xây dựng một nghị định mới, sát hơn, phù hợp hơn cho HTX. Suốt 20 năm tôi ngồi ở Bộ NNPTNT, đến giờ vẫn thấy người dân và HTX kêu khó về vốn. Nếu không có cơ chế đột phá, 20 năm sau người dân vẫn kêu về vấn đề vốn” - ông Phát nói. Ông Phát cũng cho rằng, cần phải có một chính sách mới để xử lý dứt điểm về thế chấp, nếu không thì HTX chẳng bao giờ vay được vốn. Lý giải điều này, Bộ trưởng  cho biết: “Các HTX trong nông nghiệp không có tài sản để thế chấp vay vốn, không có đất để làm cơ sở chế biến, tiêu thụ và làm trụ sở; quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu; chính sách hỗ trợ thực hiện được ít; công tác theo dõi, hỗ trợ HTX chủ yếu là liên minh HTX... Do đó, Bộ NNPTNT đang sự kiến thành lập quỹ bảo lãnh HTX”.

Phương Vy



Thanh Xuân
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN