TTVH Online

Làng gốm cổ Phước Tích “vượng khí” nơi 12 bến nước…

Phong Cầm 02/10/2015 11:13 GMT+7

Làng Phước Tích thuộc xã Phòng Hòa, huyện Phong Điền, cách thành phố Huế khoảng 40km về phía Bắc - một ngôi làng cổ bên bên dòng sông Ô Lâu của dẻo đất miền Trung, xưa nổi tiếng thuyền xe tấp nập, phong cảnh hữu tình và nghề gốm Phước Tích.

Theo gia phả còn giữ lại của các dòng họ trong làng cổ Phước Tích, vào khoảng thế kỷ XV, Thương tướng quân, cẩm y vệ Hoàng Minh Hầu phò vua Lê Thánh Tông tiến vào Hóa Châu, thấy địa thế “vượng khí” của Phước Tích do sông Ô Lâu mang lại mà chiêu mộ nhân dân lập ấp.

Vì dòng sông Ô Lâu ôm trọn quanh làng, nên có đến 12 bến nước để đi lại, với những bến Dinh, bến cây Dừa… gợi cho chúng ta nhớ về những cô gái làng trong câu ví “thân gái 12 bến nước” và cũng để nhắc về một thời trên bến dưới thuyền “nhất cận thị, nhị cận giang” của ngôi làng này.

Ở làng có nghề làm gốm và gốm Phước Tích đã một thời nổi tiếng, từng là sản phẩm tiến vua ở triều Nguyễn. Hiện nay tại ngôi làng cổ Phước Tích vẫn còn nghề sản xuất gốm, nhưng chủ yếu là phục vụ khách du lịch tham quan, mua sắm. Nhìn những bà, những mẹ tuy lớn tuổi vẫn làm ra những sản phẩm gốm mềm mại, hình dáng đa dạng mới thấy được truyền thống lâu năm của nghề gốm Phước Tích.

Theo những hàng rào chè tàu xanh mượt, đi một vòng quanh khắp con đường, ngõ xóm mới cảm nhận được sự bình yên, sâu lắng của làng cổ Phước Tích, với những ngôi nhà thờ họ hàng trăm năm tuổi như còn mãi với thời gian bên dòng sông Ô Lâu.

Những Bến Dinh, bến cây Dừa...  với dòng sông Ô Lâu bao bọc quanh ngôi làng cổ.

Những  ngôi  nhà  rường cổ, cửa bức bàn trong làng Phước Tích.

Hàng rào làm bằng cây chè tàu xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng.

Gốm làng Phước Tích xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVI,  nay  các bà, các mế vẫn sản xuất để phục vụ khách du lịch thăm quan, mua sắm.

Những nét bình dị đời thường đáng yêu ở làng.

Cổng và khuôn viên của một nhà thờ họ trong số các ngôi nhà cổ ở làng.

Tìm lại dấu xưa.

Bài, ảnh: Hoàng Tuấn
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN