Từ thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, sau 5 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang làm lúa chất lượng cao, rau an toàn, trồng rau sạch..., đến nay tại các huyện ngoại thành của Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn với diện tích đã lên đến trên 5.100ha, giá trị sản xuất lên tới hàng tỷ đồng/ha.
Tăng 3 – 5 vụ/năm
Ông Nguyễn Duy Hồng – Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội cho biết: Để thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) trên địa bàn thành phố, chi cục tham mưu với Sở NNPTNT trình UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định số 2083 về việc phê duyệt “Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT TP.Hà Nội giai đoạn 2009 - 2015”.
Trồng rau sạch, người dân xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội đã tìm được đầu ra... Ảnh: Trần Quang
Theo đó, chi cục đã phối hợp các địa phương hướng dẫn, tư vấn lập 31 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng RAT tập trung với diện tích 2.197ha, có 10 dự án đã được đầu tư và đưa vào sử dụng; phối hợp chỉ đạo và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất đạt 4.931ha trong năm 2014, năm 2015 khả năng đạt 5.100ha (trong đó có 171ha rau VietGAP và 21ha rau hữu cơ).
Hiện Chi cục BVTV Hà Nội đã điều tra và khảo sát cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, thuốc sinh học chiếm khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc BVTV của nông dân thành phố giảm 50%, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái sản phẩm. Năm 2014, lượng thuốc BVTV sử dụng trên các cây trồng (trong đó có rau) là 360 tấn, chỉ chiếm 0,3% so với toàn quốc là 116.582 tấn. Tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép thấp (hàng năm phân tích 300-1.000 mẫu rau, chỉ có khoảng 1% số mẫu vượt ngưỡng).
Sau 5 năm triển khai, năng suất rau đã tăng 18% (năm 2009, năng suất đạt 17 tấn/ha/vụ, năm 2014, năng suất đạt 20 tấn/ha/vụ), sản lượng đạt 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng, giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm.
“Riêng tại các vùng trồng rau trái vụ tăng thêm 3-5 vụ/năm (rau cải 5 vụ, su hào 3 vụ), giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, có diện tích đạt 2 tỷ đồng/ha/năm như Yên Viên (Gia Lâm). Tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm. Giá trị sản xuất RAT cao hơn sản xuất rau thường từ 10-20%” –ông Hồng nhấn mạnh.
Gắn tem nhận diện rau an toàn
Theo Chi cục BVTV Hà Nội, để đảm bảo thương hiệu, chi cục đã cho xây dựng 8 cơ sở sơ chế RAT gắn với vùng sản xuất tập trung công suất 3-7 tấn/ngày ở các xã Văn Đức (Gia Lâm), Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì), Thanh Đa (Phúc Thọ), Tiền Lệ (Hoài Đức), Nam Hồng (Đông Anh)...; 42 cơ sở sơ chế nhỏ của các HTX, doanh nghiệp công suất 200 - 1.000 kg/ngày.
Theo Chi cục BVTV Hà Nội, trong thời gian tới, Chi cục sẽ đề xuất xây dựng ”Dự án chuỗi cung cấp RAT cho TP.Hà Nội” để từng bước đáp ứng nhu cầu RAT cho người tiêu dùng ở Thủ đô và các tỉnh bạn. |
Để truy xuất nguồn gốc, từ năm 2011 chi cục đã thí điểm gắn tem, nhãn nhận diện RAT bán buôn ở xã Văn Đức (Gia Lâm), năm 2012 nhân rộng gắn tem, nhãn nhận diện RAT bán lẻ ra các vùng: Duyên Hà (Thanh Trì), Thanh Đa (Phúc Thọ)... Đến năm 2014 có 40 cơ sở dán tem nhận diện, mỗi cơ sở được cấp 1 mã số, sản phẩm dán tem được đưa đi tiêu thụ rộng rãi ở Hà Nội và các tỉnh, được doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá cao.
Từ kết quả thí điểm gắn nhãn, tem nhận diện RAT, Chi cục BVTV Hà Nội lập hồ sơ đăng ký “Nhãn hiệu chứng nhận RAT Hà Nội” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đến nay, các doanh nghiệp tự in, gắn tem, nhãn nhận diện sản phẩm để phát triển thương hiệu.
Hoạt động sản xuất RAT ở Hà Nội đã hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc. RAT được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 hợp tác xã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị với sản lượng gần 20.000 tấn/năm.
Ông Vũ Văn Nhàn – Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, mô hình trồng RAT, trồng rau sạch là một trong những nét nổi bật của huyện sau 5 năm xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Thanh Trì đã xây dựng được vùng RAT tại hai xã Yên Mỹ, Duyên Hà với diện tích 56ha... Nhìn chung các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cấy lúa, nâng thu nhập lên trên 30 triệu đồng/người/năm trên toàn huyện.