Giá cao su sụt giảm liên tục và chỉ còn hơn 1.000USD/tấn. Hiện giờ, nhiều chủ vườn không dám thuê người cạo mủ bán vì sợ lỗ, thậm chí chặt bỏ để trồng cây khác.
Chủ yếu xuất thô
GS-TS Nguyễn Việt Bắc (Viện Hoá học vật liệu)- Chủ nhiệm Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về khoa học công nghệ vật liệu cho biết, năm 1950, tổng sản lượng cao su tự nhiên trên toàn thế giới là gần 2 triệu tấn, đến năm 2000 tăng lên hơn 6,8 triệu tấn và sau năm 2010 đã vượt hơn 10 triệu tấn.
Ở nước ta, từ năm 1989 - 1975, cao su chủ yếu được trồng ở các tỉnh phía Nam với sản lượng cao nhất là 80.000 tấn (1961). Sau giải phóng, nhờ nguồn vốn vay 800 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB), diện tích cao su đã có bước phát triển rất nhanh.
Giá cao su xuống thấp, người trồng cao su chịu tác động nhiều nhất. Ảnh: Thanh Xuân
Theo Bộ NNPTNT, hiện diện tích cao su cả nước đã vượt so với quy hoạch hơn 155.700ha, trong đó vùng Đông Nam Bộ vượt trên 135.000ha, chủ yếu do dân tự chuyển đổi cây trồng khác (mía, sắn, điều...) sang trồng cao su, vì đây là vùng cao su dễ trồng, năng suất cao. Về sản lượng mủ, theo Bộ NNPTNT, năm 2013 đã đạt hơn 1 triệu tấn. Năm 2015, diện tích cao su cho khai thác đã đạt 600.000ha nhưng do giá mủ rớt tới “đáy” nên người trồng giảm khai thác, dẫn tới sản lượng chỉ đạt hơn 1 triệu tấn, chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2014.
GS Bắc cho rằng, về năng suất, cao su của Việt Nam cũng đứng hàng đầu thế giới, trung bình đạt 1,7 tấn/ha nhưng điểm yếu nhất là công nghệ chế biến còn yếu, khối lượng cao su đưa vào sản xuất trong nước suốt thập kỷ qua chưa bao giờ vượt quá 20% sản lượng.
Mặc dù mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng triệu tấn cao su, nhưng chủ yếu xuất ở dạng thô, sau đó lại phải nhập về khoảng 300.000 tấn cao su phục vụ chế biến. Nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh, cao su trong nước không đồng đều về chất lượng nên nhiều khi giá rẻ hơn, DN vẫn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài.
Sản phẩm kém
"Tổng sản lượng cao su hơn 1 triệu tấn, sử dụng trong nước khoảng 150.000 -170.000 tấn (khoảng 17 – 18%). Xuất khẩu cao su chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên khi có rủi ro xảy ra, ngành cao su Việt Nam sẽ gặp khó khăn và khổ nhất vẫn là nông dân”. GS - TS Nguyễn Việt Bắc. |
Theo Viện Hoá học vật liệu, công nghiệp chế biến cao su của Việt Nam hiện nay có trình độ ở mức trung bình của thế giới, trong đó các DN phần lớn là vừa và nhỏ. Các đơn vị của Nhà nước phần lớn chỉ sản xuất săm lốp và một số sản phẩm cao su kỹ thuật.
“Điểm yếu của chúng ta là cơ cấu sản xuất cao su hiện nay quá thiên về săm lốp nên cạnh tranh kém. Trong khi việc chế biến các sản phẩm nhỏ hơn như găng tay cao su y tế, các chi tiết đệm của phụ tùng với thị phần rất lớn thì các DN trong nước lại để dành phần béo bở này cho nước ngoài” - GS Bắc nói.
Cùng chung nhận định trên, TS Lưu Hoàng Ngọc – Phó Cục trưởng Cục Hoá chất cho biết, hiện Việt Nam có 99 DN sản xuất cao su, trong đó các DN nhà nước chỉ chiếm 11%, ngoài nhà nước 66% và FDI là 27% và chủ yếu là sản xuất lốp ô tô, xe máy, một phần nhỏ sản xuất dây cu-roa, ống cao su...
“Trung bình, mỗi năm Việt Nam phải nhập các loại linh kiện, hàng hoá từ cao su khoảng 600 triệu USD. Ngoài vấn đề chất lượng không đồng đều thì đa phần các DN sử dụng nguyên liệu nước ngoài là do trước đây giá cao su cao, các DN chỉ tính đến mang cao su đi bán ở nước ngoài để lấy ngoại tệ nên DN trong nước muốn mua cũng không có đủ hàng” – ông Ngọc phân tích.