Báo chí, khán giả cả nước đang dõi theo hành trình của đoàn làm phim “Kong: Skull Island” tại Việt Nam. Ai cũng thấy đây là cơ hội vàng để quảng bá Việt Nam qua điện ảnh. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là các cơ quan quản lý đã thực sự vào cuộc với sự kiện này hay chưa?
Dịp may hiếm có
Ngay khi thông tin đoàn làm phim “Kong: Skull Island-Đảo đầu lâu” sẽ sang Việt Nam để quay bộ phim thiên sử thi nổi tiếng toàn cầu, khán giả cả nước, đặc biệt là những người yêu điện ảnh đã háo hức, hồi hộp trông đợi. Họ trông chờ bởi nhìn thấy đây là cơ hội vàng để quảng bá du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh. Họ hồi hộp bởi những phong cảnh đẹp nhất của Việt Nam sẽ có mặt và được quảng bá trên toàn cầu, sẽ được nhiều khán giả thế giới biết đến và rộng hơn, là khách du lịch sẽ ước mong đến Việt Nam sau khi xem xong bộ phim. Tuy nhiên rất nhiều ý kiến, câu hỏi từ các nghệ sĩ đặt ra rằng, cho dù đây là cơ hội vàng thì liệu các cơ quan quản lý đã thực sự vào cuộc hay chưa?
Cụ thể, Bộ VHTTDL đã không lên kế hoạch chi tiết cho việc đón tiếp đoàn làm phim để không chỉ khán giả trong nước biết mà ngay cả người Việt Nam ở nước ngoài và khán giả nước ngoài biết đến sự kiện này. Khi đoàn làm phim đến Hà Nội từ ngày 18.2, họ có 3 ngày nghỉ ngơi và khám phá, thưởng thức các món ăn Hà Nội, TP.HCM. Thế nhưng, trong 3 ngày ấy, Bộ VHTTDL không có sự đón tiếp hay một buổi giao lưu, trò chuyện nào với êkíp đoàn làm phim.
Khán giả có biết cũng là nhờ vào sự tuyên truyền tự phát của chính các báo, đài, chứ không phải từ chủ trương, kế hoạch của Bộ VHTTDL. Trong khi đó, nhìn sang nước bạn Thái Lan, họ có hẳn một chiến lược, kế hoạch cụ thể cho việc quảng bá du lịch mỗi khi có đoàn làm phim sang quay tại nước họ. Thái Lan, không chỉ đưa ra những chính sách, chế độ, ưu đãi với các êkíp đoàn làm phim Mỹ khi chọn bối cảnh và quay tại Thái Lan, mà còn đón tiếp đoàn làm phim rất chu đáo. Ngay khi đoàn làm phim có mặt tại thủ đô Bangkok, lãnh đạo của họ đã trải thảm đỏ nghênh đón.
Đoàn làm phim “Kong: Skull Island khảo sát bối cảnh tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: I.T
Tại Việt Nam, buổi họp báo để giới thiệu sự có mặt của đoàn phim danh tiếng này do Đại sứ quán Mỹ đứng ra tổ chức vào ngày 22.1, chỉ duy nhất ông Vương Duy Biên- Thứ trưởng Bộ VHTTDL có mặt và cũng chưa thực sự tỏ rõ được vai trò nước chủ nhà.
Khó cạnh tranh với nước bạn
Chia sẻ khi đoàn làm phim Kong: Skull Island đến Việt Nam, đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho biết: “Tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Bộ VHTTDL đã vào cuộc và làm các thủ tục thuận lợi nên họ mới vào để triển khai. Trước tiên, tôi thấy đây là cơ hội quá tốt để chúng ta được học hỏi, cọ xát, tiếp cận nền công nghiệp điện ảnh hiện đại và văn minh. Sau đó, chúng ta được quảng bá, hưởng lợi mà không mất chi phí. Tôi tin chắc, sau bộ phim này, sẽ có nhiều đoàn phim đến Việt Nam để quay. Điều này tạo điều kiện cho du lịch phát triển”. |
Tại Hàn Quốc, khi bộ phim Avengers: Age of Ultron được quay tại đây, họ đã mở toang cánh cửa để tiếp đón đoàn làm phim. Ngoài chuyện hỗ trợ tối đa kinh phí cho đoàn làm phim như hậu cần, tài chính, các nhà sản xuất phim quốc tế tới Hàn Quốc sẽ nhận lại 30% chi phí họ bỏ ra khi thực hiện các cảnh quay tại đây. Hơn nữa, Chính phủ Hàn Quốc còn sẵn sàng đóng cửa một cây cầu lớn ở thủ đô Seoul suốt một ngày để đoàn làm phim thực hiện cảnh quay.
Chính phủ Hàn Quốc luôn thể hiện niềm tin rằng, chính sách hỗ trợ mạnh tay này sẽ tăng thời lượng trình chiếu vẻ đẹp của nước mình trên phim ảnh quốc tế, qua đó đẩy mạnh du lịch. Và kết quả đạt được là điều họ mong đợi. Hoặc như Thái Lan, con số thống kê của năm 2013 đã thu hút tổng cộng 717 sản xuất phim nước ngoài đến đất nước này để quay phim và số tiền thu về khoảng 2,17 tỷ baht.
Rõ ràng, khi có hẳn một chiến dịch quảng bá, truyền thông, bên cạnh chế độ, chính sách, ưu đãi, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản nhà nước thì lợi nhuận thu về từ việc quảng bá du lịch sẽ là con số khổng lồ không thể đếm được. Chính vì vậy sau những bài học bỏ lỡ hàng loạt cơ hội cho việc quảng bá du lịch nhờ điện ảnh, chúng ta cũng đã rút kinh nghiệm với đoàn làm phim “Kong: Skull Island”, khi họ thực hiện cảnh quay ở 3 địa điểm là đèo Đá Đẽo (Quảng Bình), Tràng An (Ninh Bình) và Hạ Long (Quảng Ninh).
Phía Việt Nam đã tạo cơ chế thoáng hơn trong khâu duyệt kịch bản, hay tại các tỉnh, địa phương cũng đã có sự hỗ trợ tối đa cho đoàn làm phim. Tuy nhiên, để chi mạnh tay như Hàn Quốc, Thái Lan thì đây vẫn là bài toán khó mà theo Cục trưởng Cục Điện ảnh, bà Ngô Phương Lan chia sẻ, dịch vụ phục vụ các đoàn làm phim của chúng ta còn kém. Nhiều nhà làm phim khi thực hiện làm phim ở Việt Nam phải tự đưa trang thiết bị vào trong khi chế độ chính sách ưu đãi cho dịch vụ này còn yếu, nên khó cạnh tranh với các nước bạn.
Đạo diễn, NSƯT Vũ Đình Thân chia sẻ: “Việc các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam quay phim quảng bá là một cơ hội bằng vàng mà nhiều nước có muốn cũng không được nếu họ không có lợi thế về cảnh quan. Tuy nhiên nếu chúng ta không biết tận dụng cơ hội mà để nó trôi qua thì rất lãng phí. Nếu chuyên nghiệp, chúng ta phải xây dựng được một kịch bản làm thế nào đó để tận dụng cho sự có mặt của đoàn phim quảng bá cho hình ảnh đất nước mình”.