Về việc Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc từ chối trả lời báo chí vụ FLC với lý do “bận tiếp khách”, nhiều bạn đọc rất bức xúc, đặt câu hỏi: Nếu cứ bận tiếp khách mãi như thế thì đến bao giờ công luận mới có được câu trả lời chính xác.
Nếu cứ “bận tiếp khách” mãi thì sao?
Một góc của FLC Vĩnh Thịnh Resort. Ảnh: I.T
"Việc ông Nguyễn Văn Trì - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc từ chối trả lời về vụ FLC vì “bận tiếp khách” cho thấy ông đã cố tình không cung cấp thông tin cho báo chí. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao ông Trì lại lảng tránh? Tôi cho rằng nếu việc cho phép FLC làm khu nghỉ dưỡng đúng pháp luật, công khai, minh bạch, thì ông Trì chẳng có gì mà phải lảng tránh. Cách ứng xử của ông Chủ tịch và một số lãnh đạo Sở với báo chí là thiếu trách nhiệm, khiến dư luận nghi ngờ. Phải chăng có uẩn khúc trong việc phê duyệt cho FLC? Có hay không việc được “bôi trơn”?"
Bạn đọc Đặng Đức Tiêm (TP. Hồ Chí Minh)
Đùn đẩy, quanh co là coi thường dư luận
"FLC “tiền trảm, hậu tấu”, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tự ý xây dựng khu nghỉ dưỡng khi chưa có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền là sai phạm rất lớn, nhưng vẫn được UBND tỉnh phê duyệt thì đúng là “có phép màu”. Để làm được việc này phải qua rất nhiều “cửa ải”, từ huyện đến Sở KHĐT, Sở NNPTNT, Sở TNMT... và cuối cùng là UBND tỉnh. Bây giờ báo chí muốn tìm hiểu thông tin để giải đáp những thắc mắc của dư luận, thì những người liên quan lại đùn đẩy, quanh co… Tôi nghĩ đó là thái độ coi thường dư luận."
Bạn đọc Phạm Hồng Hải (Thanh Bình, Thanh Liêm, Hà Nam)
Bao giờ mới có câu trả lời chính xác
"Suốt mấy ngày qua, chúng tôi liên tục theo dõi các bài viết phản ánh trên Báo NTNN và Điện tử Dân Việt về những sai phạm liên quan tới quản lý đất đai, xây dựng của tỉnh Vĩnh Phúc. Rõ ràng, giấy mời “Lễ khởi công giai đoạn 2” do đích thân ông Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Trì ký... vậy mà khi phóng viên đề nghị cung cấp những thông tin cần thiết liên quan đến sự việc trên thì ông Trì lại từ chối một cách khó hiểu. Rồi người ủy quyền cũng không nắm được hết nội dung mà trả lời. Cứ “đá bóng” như thế, cứ lần nào cũng nói “bận họp” như thế thì đến bao giờ công luận mới có được câu trả lời chính xác?"
Bạn đọc Lê Viết Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội)
Nên có quy định hợp lý hơn việc trả lời báo chí
"Việc Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc trốn trách nhiệm trả lời với PV, tôi thấy rất phổ biến trong xã hội những năm qua. Nhà nước nên có sự chỉnh đốn theo hướng bắt buộc đối với những người có chức, có quyền ở các cấp địa phương dành một thời gian nhất định trong tuần, trong tháng để trả lời trực tiếp cơ quan ngôn luận và những khiếu kiện của dân, khiếu nại, tố cáo của công dân. Có vậy mới đúng là vì dân, vì nước. Và nếu làm được việc này, nhiều vấn nạn tiêu cực sẽ được dập ngay từ cơ sở, địa phương sẽ không có kiểu phình rộng, kinh doanh đất nông nghiệp của nông dân như Tập đoàn FLC này!”
Bạn đọc Phạm Văn Nguyên (Gia Viễn, Ninh Bình)
Vi phạm luật?
"Trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí được quy định rất cụ thể trong Luật Báo chí; Nghị định số: 51/2002/NĐ-CP và Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước là người phát ngôn có thể trực tiếp phát ngôn hoặc giao nhiệm vụ, ủy quyền cho người thuộc cơ quan hành chính phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (khoản 1, Điều 5 Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí); Người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí (Điều 4 Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí). Nếu thực sự bận, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc có thể ủy quyền cung cấp thông tin hoặc hẹn lịch làm việc với phóng viên. Nhưng viện cớ tiếp khách để từ chối cung cấp thông tin cho báo chí là vi phạm pháp luật. Người đứng đầu của một tỉnh mà không chấp hành pháp luật là không thể chấp nhận được".
Bạn đọc Tạ Xuân Phong (sinh viên Đại học Luật Hà Nội)