TTVH Online

Nhân chuyện đại hội cổ đông bất thường của LienVietPostBank

Phong Cầm 10/06/2016 14:01 GMT+7

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) vừa thông báo họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường vào ngày 2.7 tới. Nội dung ĐHĐCĐ bất thường lần này chủ yếu về nhân sự. Tuy nhiên, nhiều cổ đông tỏ ra không hài lòng khi LienVietPostBank thiếu minh bạch trong việc công bố thông tin và báo cáo tài chính…

Lợi nhuận giật lùi

Nhiều cổ đông nhỏ lẻ không khỏi băn khoăn về những biến động nhân sự cấp cao có liên quan tới kết quả kinh doanh của ngân hàng trong những năm qua.

Nhìn vào kết quả lợi nhuận trong 5 năm qua, LienVietPostBank cho cổ đông thấy họ đang đi ...“giật lùi”.

Năm 2011, ngân hàng đạt 1.086 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Năm 2012 mức lợi nhuận chỉ còn 967 tỷ đồng. Năm 2013 là 664 tỷ đồng. Năm 2014 chỉ còn 535 tỷ đồng và tới năm 2015 chỉ còn 422 tỷ đồng.

Nếu chiếu theo mục tiêu đặt ra hồi đầu năm 2015 là lợi nhuận trước thuế đạt 936 tỷ đồng thì LienVietPostBank chỉ hoàn thành 45,1% kế hoạch.

Sự sụt giảm về lợi nhuận đã kéo theo sự cắt giảm về cổ tức đối với cổ đông. Nếu như từ năm 2013 trở về trước, mức cổ tức của LienVietPostBank luôn duy trì ở mức 10% bằng tiền mặt thì đến năm 2014, ngân hàng này bất ngờ cắt giảm xuống còn 6% so với kế hoạch ban đầu.

Năm 2015 LienVietPostBank tiếp tục cắt giảm tỷ lệ chia cổ tức xuống còn 4,5%, Nếu so với mặt bằng lãi suất huy động 13 tháng của hệ thống ngân hàng hiện nay là khoảng 7,5%/năm, thì cổ đông quá thiệt thòi vì lợi nhuận đầu tư vào ngân hàng không bằng đem tiền gửi ngân hàng.

Điều đáng nói, bản thân LienVietPostBank cũng không minh bạch trong việc công bố kết quả hoạt động của ngân hàng. Mặc dù ghi rõ “Các thuyết minh từ trang 10 đến trang 60 là một bộ phận hợp thành của báo cáo tài chính”, nhưng LienVietPostbank lại không công bố đầy đủ báo cáo tài chính, mà chỉ công bố 10 trang đầu tiên gồm Bảng cân đối kế toán Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (?)

Đây không phải là lần đầu ngân hàng này “ém” thông tin phần thuyết minh trong báo cáo tài chính. Trước đó, báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014 và báo cáo tài chính năm 2014, nhà băng này đã từng “giấu” thông tin với cách tương tự.

Thất vọng “giấc mơ 100 năm”

Câu chuyện của LienVietPostBank còn là sự thiếu minh bạch thông tin trong kế hoạch thực hiện “giấc mơ Thánh Gióng” của mình. Năm 2011, Ngân hàng Liên Việt và Công ty Dịch vụ tiết kiệm Bưu điện (VPSC) đã thực hiện sáp nhập và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) ra đời từ đó. Việc sáp nhập này được lãnh đạo LienVietPostBank kỳ vọng sẽ mang lại số điểm giao dịch mong muốn của ngân hàng này lên tới… 10.000 điểm.

Giá trị của 10.000 điểm giao dịch – tận dụng từ số điểm bưu điện văn hóa xã vốn có – từng được ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, thừa nhận là nếu không có sự sáp nhập giữa hai đơn vị, thì với tốc độ phát triển mạng lưới như hiện nay phải mất cả…100 năm mới thiết lập được.

LienVietPostBank kỳ vọng sẽ trở thành ngân hàng có hệ thống mạng lưới rộng nhất, có mặt tại những xã vùng sâu, vùng xa nhất của Việt Nam. Đó cũng là lý do chính để LienVietBank mua lại VPSC với giá cao hơn hẳn khi so với các “mức chấm” của thị giá cổ phiếu các ngân hàng đang niêm yết.

Tuy nhiên, dù có lợi thế từ mạng lưới phòng giao dịch bưu điện phủ khắp cả nước, nhưng tính đến ngày 31.12.2015, dư nợ cho vay theo kênh phòng giao dịch bưu điện chỉ đạt vỏn vẹn 2.154 tỷ đồng với gần 50.000 khách hàng cá nhân và 50.300 khoản vay. Đây chắc chắn là một con số quá thất vọng đối với LienVietPostBank.

Và giờ, sau 5 năm sáp nhập, LienVietPostBank vẫn loay hoay với bài toán đầu tư và khai thác “lợi thế” điểm giao dịch của VPSC. Và cũng chưa một lần, lãnh đạo LienVietPostBank cho cổ đông biết giá trị đầu tư và kế hoạch khai thác cụ thể những điểm giao dịch của VPSC ra sao (?)

Tại ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 2.7 tới, HĐQT của LienVietPostBank sẽ lấy ý kiến cổ đông về việc miễn nhiệm chức danh thành viên độc lập HĐQT đối với bà Đỗ Thị Nhiên và đề cử ông Huỳnh Ngọc Huy thay thế. Ông Huy sinh năm 1966, hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Liên Việt.

Cuối năm 2015, LienVietPostBank cũng đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường cũng để lấy ý kiến cổ đông về vấn đề nhân sự.

Nguyễn Minh
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN