Trao đổi với Dân Việt về sự việc ngư dân bị hành 2 năm và tốn 500 triệu đồng nhưng bị Vietcombank từ chối cho vay theo Nghị định số 67, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết:Thống đốc Lê Minh Hưng đã yêu cầu Vietcombank có công văn giải trình.
Thời gian qua có nhiều ngư dân phản ánh bức xúc về việc khó tiếp cận vốn theo NĐ 67. Quan điểm của NHNN như thế này thì sao?
- Sau khi có thông tin báo chí phản ánh, Thống đốc có yêu cầu VCB đi thực tế cơ sở, xuống tận chi nhánh, khách hàng làm việc với chính quyền địa phương, các ngành liên quan để xác định rõ trường hợp này như thế này và báo cáo với NHNN.
Bên cạnh đó, Thống đốc cũng yêu cầu giám đốc chi nhánh NHNN Quảng Ngãi phối hợp với các sở ban ngành, NHTM tiếp xúc trực tiếp với ngư dân ấy để xác minh thông tin báo cáo về NHNN. Sau khi báo cáo về đầy đủ để có thông tin nhiều chiều, chúng tôi sẽ trình lên Thống đốc để có phương án xử lý.
Nếu ngư dân đúng thì Vietcombank phải giải quyết cho người ta và xem xét trách nhiệm cán bộ tín dụng ngân hàng. Còn nếu các ngân hàng xác định đúng, đưa ra đủ căn cứ thuyết phục thì phía ngân hàng cũng phải rút kinh nghiệm. Ngân hàng cần phải giải thích cho ngư dân, xử lý vấn đề như thế nào cho hợp lý để không xảy ra những sự việc như trong thời gian vừa qua. Đấy là kinh nghiệm của những người thực thi chính sách ở những ngân hàng địa phương.
Cũng cần phải làm rõ với địa phương về trách nhiệm của họ trong việc triển khai NĐ 67. Vì NĐ 67 là các cấp chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc, không riêng gì ngành ngân hàng. Nên khi lựa chọn, các cấp chính quyền địa phương phải lựa chọn cho đúng đối tượng, không thể cứ lựa chọn rồi sau đó bảo ngân hàng gây khó dễ, chậm chễ. Thực tế, có một số trường hợp trả hồ sơ, ngân hàng cũng nói rõ là không đủ điều kiện như chưa có kinh nghiệm đánh bắt xa bờ, phương án không khả thi, chưa làm cái này bao giờ nay thấy có chính sách nên cũng làm hồ sơ vay vốn.
Về phía ngân hàng, ngay khi có NĐ 67 đã rất nghiêm túc triển khai ngay từ đầu và đến nay vẫn rất nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện. Nếu có những trường hợp nào không đúng sẽ chấn chỉnh ngay. Tuy nhiên cũng phải chia sẻ với những khó khăn của anh em, cán bộ ở bên dưới chứ không phải vì sức ép của dư luận hay vì điều gì đó mà buộc họ làm sai là không được.
Năng lực đóng tàu có vấn đề, đặc biệt là tàu vỏ thép vừa yếu vừa thiếu
Nhưng với trường hợp ngư dân Nguyễn Anh Tuấn, ở thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi, ngân hàng có thể từ chối ngay được vì họ không phải đang kinh doanh có hiệu quả nghề cá, nhưng tại sao Vietcombank lại để rất lâu như vậy mới trả lời cho khách hàng là không đủ điều kiện vay vốn?
- Tôi có trao đổi với ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank về vấn đề này. Ông Thành cho biết đang yêu cầu từ ban giám đốc đến cán bộ ở Quảng Ngãi phải có công văn giải trình. Sau khi xử lý nội bộ, Vietcombank sẽ có công văn giải trình gửi NHNN.
Nhưng trên tinh thần ngay từ ban đầu, nếu ngư dân nào không đủ điều kiện phải từ chối ngay để họ biết và nói rõ lý do tại sao lại từ chối. Khách hàng muốn đóng tàu ở đâu theo danh sách cơ sở đóng tàu của Bộ NNPTNN là quyền của họ, ngân hàng chỉ xem xét cơ sở đóng tàu này có đủ điều kiện, đảm bảo hay không.
Trong số 4 NHTM giải ngân cho NĐ 67 thì ngân hàng nào có dư nợ giải ngân thấp nhất?
- Thấp nhất là Vietcombank. Đứng đầu là BIDV, thứ hai là Agribank, thứ ba là Vietinbank, sau đó là Vietcombank.
Tại sao Vietcombank lại có dư nợ cho vay NĐ 67 thấp vậy?
- Viecombank không có nhiều chi nhánh ở tất cả các tỉnh ven biển như ở các ngân hàng kia. Ba ngân hàng kia có mạng lưới phủ rộng hơn. Thứ 2 là qua việc vừa rồi, qua trả lời báo chí cho thấy việc triển khai chỉ đạo từ trung ương đến cơ sở của Vietcombank chưa được thông suốt, nhận thức của cán bộ chưa được đầy đủ.
Với những khách hàng không đủ điều kiện thì phải từ chối ngay. Kể cả danh sách tỉnh duyệt rồi nhưng ngân hàng không đủ điều kiện thì cũng không duyệt. Lý do không được thì phải trả lời rất rõ.
Theo ông, hiện nay việc cho vay đóng tàu theo NĐ 67 có những khó khăn vướng mắc gì?
- Khi Chính phủ có NĐ 67 này, người dân nghĩ Nhà nước có chương trình hỗ trợ nhưng sau khi tìm hiểu họ mới thấy đây là vốn thương mại, Nhà nước chỉ hỗ trợ bảo hiểm, lãi suất, còn lại thì có vay có trả.
Thứ hai là năng lực quản lý khai thác tàu lớn chưa có, vẫn đang khai thác bằng thuyền thúng với một vài hải lý, chưa đi đánh bắt xa bờ bao giờ. Nhiều ngư dân cứ đăng ký cho địa phương duyệt, nhưng khi địa phương duyệt rồi rồi mới lo tiền đâu và vận hành thế nào cho hiệu quả để trả nợ…?
Thứ ba, khâu phê duyệt của các địa phương cũng để lọt lưới, chưa sát sao. Khi ngân hàng xuống thẩm định thì người dân khai thật mới thấy có vấn đề .
Thứ tư là năng lực đóng tàu có vấn đề, đặc biệt là tàu vỏ thép vừa yếu vừa thiếu. Thậm chí một số con tàu được đóng vỏ thép đi khai thác một hai chuyến đi biển phải quay lại cơ sở đóng tàu để sửa chữa. Trách nhiệm ở đây thuộc cơ sở đóng tàu.
Xin cám ơn ông!
Đến 15.6.2016 có 27/28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã phê duyệt được danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp 1.669 tàu.Các NHTM đã nhận được 802 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn. Đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 556 tàu với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay 5.579 tỷ đồng. Doanh số cho vay đóng mới, nâng cấp tàu đạt 3.411 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm báo cáo đạt 3.409 tỷ đồng. Tại các tỉnh Huế, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Quảng Ngãi ngư dân đã bắt đầu trả nợ vay vốn đóng tàu. Trong số đó, 185 bộ hồ sơ ngân hàng đang xử lý do chủ tàu đang hoàn thiện các giấy tờ thủ tục cần thiết; 30 bộ hồ sơ ngân hàng từ chối cho vay do khách hàng không đủ điều kiện (không có vốn đối ứng, cơ sở đóng tàu không nằm trong danh sách được phê duyệt, phương án kinh doanh không khả thi...); 31 bộ hồ sơ khách hàng tự rút do không muốn tiếp tục tham gia chương trình. |