Hiện tổng số nợ đọng tại 52/62 tỉnh thành đã lên con số 15.212 tỷ đồng. Trao đổi với ĐĐK, ĐBQH Bùi Văn Phương- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, về số nợ này cần tính toán chi tiết xem khả năng trả nợ của các địa phương đến đâu, cân đối để có sự hỗ trợ.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thực hiện được một thời gian, bên cạnh những mặt đạt được cũng xuất hiện tình trạng chạy theo thành tích, từ đó nhiều nơi huy động quá sức dân. Cần chấn chỉnh tình trạng đó như thế nào?
Ông Bùi Văn Phương.
- Sau 30 năm đổi mới, đất nước đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên người nông dân vẫn là nghèo nhất. Cho nên cần tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vì đó là chủ trương đúng.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là luồng gió hy vọng tạo nên một diện mạo mới cho nông nghiệp, cho nông thôn và đời sống của người nông dân. Tuy nhiên trong thời gian qua bên cạnh những mặt thành tích đã đạt được thì cũng đã xuất hiện bệnh thành tích, hình thức.
Từ đó hệ lụy để lại là không hề nhỏ, đặc biệt là nợ nần. Trong việc này, dựa trên thực tế, cũng cần chấn chỉnh lại 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Không phải dàn hàng ngang để tiến lên đồng đều mà cần tính toán lại đâu là tiêu chí để ưu tiên đi trước, tạo tiền đề, tạo nền tảng để thực hiện các tiêu chí sau. Cũng giống như một gia đình vậy, phải làm được tiền thì mới lo được nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt.., chưa làm được tiền mà nghĩ xây nhà to, mua xe đẹp thì không có vốn cho đầu tư phát triển sản xuất.
Vừa qua, việc xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi rơi nợ nần để xây dựng hạ tầng. Theo tôi, trong 19 tiêu chí trên cần ưu tiên cho tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp để có nguồn thu. Khi có nguồn thu thì mới có tiền để làm hạ tầng. Cần áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp để sản phẩm nông nghiệp có thị trường.
Nền kinh tế thị trường tức là người dân cũng phải dựa vào tín hiệu thị trường để biết sản xuất cái gì chứ không thể cứ làm ra ra xong không bán được thì lại kêu Nhà nước. Quan trọng nhất là sản phẩm nông nghiệp của ta sức cạnh tranh yếu, cần phải lưu ý điều này.
Thưa ông, nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới sẽ nảy sinh nhiều vấn đề xã hội. Hiện số tiền nợ đọng đã lên đến hơn 15.000 tỷ đồng. Vậy cần giải pháp nào cho các địa phương bị nợ đọng?
- Các địa phương bị nợ đọng thì cần phân tích, tính toán sát thực tế và đánh giá xem khả năng trả nợ như thế nào. Nhà nước có hỗ trợ gì không trong việc này? Tôi cũng xin nhắc lại, thực tế Nhà nước mới hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới chiếm 11,7% ngân sách, còn lại là tiền đóng góp của người dân.
Nợ gì thì nợ nhưng nếu không trả được cộng lại thì nó vẫn là nợ công. Không trả nợ được không chỉ ảnh hưởng đến địa phương mà gánh nợ ngày càng lớn làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Thực tế thì ở xã lấy đâu ra tiền để trả? Trông vào đất thì những xã có điều kiện họ đã làm rồi, còn những xã đất không có giá trị bao nhiêu thì lấy đâu ra tiền trong khi sức dân có hạn, không thể bắt dân đóng góp được nữa.
Người xưa đã có câu “nông thất bách nghệ bạc”, tức là nghề nông mà thất bại thì bách nghệ đi theo cũng khó khăn. Vì vậy Nhà nước phải dành ưu tiên cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Về số nợ, cần tính toán chi tiết xem khả năng trả nợ của các địa phương đến đâu, để từ đó điều chỉnh, cân đối.
Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, từ thực tế cần phải có sự điều chỉnh. Theo ông?
- Tôi cho rằng, Nhà nước phải cân đối lại nguồn ngân sách để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhìn chung, tăng trưởng của khu vực nông nghiệp thấp so với các khu vực kinh tế khác. 6 tháng đầu nay đang tăng trưởng âm. Sống ở lĩnh vực tăng trưởng thấp, sản phẩm không có thị trường, sức cạnh tranh kém thì dân lấy đâu ra tiền để đóng góp xây dựng nông thôn mới cũng như nhiều khoản đóng góp khác. Cho nên mới nói Nhà nước vẫn phải ưu tiên hỗ trợ.
Trân trọng cảm ơn ông!