Anh Phạm Văn Đức (SN 1977) ở xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những người đầu tiên ở địa phương nuôi cá rô phi đơn tính Đường Nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Đức cho hay, đây là giống cá nhập ngoại, có nguồn gốc từ Philipines. Thịt cá dày không có xương răm, chất lượng thơm ngon. So với cá rô phi thông thường, rô phi Đường Nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, trọng lượng lớn và thị trường tiêu thụ tốt.
Tháng 5/2012, anh Đức tiến hành thả con giống với mật độ 1 con/m2 trên diện tích 4ha ao nuôi. Trong quá trình nuôi thử nghiệm, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc, cá rô phi phát triển nhanh, đạt năng suất cao. Sau 6 tháng nuôi, cá xuất bán đạt từ 800 - 1.200 gram/con . Từ đó, anh mở rộng nuôi trong hai năm liên tiếp.
Anh Đức phấn khởi vì nuôi cá rô phi Đường Nghiệp cho lãi khá
Năm 2015, quá trình cải tạo, nạo vét ao và khử trùng ao nên việc nuôi cá bị trì hoãn. Đến đầu tháng 5/2016, anh Đức tiếp tục thả 5 vạn con cá rô phi Đường Nghiệp. Sau hơn 70 ngày thả nuôi, cá từ 580 - 600 con/kg đạt ngưỡng 8 - 12 con/kg...
Anh Đức cho biết thêm, quá trình nuôi hệ số tiêu tốn thức ăn khoảng 1,2kg cám viên nổi đạt 1kg thịt cá. Mỗi tháng, cá tăng thêm 2gram. Để có tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy, phải làm tốt quá trình xử lý môi trường ao nuôi và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Ao nuôi được thay nước định kỳ 1 tháng/lần. Tuy nhiên, khi cá phát triển, cặn bã thức ăn thải ra nhiều thì thay nước liên tục. Hệ thống dẫn nước và thoát nước riêng biệt, tạo thuận lợi cho việc dẫn, thải nước dọc theo kênh mương ruộng đồng. Sử dụng công nghệ xử lý men vi sinh để vệ sinh ao. Vì vậy, 4ha mặt nước luôn trong, tạo môi trường cho cá sinh trưởng và phát triển tốt.
Ngoài ra, sau mỗi một chu kỳ nuôi, anh Đức tiến hành nạo vét bùn, phơi đáy, khử trùng bằng vôi bột và xử lý nước qua túi lọc, tiến hành diệt tạp… để đảm bảo môi trường nước ở lứa cá tiếp theo, tránh mầm bệnh gây hại. Tùy thuộc vào thời tiết anh điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Thời tiết thuận lợi, cá ăn khỏe và hấp thụ tốt nên cho nhiều thức ăn.
Cá rô phi Đường Nghiệp thường mắc bệnh Streptococus, biểu hiện lồi mắt, xuất huyết vây, nắp mang. Cá vận động khó khăn, bơi không định hướng, nội tạng tổn thương dẫn đến cá chết. Đây cũng chính là khó khăn lớn trong quá trình nuôi, nhất là khi thời tiết nắng nóng kéo dài.
Với hơn 3 năm kinh nghiệm nuôi cá rô phi Đường Nghiệp, anh Đức sử dụng tỏi xay nhuyễn, trộn với cám viên dạng nổi cho cá ăn định kỳ 2,3 lần/tháng, vừa phòng bệnh, vừa giúp hệ tiêu hóa của cá phát triển. Nhờ những kỹ thuật đó mà cá nuôi không bị nhiễm bệnh, tăng trưởng nhanh.
Không chỉ nuôi cá rô phi đơn tính Đường Nghiệp, anh Đức còn nuôi ghép thêm các loại cá trắm, trôi, cá chim… nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như cám gạo, bột ngô. Với 4ha ao nuôi, anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. “Nghề nuôi cá vất vả, nếu có kinh nghiệm và chịu khó tìm tòi, học hỏi thì rất dễ làm”, anh Đức chia sẻ thêm.