TTVH Online

Bí ẩn trắm đen khổng lồ, nặng 3 tạ quần thảo ở sông Kinh Môn

Phong Cầm 27/08/2016 14:15 GMT+7

Cứ khi trái gió trở giời, hay biển Đông hình thành bão, hoặc trời đất mây đen vần vũ, thì “ông cá Thần” này lại thò lên khỏi mặt sông cái đầu đen sì, khổng lồ, như thể mũi của tàu ngầm.

Gặp người giáp mặt cá khổng lồ

Nhiều năm nay, người dân hai bên sông Kinh Môn, đoạn chảy qua huyện Kim Thành và Kinh Môn, thuộc tỉnh Hải Dương, đều biết đến những câu chuyện huyễn hoặc, nửa thật nửa đồn, về những con cá khổng lồ ở sông. Những câu chuyển nửa thực, nửa hư, cứ thế lan truyền, qua miệng người nọ, người kia, mà thành ly kỳ, hấp dẫn.

Anh Vũ Anh Thiện (Quỳnh Khê, Kim Xuyên, Kim Thành), người sống ở cạnh sông Kinh Môn, chuyên săn cá mú, ếch nhái ven sông bảo rằng, bản thân anh chưa được tận mắt, nhưng chuyện về những con cá khổng lồ thì anh nghe nhiều, từ cả những người già, những người lái tàu và những người thuyền chài, rất ly kỳ và lạ lùng.

Theo anh Thiện, sông Kinh Môn không lớn lắm, nhưng chạy quanh co, thành nhiều vụng lớn, và đặc biệt là rất sâu. Độ sâu trung bình của con sông này trên 10m, nhiều chỗ sâu đến 20m, thậm chí một số vụng như vụng Cam, sâu đến 30m. Nhiều con tàu lớn đã bị đắm ở vụng Cam, rồi mất hút trong lòng đất.

Người dân ở đây còn đồn rằng, ở vụng Cam có một lạch ngầm, xuyên qua cả mấy xã, lên tận chùa Muống, nối ra sông Văn Úc. Khả năng, dòng chảy ngầm từ sông Văn Úc xuyên trong lòng đất, đổ ra sông Kinh Môn, đã tạo ra vụng xoáy khủng khiếp đó. Vụng xoáy ấy sâu, nên cá tụ họp về nhiều, không đánh bắt, kích điện được. Ở chỗ ấy, người ta đồn có con cá lớn, to như con trâu, cứ quẫy uỳnh oàng ở đó suốt ngày, thi thoảng ngóc đầu lên thở phì phì.

Nuôi cá lồng trên sông Kinh Môn

Nhưng, đó là chuyện các cụ kể mấy chục năm trước. Giờ vụng Cam vẫn còn nhiều cá, nhưng chỉ có nhiều cá hau (là cá ngạnh), loài cá thích ẩn ở vũng xoáy và vùng nước sâu để tránh kích điện, lưới quét. Bao năm nay, không nghe thấy chuyện kể về cá khổng lồ ở vụng Cam, dù cái vụng nước này vẫn chứa nhiều bí ẩn.

Thế nhưng, mới đây, câu chuyện về cá khổng lồ ở sông Kinh Môn lại ầm ĩ, khi một ông thuyền chài sợ hãi bỏ thuyền lên bờ, vì gặp cá khổng lồ (?!). Chuyện ấy, ở xã Phúc Thành (huyện Kim Thành) và vùng lân cận người dân đều biết đến.

Người giáp mặt cá khổng lồ, đến nỗi mất cả hồn vía, là ông Nguyễn Văn Quảng, nhà ở xóm 3, xã Phúc Thành. Đầu giờ chiều, chúng tôi tìm đến, gặp ông đang ngồi uống nước trước hiên nhà. Hỏi chuyện cá khổng lồ làm mất vía, ông công nhận chuyện đó là có thật, nhưng không phải ông bỏ hẳn nghề chài lưới, mà không dám đánh bắt ở đoạn sông Kinh Môn, nơi xuất hiện con cá khổng lồ nữa. Ông chỉ thả lưới luẩn quẩn ở mấy đoạn nông, và mấy con sông nhỏ trong vùng, là nhánh của sông Kinh Môn, Kinh Thầy, Văn Úc.

Theo lời ông Quảng, chuyện về cá khổng lồ, ông cũng nghe nhiều từ dân thuyền chài, và đặc biệt là ông cụ Bin. Sông Kinh Môn không phải là sông quá lớn, nhưng lại rất sâu, toàn tàu lớn ở Hải Phòng đi vào, nên là nơi ẩn náu của cá lớn. Con sông này sâu, nên nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy đóng tàu công suất lớn ở ven sông. Ông Quảng từng đánh bắt được cá măng to như cánh cửa, nặng vài chục kg. Nhưng chuyện cá to đến vài tạ ở sông nước ngọt, thì ông Quảng không tin nổi. Và, chuyện ông Bin kể với mọi người, về “cá thần” nặng vài tạ, ông cũng không tin.

Ông cụ Bin là người xã Phúc Thành, tính tình hiền lành, nhưng cuộc sống có nhiều bí ẩn. Nửa cuộc đời ông cứ ẩn hiện như bóng ma ở triền đê. Ông Bin được chính quyền giao nhiệm vụ trông nom cống nước cách làng Phúc Thành chừng 1km, là cống xả nước vào đồng, nên người ta gọi cái cống đó là cống Ông Bin.

Trắm đen khổng lồ.

Ông cụ Bin hay kể với mọi người, là ở chỗ cống đó, có một “ông cá Thần”. Ông Bin không gọi là con cá, mà gọi là Ông, với thái độ rất tôn kính. Theo lời ông, thì đó là một “ông cá” nặng mấy tạ, to như tàu ngầm, cứ lừ đừ dưới sông. Cứ khi trái gió trở giời, hay biển Đông hình thành bão, hoặc trời đất mây đen vần vũ, thì “ông cá Thần” này lại thò lên khỏi mặt sông cái đầu đen sì, khổng lồ, như thể mũi của tàu ngầm ở đoạn sông có cống Ông Bin. Ông Bin khẳng định rằng, “ông cá Thần” này đã ở khúc sông Kinh Môn cả trăm năm qua. Từ ngày còn nhỏ, ông đã được ông nội kể về cá thần khổng lồ ở sông, với rất nhiều chuyện ly kỳ.

Ông Bin còn kể rõ, “cụ cá Thần” này hiển linh trong thân thể một con trắm đen khổng lồ, to không tưởng tượng nổi. Để tỏ lòng tôn kính, thời gian rỗi rãi ông Bin còn đi mò ốc, rồi đổ cả thúng ốc xuống cửa cống, “thỉnh cụ cá” khổng lồ đến ăn. Mỗi lần cá khổng lồ vào ăn, thì cả một khoảng sông mênh mông đục ngàu, sủi bọt trắng xóa. Những đêm trăng thanh, ông Bin nằm trên miệng cống, nghe tiếng cá khổng lồ há miệng đớp không khí ì oạp mà rợn cả người.

Ông Quảng vẫn còn sợ hãi khi kể về lần giáp mặt cá khổng lồ

Chuyện ông Bin kể, cứ nửa thực nửa hư, bởi ngoài ông Bin ra, thì không ai nhìn thấy được con cá khổng lồ ấy. Cũng dăm lần bẩy lượt, ông Bin rủ người làng ra chứng kiến, nhưng khi có người khác, thì tuyệt nhiên cá mất tăm hơi, không thấy dấu tích đâu cả.

Mặc dù, sông Kinh Môn có nhiều cá lớn, nhưng chuyện cá trắm đen nặng vài tạ, thì ông Quảng không thể tin nổi. Ông Quảng đánh cá ở sông Kinh Môn đến 40 năm nay, gặp trắm đen cũng nhiều, nhưng chỉ đến vài chục kg mà thôi. Những con trắm đen nặng đến 40-50kg, cực kỳ khó bắt.

Trắm đen thường ẩn ở những vũng sâu, hoặc nó đào ổ dưới lòng sông, nên lưới vét kéo qua chỉ lướt trên mặt bùn, không vét cá vào được. Cũng có khi, quây lưới được, nhưng nó phóng một cái thì lưới nào cũng toạc. Cá trắm đen nặng vài chục kg, thậm chí đến ngót tạ, thì có thể có, chứ nặng đến vài tạ, thì chưa từng thấy. Vậy nên, chuyện ông Quảng nghe từ ông Bin, cũng là để cho vui, trong những lúc rỗi rãi. Với ông, đó chỉ là câu chuyện thêm mắm dặm muối, kiểu Bác Ba Phi mà thôi.

Mấy năm trước, ông Bin qua đời, cái cống đó không ai trông nom nữa. Hợp tác xã phân công cán bộ ra mở cống lấy nước vào những ngày nhất định. Chẳng ai ở lại cống ban đêm, nên cũng không ai nhìn thấy con cá khổng lồ dưới sông nữa. Cho đến một ngày, ông Quảng giáp mặt cá khổng lồ, và mất hết cả hồn vía, bỏ cả thuyền chạy thoát thân.

Dương Phạm
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN