Theo Guardian, trong những ngày qua, các phóng viên nước ngoài đã hết sức ngạc nhiên và bối rối về cách mà chính quyền Trung Quốc biến đô thị nhộn nhịp với 9 triệu dân trở thành một "thành phố ma".
Thành phố Hàng Châu vắng lặng trong thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Người dân thành phố Hàng Châu, Trung Quốc được đề nghị rời khỏi nhà trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 7 ngày, nhà máy đóng cửa, an ninh được thắt chặt để Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra một cách tốt đẹp.
Một phần ba số dân ở Hàng Châu được khuyến khích rời khỏi thành phố trong kỳ nghỉ lễ 7 ngày. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc gọi đây là cuộc di cư khổng lồ.
Hàng ngàn người dân được yêu cầu phải tạm thời dọn ra khỏi căn hộ chung cư cao chót vót xung quanh khu vực diễn ra hội nghị G20, nơi các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp để tránh một đợt tấn công bất ngờ từ trên cao.
Người dân Trung Quốc chờ đợi ở ga tàu để rời khỏi Hàng Châu.
Toàn bộ khu phố bị "bỏ hoang" sau khi người lao động bị buộc phải rời thành phố bởi các nhà máy, tòa nhà họ làm việc được lệnh đóng cửa để giảm thiểu ô nhiễm.
Các phóng viên nước ngoài trải qua nhiều ngày dạo bước trên đường phố vắng tanh mà rất may mắn mới có thể tìm kiếm được người dân để phỏng vấn.
Wu Yuhua, một người bán hàng nói rằng ông đã quyết định rời khỏi thành phố, sau khi các khách hàng, đa số là người lao động đã trở về nhà trước ngày diễn ra hội nghị G20. “Công việc kinh doanh đình trệ. Nhưng chúng tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà”.
Khung cảnh thường thấy ở Hàng Châu trong thời gian diễn ra hội nghị G20.
Li Yindeng, chủ cửa hàng bán phở nói trên New York Times rằng bà được yêu cầu phải đóng cửa hàng. “Họ nói với chúng tôi, đây là sự kiện diễn ra một lần duy nhất trong cả đời người. Nếu có điều gì xảy ra khi Obama đang ở đây, quan chức có thể bị cách chức”.
Buộc người dân rời thành phố không phải là cách duy nhất mà chính quyền Trung Quốc áp dụng để tổ chức hội nghị G20 đầu tiên. Hội nghị được coi là cơ hội để Bắc Kinh quảng bá hình ảnh cường quốc thế giới của mình.
Lực lượng an ninh hùng hậu cũng đã được triển khai. Các binh sĩ đặc nhiệm canh gác ở cửa ngõ vào thành phố trong khi đội phản ứng nhanh tập trung tại các nút giao thông chính. Cảnh sát thành phố được trang bị thêm nhiều xe mới, có gắn máy quay an ninh để tuần tra mọi tuyến đường. Các cảnh vệ áo đen được điều động tuần tra nghiêm ngặt.
Cảnh sát tuần tra trên con phố gần khu trung tâm mua sắm ở Hàng Châu.
Khoảng 760.000 người tình nguyện, đa số là người cao tuổi, đeo băng đỏ để hỗ trợ an ninh ở thành phố.
Thậm chí ở Bắc Kinh, cách phía bắc Hàng Châu khoảng 1.200 km, một nhóm những người cao tuổi đóng vai trò là “tình nguyện viên an ninh công cộng”, có thể được nhìn thấy ở các điểm chờ xe buýt hoặc ẩn nấp trong các bụi cây. Kể từ khi các nhà lãnh đạo thế giới đến Trung Quốc tuần trước, họ đã trải qua những ngày theo dõi kẻ khủng bố hoặc gián điệp tiềm năng.
Tối ngày 5.9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận bình tuyên bố nỗ lực của chính phủ đã thành công vang dội. “Các phóng viên đã ghi lại những khoảnh khắc thú vị ở G20. Các bạn đã truyền đạt cho thế giới thấy sự thành công của hội nghị và công việc chăm chỉ của các bạn đã giúp tạo nên hội nghị G20 mang thương hiệu Trung Quốc”, ông Tập phát biểu