Với mong muốn có nguồn thu nhập tốt hơn, nhiều nông dân đã không ngần ngại tìm tòi, thử nghiệm nuôi các loài vật nuôi mới. Chọn một hướng đi vốn không thuộc số đông, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và thậm chí là nguy cơ rủi ro rất lớn.
Lãi cao nhờ “độc, lạ”
Cuối năm 2015, trong một chuyến đi, chị Nguyễn Thị Huyền (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) vô tình gặp mô hình nuôi vịt trời lấy thịt của một hộ dân ở Bắc Giang. Ý tưởng đưa giống vịt hoang dã này về phát triển ở Gia Lai ngay lập tức nhen nhóm. Không ngần ngại, chị mua 100 con vịt trời giống về nuôi thử…
Anh Vũ Xuân Khoa kiểm tra sức khỏe cho gà Đông Tảo con. Ảnh: H.L
Lứa thứ nhất không mấy suôn sẻ và chị phát hiện ra, đó chỉ là những con vịt trời lai. Không nản, chị tự lên mạng mày mò tìm kiếm và kết nối với các đơn vị cung ứng giống vịt trời chuẩn hơn. May mắn đã mỉm cười với chị khi lứa vịt này đến ngày xuất bán, phản hồi của khách về chất lượng vịt thương phẩm rất tốt.
Nhờ có sẵn 5 sào mặt nước, hiện đàn vịt trời nhà chị đã phát triển lên đến 2.000 con. Trung bình mỗi tháng, chị xuất bán 500-600 con vịt trời thương phẩm. Nắm bắt nhu cầu nuôi vịt trời ngày càng phát triển mạnh, chị đầu tư mua máy ấp trứng về ấp vừa phục vụ nhu cầu nuôi của gia đình, vừa để bán vịt trời con. Giá bán vịt trời con khá cao, dao động từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/con.
Trung bình mỗi năm, chị thu lãi khoảng 200-300 triệu đồng. “Khó khăn nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Để người khác biết đến sản phẩm vịt trời nhà mình, tôi đã đăng thông tin quảng cáo trên báo, một số trang web rao vặt. Ngoài ra, tôi tìm đến tận các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn TP. Pleiku để tiếp thị sản phẩm vịt trời thương phẩm. Khách vì thế biết đến cơ sở mình ngày càng nhiều”-chị Huyền chia sẻ.
Tương tự, anh Vũ Xuân Khoa-hiện là chủ một trang trại nhỏ chuyên nuôi gà Đông Tảo tại tổ 8, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) cũng tạo được nguồn thu nhập khá ổn định nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi giống gà “tiến vua”. Anh chia sẻ, giữa năm 2014, nhận thấy nhu cầu sử dụng giống gà Đông Tảo ở Pleiku khá ổn, từ một người chuyên nhập gà Đông Tảo về bán cho các nhà hàng, anh chuyển hướng qua nuôi gà Đông Tảo lấy giống. Hiện nay, trang trại nuôi gà Đông Tảo lấy giống của gia đình anh khoảng 300 con gà Đông Tảo bố mẹ, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 100 con gà giống. Phong trào nuôi gà Đông Tảo đang phát triển rầm rộ nên thu nhập từ việc cung cấp gà Đông Tảo của gia đình anh khá ổn định. Mỗi năm, trừ chi phí, vợ chồng anh thu lãi cả trăm triệu đồng.
“Sớm nở, tối tàn”
Sự khác biệt là một trong những ưu thế đặc biệt giúp tạo nên lợi thế cạnh tranh, nâng cao thu nhập đối với người nông dân. Trong thời buổi các sản phẩm nông nghiệp dần bão hòa, dẫn đến nguy cơ nông dân luôn ở trong tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” thì không ít người trăn trở để hy vọng tìm ra cho mình một hướng đi mới, không theo phong trào. Không chỉ với nhà nông mà với các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp của các địa phương cũng rất chú trọng vấn đề này. Tuy nhiên, để làm được không dễ. Huyện Krông Pa là một ví dụ.
Với hy vọng tìm ra loại vật nuôi mới đem lại giá trị kinh tế cao, tạo “cần câu” giúp người dân Krông Pa có cơ hội thoát nghèo và vươn lên làm giàu, từ năm 2013, Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa đã triển khai một số mô hình như: nuôi kỳ đà thương phẩm quy mô hộ gia đình, nuôi đà điểu dưới tán điều, nuôi nhím sinh sản và thương mại hộ gia đình. Đây đều là những loại vật nuôi mới, được đánh giá có khả năng phát triển tốt tại địa phương.
Mặc dù kết quả đánh giá tương đối khả quan song vì nhiều lý do khác nhau, các mô hình này đến nay không được nhân rộng. Nguyên nhân thì rất nhiều, trong đó quan trọng nhất chính là vấn đề đầu ra-đích đến cuối cùng của tất cả mô hình sản xuất. Điệp khúc này cũng lặp lại với hầu hết các mô hình vật nuôi mới triển khai tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. “Nông nghiệp hiện nay không thể chỉ dừng ở quy mô sản xuất mà phải tạo được mối liên kết với tiêu thụ, không chỉ nông nghiệp sản xuất mà phải tạo dựng và phát triển thành nông nghiệp thương mại”-ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai nêu quan điểm.
Cũng theo ông Việt, trong các năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai nhiều mô hình để thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi phát triển dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, hầu hết đều tập trung vào các mô hình liên quan đến vật nuôi truyền thống: phát triển đàn bò lai, nuôi heo lấy thịt…; các loại vật nuôi mới không nhiều và hầu như không thấy nhân rộng trong thực tế. Nguyên nhân chính của thực trạng này cũng bởi thị trường tiêu thụ không ổn định. Tuy nhiên, cũng có một vài mô hình vật nuôi mới cho hiệu quả khá tốt do người dân tự tìm hiểu đưa vào chăn nuôi và năng động kết nối tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với ngành chuyên môn trong việc quản lý nguồn gốc, dịch bệnh có thể phát sinh và lây lan…