Không quân Mỹ gia tăng các thử nghiệm mô phỏng trên máy tính để chuẩn bị lắp vũ khí laser lên máy bay chiến đấu vào năm 2021.
Tạp chí National Interest, cho biết Không quân Mỹ đã cấp 7 triệu USD cho công ty Stellar Science trong kế hoạch 5 năm để phát triển hệ thống thử nghiệm vũ khí laser mô phỏng trên máy tính.
Stellar Science, có trụ sở tại Albuquerque, New Mexico, sẽ tiếp tục công việc được bắt đầu từ 2014, khi Không quân Mỹ giao cho công ty này phát triển hệ thống mô phỏng dành cho vũ khí năng lượng định hướng.
Vũ khí laser dành cho máy bay được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ tiềm năng như không đối không, không đối đất, hỗ trợ trên không, chống máy bay tấn công không người lái, tấn công mặt đất, thậm chí cả phòng thủ tên lửa. Đây là một phần trong Sáng kiến Phòng thủ chiến lược, còn gọi "Star Wars" (chiến tranh giữa các vì sao) do cựu Tổng thống Ronald Reagan khởi xướng vào năm 1983.
Vũ khí laser sử dụng luồng ánh sáng nhiệt độ cao để đốt cháy mục tiêu. Tia laser di chuyển với tốc độ ánh sáng cho phép tiêu diệt gần như tức thời các mục tiêu di chuyển với tốc độ cao, chống lại các cuộc tấn công của đối phương, một quan chức Không quân Mỹ giải thích.
Boeing YAL-1, vũ khí laser bay đầu tiên của Mỹ nhưng chưa thực sự thành công. Ảnh: Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ.
Ưu điểm của vũ khí laser là chi phí thấp cho mỗi lần bắn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các tên lửa đắt đỏ trong các tình huống chiến đấu. Điểm mạnh khác của vũ khí laser là không bị giới hạn về số lượng đạn mang theo như tên lửa. Một máy bay chiến đấu thông thường chỉ có thể mang theo 6 đến 7 tên lửa.
Trong khi đó, vũ khí laser lắp trên máy bay chiến đấu có thể bắn hàng nghìn lần mà chỉ tiêu tốn khoảng 3,7 lít nhiên liệu phản lực, chuyên gia không quân giải thích.
Vũ khí laser năng lượng cao HEL sử dụng trên mặt đất đã được thử nghiệm trong năm 2015 tại trường bắn White Sands, bang New Mexico. Vũ khí laser lắp trên máy bay dự kiến sẽ thử nghiệm vào năm 2021.
Không quân Mỹ đang nỗ lực phát triển vũ khí laser có công suất từ 10 đến 100 kW, một quan chức không quân nói. Các nhà khoa học giải thích rằng, việc lắp vũ khí laser lên máy bay đang đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt là nguồn cung cấp điện phải đủ nhỏ để lắp trên không gian hạn chế của máy bay, trong khi vẫn đảm bảo công suất cần thiết cho vũ khí laser.
Vũ khí laser bay dự kiến bắt đầu thử nghiệm trong năm 2020. (Đồ họa: General Dynamics).
Các nhà khoa học dự định bắn thử vũ khí laser trên các máy bay loại lớn như C-17 Globemaster III hoặc C-130, sau đó sẽ tiếp tục nỗ lực thu nhỏ thiết bị để có thể lắp trên máy bay chiến đấu như F-35, F-15 hoặc F-16.
Stellar Science là công ty có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các thiết bị mô phỏng 3D trên máy tính. Các quan chức Lầu Năm Góc rất lạc quan về vũ khí laser nói riêng và vũ khí năng lượng định hướng nói chung.
Mỹ theo đuổi chương trình "Star Wars" trong hơn 30 năm qua nhưng việc lắp vũ khí laser lên máy bay vẫn là một thách thức lớn. Lầu Năm Góc từng thử nghiệm lắp vũ khí laser lên máy bay Boeing 474, còn gọi Boeing YAL-1. Tuy nhiên, chi phí quá cao khiến chương trình phải hủy bỏ trong năm 2011.