TTVH Online

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Sớm có tổng kết để hướng dẫn trồng mắc ca

Phong Cầm 06/03/2017 06:55 GMT+7

“Nhìn những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của bà con nông dân trồng mắc ca, có thể thấy rõ hiệu quả trồng mắc ca như thế nào. Tôi cho rằng cây mắc ca sẽ có triển vọng tốt để phát triển. Nhà nước cần có hỗ trợ cụ thể để người dân yên tâm gắn kết với cây trồng này”.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chia sẻ như vậy sau khi đi thăm các vùng trồng mắc ca ở tỉnh Lâm Đồng cuối tuần vừa qua.

Xác định bộ giống chất lượng

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm hộ trồng cây mắc ca đạt hiệu quả cao của ông Nguyễn Đức Ba, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng).   Ảnh: Đình Thắng 

Việc mở rộng vùng trồng cần hướng đến hai thị trường, đó là thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Muốn làm được như thế, chúng ta phải có vùng trồng rộng lớn với các giống chất lượng tốt nhất, năng suất cao nhất, phải đầu tư phát triển hệ thống nhà máy chế biến”.

Nguyên Chủ tịch nước
Trương Tấn Sang

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa tới thăm các vùng trồng mắc ca của Lâm Đồng. Đoàn công tác đã đến thăm hộ trồng cây mắc ca đạt hiệu quả cao của ông Nguyễn Đức Ba, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương và mô hình trồng xen mắc ca, cà phê của ông Trịnh Xuân Danh, xã Liên Hiệp. Đoàn cũng đã đến thăm xưởng chế biến mắc ca của Công ty Thương mại Việt Xanh và khu sản xuất cây giống mắc ca của Công ty TNHH Một thành viên Him Lam.

Chia sẻ với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Đức Ba hồ hởi kể: “Vườn mắc ca của gia đình được trồng thử nghiệm từ năm 2006 trên diện tích khoảng gần 8.000m2, với khoảng 170 cây, giống ban đầu được nhập từ Mỹ. Hơn 10 năm nay, vườn mắc ca cho thu hoạch đều đặn trung bình khoảng hơn 4 tấn hạt, bán với giá 120.000 - 150.000 đồng/kg, thu về khoảng từ 550 - 600 triệu đồng”.

Trước băn khoăn về giống cây mắc ca của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Giáo sư Hoàng Hòe chia sẻ: “Hiệp hội Mắc ca Việt Nam sau quá trình nghiên cứu theo dõi đã đưa ra 10 giống mắc ca chất lượng phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết thổ nhưỡng của địa phương. Hiện nay người dân địa phương đang triển khai lựa chọn trồng các loại giống này”.

Để phát triển tốt cây trồng mắc ca, nguyên Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: “Một loại cây có thể khai thác trong thời gian dài 60-70 năm thì giống là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Trong 10 bộ giống đó, cần xác định được loại giống nào năng suất chất lượng cao nhất, phù hợp với từng khu vực trồng để hướng dẫn, cung cấp cho người dân mở rộng vùng trồng, có vậy tốc độ phát triển mới nhanh”.

Mở rộng vùng trồng 15.000ha

Mặc dù đã có vườn mắc ca trồng xen cà phê 2ha, nhưng ông Trịnh Xuân Danh vẫn muốn mở rộng thêm vùng trồng. Ông cũng mong muốn Nhà nước, các bộ, ngành quan tâm có chính sách khuyến khích hỗ trợ để người dân yên tâm trồng mắc ca.

Riêng về khó khăn vốn, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, TS Nguyễn Đức Hưởng khẳng định: “Sẵn sàng hỗ trợ vốn để các hộ trồng mắc ca yên tâm đầu tư sản xuất. Hiện Ngân hàng LienViet PostBank đã cung cấp gói tín dụng ưu đãi trị giá 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân trồng mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng”.

Nói về kế hoạch phát triển cây mắc ca, Tiến sĩ Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Trong chủ trương định hướng của tỉnh Lâm Đồng từ nay đến 2020 sẽ phát triển khoảng 3.500-4.000ha, giai đoạn 2020-2030 sẽ mở rộng phát triển từ 12.000- 15.000ha”.

Đánh giá về cây trồng mắc ca ở Tây Nguyên, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Tây Nguyên rất tốt và phù hợp để trồng mắc ca. Ngành nông nghiệp cần có tổng kết, phổ biến hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng cho bà con nông dân nắm rõ, Nhà nước cần có những hỗ trợ cụ thể để đưa khoa học kỹ thuật và hỗ trợ tín dụng để bà con yên tâm trồng mắc ca”. 

Đình Thắng
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN