Vụ cá lóc của một nông dân ở Kiên Giang chết hàng loạt nghi do bị đầu độc đang dấy lên những bức xúc của dư luận. Nếu đúng cá chết là do bị đầu độc thì người thực hiện hành vi đó bị xử lý thế nào?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật SBLAW, Hà Nội
Dân Việt đã trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà (Giám đốc Công ty Luật SBLAW, Hà Nội). Luật sư Hà cho biết:
Trong thời gian qua, ở nông thôn xuất hiện không ít những vụ dùng “đòn bẩn” để triệt hạ lẫn nhau. Có khi nguyên nhân chỉ xuất phát từ mâu thuẫn, xích mích nhỏ; ghen ăn, tức ở; tranh chấp đất đai… mà không từ thủ đoạn hèn hạ nào; có trường hợp kẻ thủ ác phá tan nát mấy chục hecta dưa hấu trong một đêm, đốt mía, chặt cao su, bỏ thuốc độc giết tôm cá… không ít người vì thế mà khuynh gia, bại sản. Nguy hiểm hơn, kiểu “đòn bẩn này” sẽ nảy sinh ngờ vực, nghi kỵ lẫn nhau, mất trật tự an ninh nông thôn…
Từ những thông tin trên báo Dân Việt phản ánh, sau khi phát hiện cá lóc của mình chết hàng loạt, anh Nguyễn Trường Du (xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) xuống nơi nuôi cá mò thử thì phát hiện 1 chai thuốc trừ sâu. Do đó nghi vấn cá chết là do đầu độc là có cơ sở.
Theo tôi, tính chất vụ việc là rất nghiêm trọng, bởi vậy cơ quan chức năng cần sớm tìm ra nguyên nhân cá chết. Nếu đúng cá của anh Du chết do nhiễm độc thuốc trừ sâu thì vụ việc có dấu hiệu của vụ án hình sự. Do đó cơ quan Điều tra cần khởi tố vụ án hình sự, khẩn trương điều tra, tìm ra thủ phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Nếu phát hiện người thực hiện hành vi đầu độc cá của anh Du thì người đó sẽ bị xử lý thế nào, thưa luật sư?
Trường hợp cá của anh Du bị thiệt hại do hành vi đổ thuốc trừ sâu xuống nơi nuôi cá của anh Du có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ bị truy tố về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định tại Điều 143, Bộ luật Hình sự.
Theo đó “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Nếu phạm tội có tổ chức; để che giấu tội phạm khác; tái phạm nguy hiểm hoặc số cá bị thiệt hại có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Nếu số cá bị thiệt hại có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
Nếu số cá bị thiệt hại có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Bên cạnh việc phải chịu hình phạt, người phạm tội còn phải bồi thường thiệt hại cho anh Du.
Ngoài ra, tôi cho rằng trong những vụ việc kiểu này, hậu quả không chỉ đơn thuần là thiệt hại tài sản mà còn dẫn tới hậu quả lớn hơn. Ví dụ anh ném thuốc sâu, thuốc độc làm tôm cá người ta chết, nếu có ai ăn phải tôm cá chết bị ngộ độc gây tổn hại sức khỏe, hoặc tử vong thì anh cũng phải chịu trách nhiệm hình sự ở lỗi cố ý gián tiếp.
Cảm ơn luật sư!