600.000 tỉ đồng đồng nợ xấu đủ để xây được ba sân bay Long Thành vừa được Thống đốc ngân hàng Nhà nước nêu ra trước Quốc hội. Vậy là, huyết mạch của nền kinh tế vẫn cứ bị nghẽn bởi cục máu đông…
Xử lý nợ hay chốt nợ?
Nợ không đòi được chỉ còn cách bán nợ. Nhưng lúc này, cách xử sự không giống như cách xã hội làm là người bán lẫn người mua chỉ phải trả tiền và nhận tiền khi đòi được nợ. Lúc này, bán nợ có nghĩa là người bán cầm tiền trước, người mua trả tiền và đi đòi. Đòi được hay không thì là chuyện khác, vậy là có sự rủi ro. Và như vậy là, giá mua phải thấp hơn giá trị của khoản nợ đó, dưới giá trị sổ sách. Thị trường mua bán nợ thứ cấp quốc tế đang vận hành theo cách đó và hoạt động khá nhộn nhịp. Giống như các nhà đầu tư mạo hiểm lúc thành lúc bại, các nhà đầu tư mua bán nợ cũng thế. Và đó chính là cánh cửa để xử lý nợ xấu một cách dứt điểm.
Nợ xấu được gom về cho VAMC, lý lịch các ngân hàng trở nên sáng sủa. Nhưng VAMC không đòi được, nợ xấu rơi vào vòng luẩn quẩn.
Vấn đề là Việt Nam hiện vẫn chưa có thị trường mua bán nợ thứ cấp. Việc xử lý nợ xấu “không dùng ngân sách nhà nước” được giao cả cho VAMC, nhưng công ty này mới chỉ xử lý theo hình thức “nhốt nợ”.
Nợ xấu bao nhiêu?
Vậy nợ xấu ở Việt Nam hiện bao nhiêu? 610.000 tỉ đồng nợ xấu đã được xử lý, theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước. Trước Quốc hội, số nợ xấu chính thức còn khoảng 600.000 tỉ đồng.
Xét về tỷ lệ, đến hết 31.12.2016, nợ xấu ở Việt Nam tương đương 10,8% dư nợ cho vay, theo thống đốc Lê Minh Hưng. Con số này vào tháng 9.2012 được cho là 17%, cũng theo ông Hưng. Vậy có nghĩa là nợ xấu đã được xử lý khá tốt và đang giảm?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy nhìn vào bức tranh tăng trưởng tín dụng của Việt Nam từ đó đến nay. Các con số được công bố cho thấy tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12,51%. Mức tăng này năm 2014 là 14,16%, năm 2015 cao ngất ngưởng lên tới 17,29% và đến 2016 thì còn cao hơn nữa, đạt 18,71%. Bài toán chính là càng tăng trưởng tín dụng thì tỷ lệ nợ xấu càng giảm.
Tăng tín dụng cho vay vào nền kinh tế là một cách xử lý nợ xấu không chỉ Việt Nam, Trung Quốc áp dụng. Nhưng, đó là cách không bền vững, với điều kiện nợ xấu không được phát sinh. Vậy thử nhìn lại con số 610.000 tỉ đồng “đã được xử lý” trong thời gian qua, với còn 600.000 tỉ đồng nợ xấu cần phải xử lý tính đến thời điểm cuối năm 2016, sẽ thấy còn nhiều thứ phải làm. Số nợ xấu “đã được xử lý” thực chất mới chỉ là khoanh vùng, và số nợ xấu phát sinh vẫn còn tiếp tục. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đang được đẩy nhanh, tính trong năm tháng đầu năm là... để kịp đến cuối năm đạt mục tiêu 18%. Tỷ lệ nợ xấu, theo lý thuyết, cũng được giảm xuống.
Vấn đề là nợ xấu vẫn còn đó. Huyết mạch của nền kinh tế vẫn cứ bị bịt lại bởi cục máu đông, không chịu tan chảy ra mà còn ngày càng phình to, biến thành khối u độc hại.
Có một thực tế là không ít ngân hàng đang tìm mọi cách nâng cao hình ảnh của mình bằng các tiêu chuẩn quốc tế, như Basel II với việc kiểm soát rủi ro, nhưng lại giấu nhẹm tình trạng nợ xấu theo tiêu chuẩn này. Các ước tính bên ngoài cho thấy số nợ xấu thực tế tại các tổ chức tín dụng ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các con số được công bố, dù tài liệu mới nhất của ngân hàng Nhà nước chỉ ra 10,8%. Các chuẩn mực quốc tế như IMF quy định: các khoản vay trong vòng ba tháng chủ nợ không trả được gốc lẫn lãi thì là nợ xấu. Nếu tính theo cách này, số nợ xấu hẳn là cao vọt.
Các tổ chức như ngân hàng huy động vốn từ nền kinh tế rồi lại bơm vốn vào nền kinh tế. Nay, một số vốn rất lớn bị kẹt lại và nguy cơ mất, hoặc teo tóp, ắt hẳn ngân hàng sẽ phải tìm cách bù đắp. Một trong những cách để hạn chế rủi ro là trích lập dự phòng. Vậy là, lãi suất cho vay đầu ra ắt sẽ phải cao. Ai dám vay lãi cao? Là những dự án rủi ro nhiều. Những ngân hàng đã âm vốn, đã bị kiểm soát đặc biệt, theo lẽ, phải tìm cách để có người gửi tiền, thì mới có thanh khoản. Một khi vốn huy động đầu vào cao, tiền cho vay cao thì nền kinh tế vốn sẽ có nhiều khó khăn và bất ổn, phải gánh đỡ. Rủi ro đó là nguy cơ nợ xấu...