Trở về thời bình với sức khỏe giảm sút khi vừa là thương binh, vừa là bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam, nhưng cựu chiến binh Trịnh Đình Cây vẫn vượt lên hoàn cảnh để làm giàu. Ông xứng đáng là tấm gương nông dân tiêu biểu trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng Phước Long, Bình Phước.
Khởi nghiệp từ...100 đồng
Luôn bận rộn với vườn tược, sắp xếp mãi cựu chiến binh Trịnh Đình Cây mới cho chúng tôi một cuộc hẹn. Từ thị xã Đồng Xoài, chúng tôi chạy xe khoảng 50km theo đường ĐT 741 hướng về thị xã Phước Long, và dễ dàng tìm ra căn nhà khang trang, rộng rãi của ông ở trung tâm phường Long Thủy. Tiếp chúng tôi, ông Cây luôn nhiệt tình, niềm nở như gặp người thân ở xa mới về. “Hôm nay tôi đi làm bảo hiểm cho chiếc xe nên mới ở nhà, chứ không thì đang ở rẫy rồi. Từ nhà vào rẫy mỗi ngày đi mất hơn 50km nhưng tôi vẫn đều đặn vào, không coi không được đâu”.
Ông Trịnh Đình Cây chia sẻ kinh nghiệm làm giàu với phòng viên NTNN. Ảnh: Hữu Ký
Ông kể nhà cách vườn khoảng 25km, đường đi lại còn khó khăn nhưng hàng chục năm qua ông vẫn tự chạy xe vào làm vườn. Có những hôm trời mưa trơn trượt, ông phải nhích xe từng chút trên đường mòn, rồi việc bị trượt té cũng không phải hiếm. Ông “thú nhận”, do đã quen đụng tay đụng chân nên hàng ngày ông phải kiếm việc gì đó làm chứ không thể ngồi không. Đến nay dù gần 70 tuổi, lại mang bệnh trong người nhưng niềm đam mê lao động vẫn chưa cạn kiệt trong ông.
Ông khẳng định làm nông vất vả nhưng chẳng thấm vào đâu so với thời kỳ ông đi bộ đội. Trải qua chiến tranh ác liệt đã rèn cho ông tinh thần, nghị lực vững chắc để lao động sản xuất. Đây cũng là một trong những lý do giúp ông đã gây dựng được cơ nghiệp đáng mơ ước với thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Nói về việc bén duyên với vùng đất cách mạng Phước Long, ông Cây cho biết, năm 1969 ông được điều động vào chiến trường Đông Nam Bộ. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông về tiểu đoàn 778 ở Bù Gia Mập làm kinh tế. Do sức khỏe không đảm bảo, năm 1982 ông rời quân ngũ theo diện chính sách và được hưởng chế độ thương binh (2/4), bệnh binh (4/4), và nạn nhân chất độc da cam. Từ đó, ông quyết định ở lại vùng đất Phước Long lập nghiệp luôn.
Lão nông Trịnh Đình Cây gần 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn vào vườn chăm sóc cây. Ảnh: Hữu Ký
Ông chia sẻ, lúc đầu vợ chồng ông thiếu thốn trăm bề, làm quần quật vẫn không ổn. Sau đó ông may mắn vay được...100 đồng (tương đương 3 chỉ vàng thời đó) từ Ngân hàng Nông nghiệp Phước Long làm vốn. Từ đồng vốn ấy, lại được nhà nước giao cải tạo đất trống đồi trọc, ông đứng ra vận động bạn bè, con cháu khai hoang.
Có đất, ông trồng các cây ngắn ngày (bắp, mì, bo bo…) gây dựng thêm vốn trồng cây công nghiệp lâu năm, rồi ông kinh doanh buôn bán thêm để có nguồn vốn. Nhờ vậy đến năm 1988 ông khai hoang được khoảng 160ha đất. Sau đó ông chuyển giao lại một phần diện tích cho bạn bè, bà con, chỉ giữ lại 75ha.
Đất rộng là thế, trồng nhiều loại cây là thế, nhưng ông vẫn phải mượn đầu này đắp đầu kia. Những lúc mùa màng thất bát, giá nông sản thấp, tiền đầu tư máy móc thiết bị nhiều khiến ông chới với. Đáng nhớ nhất với ông là việc hợp tác với Công ty mía đường Bình Dương trồng 60ha mía. Vẫn tưởng sẽ có đầu ra ổn định, nhưng không ngờ sau 1 – 2 vụ công ty rút, ông lại rơi vào cảnh điêu đứng, 60ha mía của ông phải đốt bỏ.
“Các cây ngắn ngày chỉ đủ để sống qua ngày thôi chứ không dư dả được, việc trồng cây chỉ là lấy công làm lời. Trong giai đoạn từ năm 2006 – 2009 các loại nông sản rớt giá thê thảm, trồng bao nhiêu lỗ bấy nhiêu, lúc đó tôi chỉ muốn bán hết đất, nhưng sau đó lại ráng cầm cự cho qua” - ông cây chia sẻ
May mắn cho ông, đến năm 2009 - 2010 giá mủ cao su lên cao chót vót đã giúp ông qua được đận khó khăn. Thời đó giá mủ cao su gần 40.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình ông thu được khoảng 40 triệu đồng. Nhờ đó ông trả hết nợ nần và tự tin thôi kinh doanh xăng dầu, vật tư để chuyên tâm làm nông.
Thành công nhờ sự đam mê
Đến nay kinh tế gia đình đã ổn định, ông Cây chia đất lại cho các con, chỉ giữ lại 14ha cao su, 6,5ha hồ tiêu. Vườn cao su của ông hiện mỗi tháng cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng, nhờ vậy ông càng chuyên tâm đầu tư vào vườn tiêu sạch để có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Giới thiệu về vườn tiêu, ông cho biết, bên trên các nọc tiêu được bao phủ lưới che bớt nắng, bên dưới là thảm cỏ xanh mướt để giữ ẩm, chống xói mòn đất. Cỏ trong vườn lên cao, ông chỉ dùng máy phát hoặc nhổ chứ không dùng thuốc trừ cỏ. Đặc biệt, vườn tiêu của ông không hề sử dụng chất hóa học nhưng vẫn xanh tốt, tỷ lệ hao hụt ít. Hiện tiêu chuẩn bị cho thu hoạch đợt đầu và hứa hẹn mang lại một nguồn thu không nhỏ.
Chia sẻ bí quyết làm ăn, lão nông Trịnh Đình Cây cho biết, để làm tốt thì cần nhiều yếu tố. Với ông, dù có nhiều kinh nghiệm nhưng ông vẫn thường xuyên lên mạng học hỏi cách làm ăn. Ông luôn đưa ra tính toán tiết kiệm chi phí nhất nhưng mang lại hiệu quả sản xuất cao nhất. Chẳng hạn, để có phân bón cho cây trồng, mỗi năm ông phải thu gom phân bò về rồi trộn với xác thực vật mang đi ủ, sau 3 tháng có thể bón cho cây. Hay ông trang bị hệ thống tưới tự động nhỏ giọt để tiết kiệm nhân công khi chỉ cần 1 – 2 người có thể dễ dàng tưới vườn tiêu 6,5ha.
Nhưng với cách làm quy mô lớn, ông nhấn mạnh, cần phải có nguồn vốn kịp thời. “Không có vốn thì khó làm lắm. Chẳng hạn như việc nhổ cỏ thì phải nhổ đúng thời điểm, giả sử như cỏ trong vườn đến ngày nhổ, nếu nhổ đúng thời điểm thì 1ha chỉ tốn 10 công, nhưng nếu chưa lo kịp để thêm mấy ngày cỏ lên cao hơn nữa thì phải tốn 15 – 20 công”.
Ông cũng dẫn chứng về hiệu quả của việc trồng xen canh, theo cách của ông, dù không mang lại năng suất cao, nhưng vẫn có mặt lợi là đỡ tốn tiền công làm cỏ. Chẳng hạn, nếu như 1ha không trồng xen mỗi năm đều phải làm cỏ 2 đợt (tốn khoảng 2 triệu đồng), còn trồng xen chỉ cần làm 1 đợt khoảng 1 triệu đồng, tính ra 100ha thì mỗi năm được lợi cả trăm triệu đồng.
Đặc biệt hơn, lão nông Trịnh Đình Cây cho rằng, là nông dân thì phải lấy nông nghiệp làm gốc, phải có niềm đam mê. Đó là lý do tại sao tuổi cao, sức yếu nhưng hàng ngày vẫn vào vườn kiểm tra từng gốc cây, từng nọc tiêu. Ông “khoe” rằng vườn tiêu hơn 6.000 nọc nhưng ông đều đánh dấu lại và nắm được nọc nào có bệnh để trị kịp thời.
Phó chủ tịch UBND phường Long Thủy - ông Phạm Văn Du, cho rằng ông Trịnh Đình Cây là một tấm gương nông dân tiêu biểu tại địa phương. Trước đây gia đình ông Cây cũng khó khăn nhưng dần dần đã vươn lên làm giàu chính đáng, mô hình làm ăn của ông được nhiều người tham quan học tập. Không những vậy, lão nông Trịnh Đình Cây còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương. Bất cứ đợt vận động nào ông cũng đều nhiệt tình tham gia.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân thị xã Phước Long, nhờ những thành tích trong lao động sản xuất, gia đình lão nông Trịnh Đình Cây đã đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2006-2010; hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương 5 năm 2005-2010; ghi danh Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi…
Không chỉ làm giàu cho mình, cựu chiến binh Trịnh Đình Cây còn tích cực đóng góp trong phòng trào xây dựng NTM. Những năm qua ông đã ủng hộ 250 triệu đồng làm đường giao thông, ủng hộ 210 triệu đồng cho các hộ nghèo từ năm 2014 – 2017. Vào dịp tết hàng năm ông đều hỗ trợ quà, hiện vật cho hội viên nông dân nghèo, hộ khó khăn. Ông còn giúp đỡ 15 hộ nghèo, hộ khó khăn phát triển kinh tế; xây dựng được 5 nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho các gia đình có công với cách mạng, các hộ nghèo tại địa phương… |