TTVH Online

Khối ngoại ồ ạt “đánh chiếm”, thị trường địa ốc sẽ ra sao?

Phong Cầm 20/08/2017 07:00 GMT+7

Năm 2017 là một năm đánh dấu một cột mốc bùng nổ của hoạt động M&A bất động sản. Sự “bành trướng” của các quỹ ngoại đang diễn ra ngày một quy mô hơn với hàng loạt thương vụ tỷ đô đình đám. Thị trường địa ốc sẽ được và mất gì trong cơn lốc M&A này?

Khối ngoại đang ồ ạt đánh chiếm thị trường địa ốc với hàng loạt thương vụ M&A tỷ đô

Bùng nổ thương vụ M&A tỷ đô

Xâm nhập và mở rộng ảnh hưởng trên thị trường địa ốc Việt, đang là hướng đi chung của nhiều quỹ ngoại có tiềm lực tài chính khổng lồ. Thị trường địa ốc đang sốt dẻo thông tin, hàng chục doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản có thể rót tới 2 tỷ USD vào thị trường địa ốc Việt Nam thời gian tới và đích ngắm là các dự án tại TP.HCM, Hà Nội...

Hai tên tuổi lớn đến từ Singapore đã đặt dấu ấn trên thị trường từ lâu và ngày càng mở rộng ảnh hưởng. CapitalLand (Singapore) vừa mua lại 90% cổ phần của một dự án rộng 0,8 ha ở Thảo Điền, TP.HCM, để phát triển hơn 300 căn hộ. Keppel Land đã chi 846 tỷ đồng (khoảng 37 triệu USD) để sở hữu thêm 16% trong dự án Saigon Centre tại quận 1, TP.HCM.

Vào tháng 3.2017, Hongkong Land  đã trở thành đối tác chiến lược của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) trong việc khai thác các dự án nhà ở trên quỹ đất nhận được tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tập đoàn này cũng đang bắt tay với Sơn Kim Land để phát triển nhiều dự án căn hộ cao cấp tại khu Đông, và sắp tới là chuyển sang phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tại Phú Quốc.

Một tập đoàn khác đến từ Hồng Kông là Sunwah cũng đang âm thầm triển khai dự án cao cấp tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Hay như tại Hội An, sau nhiều năm trì hoãn, cuối cùng dự án resort kết hợp casino Nam Hội An trị giá 4 tỷ USD của VinaCapital cũng đã được khởi công vào năm 2016 sau khi chọn được đối tác ưng ý là Tập đoàn Chow Tai Fook đến từ Hồng Kông.

Nhóm nhà đầu tư Trung Quốc là Tập đoàn China Fortune Land Developmet đánh dấu sự có mặt của mình tại thị trường Việt Nam thông qua việc mua lại Dự án Đại Phước Lotus (Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) của VinaCapital với giá trị 65 triệu USD.

Mới đây nhất, Tập đoàn Anpha Holdings vừa hoàn tất thương vụ thâu tóm 99,98% cổ phần Công ty Cổ phần Địa ốc Nova Galaxy từ Tập đoàn Novaland. Thương vụ hoàn tất vào tuần vừa qua, tuy nhiên, giá trị của thương vụ mua lại này không được công bố. Công ty Cổ phần Địa ốc Nova Galaxy (có vốn điều lệ 500 tỷ đồng), là chủ đầu tư của dự án Galaxy 9 tại đường Nguyễn Khoái, quận 4. Thị trường địa ốc Việt Nam đang trở thành “miếng bánh” đầy hấp dẫn trong mắt của các tập đoàn, quỹ ngoại.

Một siêu dự án của Capital Land tại trung tâm TP.HCM

Thị trường địa ốc sẽ được mất gì?

Theo phân tích của giới kinh doanh địa ốc, sự khởi sắc của thị trường bất động sản thời gian qua đã mang lại nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp có dự án tốt. Việc các doanh nghiệp có năng lực tài chính, có hoạt động đầu tư kinh doanh chuyên nghiệp mua lại những dự án chết được xem là chiến lược mới trong xu hướng đi tắt đón đầu của các doanh nghiệp.

Đại diên Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) ông Lê Hoàng Châu, vừa có buổi làm việc với các quỹ Nhật giới thiệu 197 dự án đầu tư theo hình đối tác công - tư (PPP) và 120 dự án trọng điểm cấp quốc gia tại TP.HCM đang kêu gọi đầu tư. Ông cho biết, quỹ Nhật chỉ chọn đối tác tin cậy, có năng lực và hai bên cùng có lợi. “Việc các quỹ ngoại đẩy mạnh M&A không chỉ giúp thị trường địa ốc tháo gỡ được các khó khăn về vốn và hàng tồn kho. Nó còn kích thích nội lực cho các DN trong nước đẩy mạnh về chất lượng và quy trình quản lý”- ông Châu nói.

Vị chủ tich HoREA cũng cho rằng, yếu tố Win-Win sẽ  lan tỏa, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Vì với với bầu sữa tài chính “khủng”, các dự án sẽ được bảo đảm tiến độ và chất lượng. Song song với nó là quy trình quản lý chất lượng hiện đại và khoa học sẽ bảo đảm được đời sống của cư dân bên trong các dự án.

“Trong làn sóng xâm chiếm mạnh mẽ của vốn ngoại, chỉ các đại gia địa ốc nội mới lo lắng, người tiêu dùng rõ ràng sẽ được nhiều hơn mất”- một chuyên gia khác phân tích. Cuộc cạnh tranh gay gắt sẽ đưa chất lượng sản phẩm lên cao hơn và giá cả giảm xuống. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, làn sóng đó chỉ tạo cú hích có giới hạn, về mặt vĩ mô, khó có thể trông đợi nhiều.

Sự "bành trướng" của vốn ngoại giúp DN và người mua nhà được lợi, tuy nhiên khó kỳ vọng vào tích cực vĩ mô

Ông phân tích, hầu hết quỹ ngoại hiện tại vẫn chấp nhận “nhập gia tùy tục”, tức là vẫn chịu sự chi phối lớn của thông lệ thị trường nội địa. Hầu hết vẫn chấp nhận thị trường địa ốc thiếu minh bạch. “Có một điều đáng chú ý là hầu hết quỹ ngoại đều đến từ châu Á. Những thị trường lớn như Mỹ hoặc châu Âu chưa đổ bộ vào Việt Nam”- ông nói. Đặc tính của các quỹ đó rất khó chấp nhận thị trường không sòng phẳng và chi phí đen. Đây cũng chính là điều khiến địa ốc Việt chưa thật sự trở thành sân chơi toàn cầu.

Thực tế khác là hầu hết quỹ ngoại khi tham gia thị trường đều “nhờ cậy” DN nội trong việc lobby thủ tục cho dự án và truyền thông Markerting. Điều này cho thấy họ cũng bị động trong việc tạo sân chơi sòng phẳng. “Lợi nhuận, có thể coi là mục tiêu duy nhất khối ngoại nhắm đến. Nên việc trông cậy khối ngoại sẽ nâng cao tính minh bạch cho thị trường địa ốc là lạc quan tếu”- vị chuyên gia khẳng định.

Nguyễn Tường
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN