Gần 790ha rừng trồng thuộc các xã khó khăn của các tỉnhYên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau đã được phủ một màu xanh mướt của các loài keo lai và keo tai tượng, hứa hẹn sẽ mang lại năng suất và giá trị kinh tế cao cho nhân dân trong vùng.
Đây là kết quả bước đầu từ mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn thuộc dự án khuyến nông Trung ương “Trồng rừng thâm canh (keo lai và keo tai tượng) gỗ lớn và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn”, triển khai từ năm 2014 – 2016.
Lãnh đạo Vụ Phát triển rừng -Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn tại xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. ảnh: Nhữ Văn
Tăng năng suất và giá trị kinh tế rừng trồng
Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn được triển khai ở các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Cà Mau. Đây là những địa phương có diện tích rừng lớn, tuy nhiên đời sống của người dân làm kinh tế rừng còn gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, tổng diện tích xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn là 789/720ha (đạt 109,5% kế hoạch), trồng tại 36 huyện với 453 hộ tham gia. Trong đó, mô hình keo lai sử dụng các giống tiến bộ kỹ thuật cho năng suất cao đã được Bộ NNPTNT công nhận, như BV10, BV16, BV32, BV33, BV 73, BV75. Mô hình keo tai tượng sử dụng giống keo của Úc, xuất xứ Pongakii.
Mô hình được triển khai trồng tương đối tập trung, gần đường giao thông, gần các khu dân cư nên thuận lợi cho việc tham quan học tập mô hình. Theo Ths Nhữ Văn Kỳ, 2 giống keo này đều có năng suất, giá trị kinh tế cao, sinh trưởng và phát triển nhanh, mọc được trên nhiều dạng lập địa khác nhau, phù hợp cho trồng rừng quy mô lớn.
Bà Bùi Thị Thủy ở xã Lương Sơn (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, ban đầu gia đình bà cũng như các hộ trong xã không khỏi hoài nghi về hiệu quả của mô hình, bởi chu kỳ kinh doanh của cây keo này từ 12-14 năm, trong khi gia đình có thói quen khai thác sớm từ 5-7 năm. Qua tư vấn của cán bộ Chi cục Lâm nghiệp Thanh Hóa, gia đình bà mạnh dạn tham gia mô hình với diện tích 3ha. Mỗi ha, bà được hỗ trợ 1.563 cây keo tai tượng và 399kg phân NPK cho năm đầu tiên. Năm thứ 2 và thứ 3 được hỗ trợ 266 kg phân NPK/ha/năm.
Kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây keo tại huyện Tân Lạc (Hoà Bình). Ảnh: T.L
Hiện rừng keo tai tượng của nhà bà Thủy được 28 tháng tuổi và đã khép tán, chiều cao vút ngọn khoảng 6 - 7m, đường kính 8-9 cm, thân thẳng tắp. Chỉ sang lô rừng bên cạnh, bà Thủy cho biết đó là lô rừng được trồng cùng thời điểm với lô rừng nhà bà do gia đình tự đầu tư, cây giống tự mua không rõ nguồn gốc. Lô rừng này trồng dày nên cây nhỏ, chỉ cao khoảng 5m, sinh trưởng không đồng đều, lá vàng, có biểu hiện thiếu dinh dưỡng.
Hướng về phía dẻo đồi xanh mướt, ông Nguyễn Thễ - Chủ nhiệm HTX Phú Hưng, xã Hải Phú (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) phấn khởi khoe hơn 10ha rừng trồng keo lai, 25 tháng tuổi đang lên xanh tốt.
Ông Thễ cho biết: “HTX được giao 278ha đất rừng, sau khi khai thác 10ha keo lai thu nhập đạt 720 triệu đồng, bình quân 12 triệu đồng/ha/năm, tôi thấy như vậy là rất thấp. Khi được Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị tư vấn về mô hình thâm canh gỗ lớn với chu kỳ kinh doanh dài gấp đôi gỗ nhỏ, nhưng hiệu quả cao hơn gấp rưỡi và HTX đang thực hiện cấp chứng chỉ FSC cho những lô rừng còn lại, tôi đã chủ động họp bàn với Ban quản trị HTX tham gia dự án”.
Đòn bẩy kinh tế lâm nghiệp
Cán bộ khuyến nông kiểm tra rừng keo được trồng tại huyện Tân Lạc (Hoà Bình). Ảnh: T.L
Ths Nhữ Văn Kỳ - Chủ nhiệm dự án cho biết, các giống keo tại các mô hình trồng rừng thâm canh có tốc độ sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%.
Các dòng keo lai BV 16, BV 32 năng suất trung bình từ 20-25 m3/ha/năm; các dòng TB03, TB05, TB 06, TB12, AH1, AH7 năng suất từ 30 – 35 m3/ha/năm; các dòng keo tai tượng Úc có xuất xứ Pongakii, Carwell… năng suất có thể đạt 20 - 25 m3/ha/năm. Gỗ các giống keo này đều thích hợp để làm giấy, ván dăm, ván MDF, PALET ván sàn, làm gỗ xẻ và đồ mộc. |
Tác dụng lớn nhất của phát triển rừng gỗ lớn là chủ động tạo nguồn nguyên liệu trong nước cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản. Thực tế, do diện tích rừng trồng ở nước ta hiện chủ yếu là rừng ngắn ngày nên chất lượng gỗ không cao, với 80% sản lượng sử dụng cho công nghiệp giấy. Chỉ một lượng gỗ nhỏ khai thác trong nước được sử dụng chế biến đồ gỗ nội thất và mỹ nghệ, cho thu nhập cao.
“Để đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ, hàng năm các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ 4 - 4,5 triệu m3 gỗ nguyên liệu từ nước ngoài. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đồ nội thất và mỹ nghệ của nước ta đều yêu cầu sản phẩm làm từ gỗ được cấp chứng chỉ. Để có chứng chỉ này, bắt buộc phải là gỗ khai thác từ những nơi có chứng chỉ rừng, mà để được cấp chứng chỉ thì phải là rừng gỗ lớn. Không có cách nào khác, chúng ta phải phát triển rừng gỗ lớn, đây cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp nước ta hiện nay” - Ths Nhữ Văn Kỳ nhấn mạnh. /.