Trong báo cáo mới nhất gửi UBND tỉnh về vụ phá rừng phòng hộ, Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, kiểm lâm và chính quyền cơ sở đã buông lỏng, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ... nên để xảy ra phá rừng hàng loạt.
Ngày 28.9, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo toàn bộ vụ việc rừng và việc phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh (Tiên Phước) với UBND tỉnh Quảng Nam và giải pháp điều tra làm rõ các đối tượng phá rừng.
Theo Sở NN&PTNT, địa bàn xã Tiên Lãnh có diện tích tự nhiên là 7.490,11ha, trong đó diện tích quy hoạch lâm nghiệp là 5.603,75ha, gồm: rừng phòng hộ 2.546,42ha, rừng sản xuất 3.057,33ha và đất ngoài 3 loại rừng 1.886,36ha.
Rừng phòng hộ Tiên Lãnh bị tàn phá khủng khiếp. Ảnh: Trương Hồng
Riêng vụ phá rừng tại Tiên Lãnh, từ 2011 đến 2016, Hạt Kiểm lâm đã phát hiện lập biên bản 44 vụ về hành vi phá 63,123ha rừng phòng hộ và 36,908 ha rừng sản xuất, thuộc loại rừng nghèo; xử lý 29 vụ (khởi tố điều tra 11 vụ). Toàn bộ diện tích vi phạm sau xử lý, UBND huyện đã ban hành quyết định giao cho UBND xã Tiên Lãnh quản lý và tổ chức trồng lại rừng theo quy hoạch.
Trong năm 2017, Hạt Kiểm lâm quản lý địa bàn đã phát hiện lập biên bản 10 vụ về hành vi phá rừng, diện tích thiệt hại 24,790ha rừng tự nhiên nghèo, chức năng phòng hộ. Hạt cũng đã khởi tố 1 vụ án vào ngày 21.9 với tội danh “Hủy hoại rừng”, tại khu vực Dội Lớn, thuộc khoảnh 3, tiểu khu 556 và bắt tạm giam đối tượng Phùng Văn Bảy để điều tra làm rõ. Các vụ vi phạm còn lại đang phối hợp cùng Cơ quan Điều tra hoàn chỉnh hồ sơ để khởi tố và xử lý theo quy định.
Những cây gỗ có đường kính to bị chặt hạ không thương tiếc để lấy đất trồng keo. Ảnh: Trương Hồng
Theo ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, để xảy ra phá rừng thời gian qua, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam mà trực tiếp là Trạm Kiểm lâm quản lý địa bàn huyện Tiên Phước chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao. Chính quyền địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đôi lúc còn buông lỏng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Để khắc phục những sai phạm nêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát Điều tra để sớm hoàn chỉnh hồ sơ các vụ vi phạm còn lại để khởi tố, điều tra và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
“Riêng với diện tích rừng bị phá ngoài việc buộc các đối tượng vi phạm trồng lại rừng theo quy định, thì tham mưu xây dựng phương án trồng lại rừng phòng hộ theo quy hoạch; đồng thời tham mưu chính quyền địa phương xây dựng phương án giao đất rừng sản xuất cho người dân để trồng rừng sản xuất vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa tăng diện tích rừng và độ che phủ của rừng…” - ông Hưng nói.
Như Dân Việt thông tin, từ đầu năm đến ngày 15.9, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam đã kiểm tra và phát hiện trên địa bàn xã Tiên Lãnh xảy ra 10 vụ phá rừng tự nhiên, chức năng phòng hộ, diện tích rừng thiệt hại 23,776ha (thuộc các Tiểu khu 556, 557). Trong đó có 21,996ha nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng do BQL dự án trồng rừng huyện Tiên Phước làm chủ.
Dân Việt tiếp tục thông tin.