Xung quanh vụ KhaiSilk bán hàng “made in China” giả danh hàng Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (HVNCLC), cho rằng, đây phải chăng chỉ là cái kim trong bọc? Còn rất nhiều hàng Tàu “đội lốt” hàng Việt, cạnh tranh với chính doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Hạnh chia sẻ, các mặt hàng “made in Trung Quốc” hiện đã thống lĩnh không ít lãnh vực hàng hóa Việt Nam: từ thời trang (quần áo, giày dép), vật liệu xây dựng, phân bón thuốc sâu thuốc cỏ, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử…
Từ mấy năm nay, qua cuộc điều tra người tiêu dùng mà Hội Doanh nghiệp HVNCLC tổ chức thường niên, chúng tôi thấy, ở các ngành này có nhiều doanh nghiệp “qua đời” lặng lẽ vì cạnh tranh không lại. Có những siêu thị lớn nổi tiếng ưu ái hàng Việt, bán hàng thời trang, ngoài dán nhãn made in Việt Nam nhưng trong bâu áo, còn nguyên nhãn “made in China".
“Tôi đến thăm trung tâm triển lãm hàng vật liệu xây dựng Phật Sơn, thấy trên nóc của cái sảnh khổng lồ có treo cao một lá cờ Việt Nam to ở vị trí rất trọng vọng. Người hướng dẫn nói thật: Việt Nam là một trong những quốc gia nhập hàng vật liệu xây dựng của chúng tôi nhiều nhất, là... khách sộp!”, bà Hạnh kể.
Sản phẩm "made in China" bị KhaiSilk cắt mác, giả xuất xứ "made in Viet Nam"
Trước sự đổ bộ mạnh mẽ của hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp HVNCLC mấy năm trước hăng hái “bắc tiến” nhưng những năm gần đây, nay không ít công ty phải quay ngược trở về vì chịu không nổi hàng Tàu”, bà Hạnh dẫn chứng.
Nhưng việc có mặt ở khắp nơi chưa là điều đáng nói, hàng hóa Trung Quốc hiện biết thiên hạ sợ cái “gốc gác” của mình, nên nhiều thương nhân đã kịp thời “thay tên đổi họ”, lừa người tiêu dùng. Có doanh nghiệp còn lấy hàng Trung Quốc dán nhãn hàng Thái, chui vào hội chợ Thái Lan ở Việt Nam.
“Có doanh nghiệp còn… chui vào tận các khu nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi. Họ nhập nông sản của họ qua, lau rửa sơ sơ, dán nhãn Việt xuất xứ Khu Nông nghiệp Công nghệ cao”, bà Hạnh chia sẻ
Theo bà Kim Hạnh, doanh nhân Việt Nam nhập hàng Trung Quốc về bán, ngoài vì thời thế thị trường, mà còn vì “tham” do hàng hóa quá rẻ, mẫu mã nhiều dễ bán, giao nhanh, trả tiền chậm; vì “lừa”, thực sự hàng Trung Quốc cũng dễ lừa người tiêu dùng vì dán nhãn lung tung đâu dễ bị phát hiện. Trong khi đó, sản phẩm hàng hóa Việt Nam không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc, trước nhất vì mình yếu, thiếu sức cạnh tranh.
“Nhưng nếu hàng Trung Quốc làm giả, gian lận thương mại, có độc tố vẫn cứ còn “thênh thang” trên thị trường bằng chính sách ưu ái, bằng sự ngần ngại “đụng” (gian thương) Trung Quốc, bằng đường tiểu ngạch… thì hàng Việt còn lâu mới vươn lên cạnh được”, bà Hạnh đặt vấn đề.
Chi cục Quản lý Thị trường TP.HCM cũng đã kiểm tra các cửa hàng KhaiSilk trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: IT
Trong khi đó, ông Phan Hoàn Kiếm – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, ngay trong hôm nay (27.10), đơn vị này đã tổ chức các đội kiểm tra, xác minh lại những cửa hàng bán sản phẩm của KhaiSilk trên địa bàn. Tuy nhiên, hầu hết các điểm này đều đã đóng cửa nên Chi cục chưa thể kiểm tra.
“Việc giả nhãn mác cũng được quy là hàng giả. Chúng tôi đã bố trí lực lượng theo dõi và báo cáo tình hình trong những ngày tới. Điều quan trọng là chúng tôi cần kiểm tra xem KhaiSilk có cơ sở sản xuất lụa hay không, hay tất cả đều nhập từ Trung Quốc về rồi gắn mắc hàng Việt” – ông Kiếm cho biết.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cũng sẽ “siết” việc kiểm tra các sản phẩm của những thương hiệu lớn, có uy tín. Bởi theo ông Kiếm, những thương hiệu lớn thường dễ qua mặt cơ quan chức năng khi kiểm tra, kiểm soát.
Phải xem là hành vi "gian lận thương mại", lừa dối khách hàng! Luật gia Phan Thị Việt Thu - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM nhận định, hành động của thương hiệu KhaiSilk là gian lận thương mại, lừa dối khách hàng. Theo quy định, doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp mọi thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường, trong đó bao gồm xuất xứ để khách hàng tự do quyết định có nên mua hay không. Đặc biệt trong tình hình nhiều hàng hóa Trung Quốc đang gây ra nhiều lo lắng vì chất lượng không đảm bảo. Cũng đã từng xảy ra nhiều vụ vải Trung Quốc có tồn dư hóa chất gây độc hại, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng… thì việc lấy hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam càng không thể chấp nhận được. |