TTVH Online

Gần 88% nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp

Phong Cầm 19/10/2011 06:55 GMT+7

Dân Việt - Chỉ tính riêng từ tháng 1.2010 đến tháng 10.2011, toàn quốc có 12 vụ việc nhà báo tác nghiệp được báo chí phản ánh, 7 vụ nhằm vào các nạn nhân là người tuy hoạt động báo chí nhưng không được cấp thẻ nhà báo.

88% là con số mà nhóm dự án "Nghiên cứu - truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp" của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển công bố trong buổi hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu và đóng góp hoàn thiện khung chính sách bảo vệ nhà báo tác nghiệp tổ chức ngày 17.10 tại Hà Nội.

Những con số biết nói

Nhóm chuyên gia thực hiện dự án "Nghiên cứu - truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp" của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển - RED Communication đã lấy ý kiến của 7,2 vạn bạn đọc qua 6 tờ báo trực tuyến uy tín gồm Vietnamnet, VTC News, Dân Việt, Thanh niên online, Pháp luật TPHCM online, Người lao động online, đồng thời khảo sát trực tiếp 384 nhà báo, phóng viên đang hoạt động báo chí ở tất cả các loại hình.

 
Quang cảnh buổi hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu và đóng góp hoàn thiện khung chính sách bảo vệ nhà báo tác nghiệp

Kết quả khảo sát cho thấy, trên 87,90% (327/384) nhà báo được hỏi cho biết đã từng bị cản trở trong quá trình tác nghiệp bằng nhiều hình thức, hành vi khác nhau.

Cụ thể, các kiểu cản trở nhà báo tác nghiệp được chia làm 12 nhóm hành vi, bao gồm: Né tránh cung cấp thông tin; Gây khó dễ; Mua chuộc; Gián tiếp ngăn chặn hoạt động tác nghiệp; Thu giữ phương tiện tác nghiệp; Phá hoại, tiêu hủy phương tiện tác nghiệp; Đe dọa; Giữ người; Bôi nhọ, vu khống; Tấn công, gây thương tích; Trả thù; Quấy rối tình dục.

Điều đáng nói là cũng qua kết quả khảo sát đối tượng cản trở nhà báo tác nghiệp của RED Communication, nhân viên, cán bộ cơ quan nhà nước là đối tượng cản trở nhà báo tác nghiệp nhiều nhất (75,26%), tiếp theo đó là doanh nghiệp (42, 97%), đối tượng xã hội khác như lưu manh, côn đồ..(38,80%)…

Mặc dù pháp luật quy định rất rõ không được cản trở báo chí khi hoạt động nghề nghiệp nhưng trên thực tế vẫn diễn ra rất nhiều vụ nhà báo bị tấn công, gây bức xúc trong dư luận, nhiều vụ việc không được xử lý nghiêm minh.

Theo thống kê, chỉ tính riêng từ tháng 1.2010 đến tháng 10.2011, toàn quốc có 12 vụ việc nhà báo tác nghiệp được báo chí phản ánh, 7 vụ nhằm vào các nạn nhân là người tuy hoạt động báo chí nhưng không được cấp thẻ nhà báo.

Đặc biệt, có những vụ cản trở với tính chất nghiêm trọng khiến nhiều nhà báo bị tổn thương sức khỏe, đe dọa tính mạng. Cụ thể như trường hợp nhà báo Trần Thế Dũng (báo Người lao động) bị nhóm buôn lậu hành hung tại Lạng Sơn, anh bị đa chấn thương; nhà báo Võ Minh Châu (báo Tiền Phong) bị đánh tại Hà Tĩnh với tỷ lệ thương tật 3%; nhà báo Võ Thanh Mai (báo Nông nghiệp Việt Nam) bị 2 đối tượng lạ mặt tấn công bằng dao, cấp cứu trong tình trạng mất nhiều máu…

Mổ xẻ nguyên nhân nhà báo bị cản trở

Theo ý kiến của nhiều nhà báo tham dự hội thảo, một trong những nguyên nhân chính khiến nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp đó là do bất cập về luật. Chưa có cơ chế pháp luật đồng bộ và đủ mạnh để đảm bảo quyền lợi của nhà báo cũng như xử phạt những đối tượng có hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp.

Dự án nghiên cứu - truyền thông về các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp do RED Communication – tổ chức trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện dưới sự giúp đỡ tài chính của Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh thông qua Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 6-11.2011.

Nhà báo Nguyễn Thanh Hà, báo điện tử VTC News bày tỏ, nguyên nhân dẫn tới việc nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp có thể được phân tích ở 3 góc độ.

Tuy nhiên, góc độ chính của nguyên nhân dẫn tới hành vi cản trở tác nghiệp của nhà báo là do chưa có một cơ chế pháp luật đồng bộ và đủ mạnh để đảm bảo cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp. Dù quyền của phóng viên, nhà báo đã được quy định nhưng quy chế thực thi quyền này còn chưa được xây dựng đồng bộ và cụ thể.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Mai Phan Lợi, báo Pháp luật TP HCM khẳng định, ở Việt Nam chưa từng có một đề tài nghiên cứu nào cụ thể hóa về “cản trở báo chí tác nghiệp”. Và mới đây nhất, nghị định 02/2011/NĐ-Cp của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí - xuất bản, tại điều 6, chỉ mới nhắc tới một định nghĩa về “hành vi cản trở bất hợp pháp hoạt động báo chí”.

 
Một số nhà báo bị hành hung trong thời gian gần đây

Song, đối tượng được áp dụng nghị định trên chỉ dành cho nhà báo - những người đã được cấp thẻ nhà báo, không bao gồm phóng viên và cộng tác viên.

Trong dự thảo báo cáo khảo sát, nghiên cứu các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp của RED Communication, bất cập về luật, hệ thống pháp luật và cơ chế thực thi cũng là nguyên nhân khác của hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân xuất phát từ phía cơ quan báo chí, đối tượng cản trở không muốn phanh phui sự thật, gây khó dễ cho nhà báo…

Để tránh gặp phải những hành vi cản trở, các phóng viên, nhà báo phải nắm rõ về luật, trau dồi kỹ năng tác nghiệp, ứng xử và phải thực sự khéo léo. Ông Lưu Đình Phúc, Trưởng phòng Quản lý Báo chí Trung ương (Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, nhà báo nên trang tự trang bị cho mình những kỹ năng tránh hành vi cản trở báo chí tác nghiệp.

“Cách giao tiếp của một số phóng viên trẻ còn hạn chế, thiếu khéo léo. Nhiều phóng viên khi phát hiện ra đề tài không tuân theo hoạt động của cơ quan mà tự ý làm việc”, bà Kim Chi, Trưởng Ban Kiểm tra của Hội Nhà báo Việt Nam nói.

Bà Kim Chi cũng cho biết, để bảo vệ quyền lợi của nhà báo khi tác nghiệp, Hội đã kiến nghị Quốc hội khi chỉnh sửa Luật cần bổ sung chi tiết nhà báo tác nghiệp phải được coi là thi hành công vụ.

Trước tình hình cản trở, hành hung người làm báo đang và diễn biến phức tạp, nhóm chuyên gia của dự án "Nghiên cứu - truyền thông các hành vi cản trở báo chí tác nghiệp" của RED Communication đã đưa ra hai đề xuất:

Về hình sự: Xây dựng một tội danh riêng về cản trở, hành hung nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp trên cơ sở giống như tội cản trở, chống người thi hành công vụ bổ sung vào luật hình sự.

Về hành chính: Đề nghị xây dựng thông tư hướng dẫn, làm rõ nghị định 02/2011 do Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan chức năng tương đương ban hành làm rõ 12 hành vi cản trở nhà báo khi tác nghiệp đã được nhận diện.

(Dân Việt)
Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN